Đề nghị truy tố đường dây 'chạy người'

Đề nghị truy tố đường dây 'chạy người'
TPO - Công an TPHCM vừa đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố xét xử đường dây làm hồ sơ giả "chạy người" khỏi Trung tâm hỗ trợ xã hội (số 463 đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Hai nạn nhân đến cơ quan công an trình báo việc cán bộ của Trung tâm hỗ trợ xã hội đã lừa lấy tiền
Hai nạn nhân đến cơ quan công an trình báo việc cán bộ của Trung tâm hỗ trợ xã hội đã lừa lấy tiền.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, công an TPHCM vừa đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM truy tố xét xử đối với nhóm bị can về các tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Các bị can gồm: Nguyễn Thanh Tâm (SN 1989, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM), Nguyễn Tấn Thành (SN 1967, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM), đều là nhân viên bảo vệ của trung tâm hỗ trợ xã hội; Nguyễn Thọ Minh Cường (SN 1975, ngụ quận Bình Thạnh - chủ quán cà phê Kim Khánh, đối diện với trung tâm); Dương Hữu Thành (SN 1972, ngụ quận Gò Vấp, cựu nhân viên của trung tâm); Phan Ngọc Anh (SN 1962, ngụ quận Bình Thạnh - nguyên trưởng phòng quản lý giáo dục – hồ sơ của trung tâm); Lưu Văn Như (SN 1967, nguyên phó trưởng công an xã Vĩnh Tân) và Lại Văn Hùng (SN 1962, cùng ngụ tỉnh Đồng Nai, nguyên công an viên xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Đây là đường dây của các cán bộ trung tâm hỗ trợ Xã hội (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM) với các đối tượng bên ngoài, nhận tiền, giải cứu trại viên đang bị trung tâm quản lý đã bị Cục cảnh sát hình sự, Bộ công an triệt phá vào ngày 30-11-2011.

Sau đó, vụ án này được bàn giao cho cơ quan CSĐT công an TPHCM mở rộng điều tra, đến nay đã làm rõ tội danh của các đối tượng.

Theo hồ sơ vụ án, Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM có chức năng tiếp nhận hỗ trợ, chăm sóc ban đầu cho những người không nơi nương tựa, lang thang không có giấy tờ tùy thân, được đưa về trung tâm.

Trong một tháng, nếu không có người thân bảo lãnh (người bảo lãnh phải đủ điều kiện như: có giấy CMND, hộ khẩu cùng địa chỉ của trại viên được chính quyền địa phương xác nhận; nếu không thì phải có giấy ủy quyền của người thân trại viên…), trung tâm đưa trại viên đi các trung tâm, hoặc vận động đưa đi định cư lập nghiệp tại những vùng kinh tế mới…

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý nôn nóng của những người muốn người thân sớm được hồi gia, một số nhân viên qua mặt ban giám đốc trung tâm, gạ gẫm chung chi tiền để “chạy” cho đối tượng bị bắt ra khỏi trung tâm một cách bất hợp pháp.

Cụ thể, đối tượng Tâm, Thành gạ gẫm, ra giá chung chi với người nhà trại viên. Cường (chủ quán cà phê Kim Khánh đối diện cổng trung tâm) giới thiệu thân nhân trại viên cho 2 bảo vệ trên để được trả công 300 – 500 ngàn đồng/trường hợp.

Trường hợp trại viên không đủ điều kiện bảo lãnh, Thành giao cho Dương Hữu Thành làm giả hồ sơ, với mức tiền công 3 – 4 triệu đồng/hồ sơ.

Sau đó, Dương Hữu Thành giao cho phó trưởng công an xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, là Lưu Văn Như làm giả với giá 1,2 triệu đồng/hồ sơ. Như sai cấp dưới Lại Văn Hùng (nguyên công an viên xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) trực tiếp thực hiện.

Để đưa trại viên ra khỏi trung tâm trót lọt, Thành “đút lót” 3 – 5 triệu đồng/hồ sơ cho Phan Ngọc Anh (nguyên trưởng phòng quản lý giáo dục – hồ sơ của trung tâm) để ông Anh ký duyệt cho trại viên ra khỏi trung tâm.

Theo cơ quan điều tra, đường dây này thực hiện trót lọt bảy vụ, chiếm đoạt 84 triệu đồng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG