Ủng hộ nổ súng nhưng còn băn khoăn

Ủng hộ nổ súng nhưng còn băn khoăn
TP - Người thi hành công vụ được bắn trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra...

> Cần quy định thêm trường hợp công an nổ súng bắn người?
> Đề xuất cho bắn người chống cán bộ thi hành công vụ

Đó là quy định tại dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có ý kiến cho rằng quy định trên là không cần thiết vì đã được pháp luật quy định.

Nổ súng để phòng vệ, bắt giữ đối tượng

Theo dự thảo Nghị định, trong trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Siết cả người thi hành công vụ

Về phía người thi hành công vụ, Bộ Công an đề xuất quy định nghiêm cấm lực lượng này vi phạm điều lệnh, nội quy, quy trình, kế hoạch công tác, vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ; không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tham nhũng, tiêu cực, trục lợi cá nhân, hách dịch, cửa quyền hoặc có hành vi, thái độ, tác phong, lời nói, ứng xử không đúng mực khi thi hành công vụ.

Nghiêm cấm người thi hành công vụ vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ; vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác trong khi thi hành công vụ...

Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, dự thảo Nghị định cũng yêu cầu lực lượng thi hành công vụ phải giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm...

Luật đã quy định cụ thể

Theo luật sư Hằng Nga ( Đoàn Luật sư Hà Nội), việc trang bị vũ khí cũng như cho phép lực lượng công an nổ súng đối với các đối tượng chống người thi hành công vụ là rất cần thiết.

Thực tiễn cho thấy, hiện tượng chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt nguy hiểm là những đối tượng mang theo vũ khí nóng. Khi họ nhìn thấy các chiến sỹ cảnh sát giao thông chỉ có chiếc dùi cui hay còng số 8, chắc chắn sẽ không sợ, và việc trấn áp tội phạm sẽ khó đạt hiệu quả.

Từ năm 2002 đến tháng 6 năm 2012 cả nước xảy ra 8.513 vụ chống người thi hành công vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó, số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng. Trong đó trên 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng công an...

Trích dự thảo Tờ trình Chính phủ của Bộ Công an

“Còn việc nổ súng như thế nào, các hệ thống văn bản pháp luật đã điều chỉnh rất cụ thể. Họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu quá tay, nghĩa là vượt quá phòng vệ cũng như giới hạn cho phép, người thi hành công vụ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – luật sư Hằng Nga nói.

Tuy nhiên, luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội) lại cho rằng, các hành vi tự vệ hay phòng vệ chính đáng đã được pháp luật quy định rất cụ thể.

Việc sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ cũng đã được quy định cụ thể tại Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Người thi hành công vụ đương nhiên được phép tự bảo vệ chính mình cũng như thực thi quyền lực nhà nước...

“Nếu cần thiết đề xuất những tình huống mới thì cần “luật hóa” bằng các điều luật cụ thể, tránh xây dựng quá nhiều văn bản dưới luật, hướng dẫn. Việc cứ liên tiếp bổ sung, sửa đổi, chỉnh sửa bằng các văn bản dưới luật sẽ rất dễ gây ra tình trạng rối loạn, người dân rất khó nắm bắt...” - luật sư Hà Đăng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG