Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Chỉ nên giao quyền cho một cơ quan

Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Chỉ nên giao quyền cho một cơ quan
TP - Đó là ý kiến của TS. Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC), khi trao đổi với Tiền Phong xung quanh đề xuất của Bộ Công an sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí.

* Ủy ban Tư pháp Quốc hội từng phản đối

> Bổ sung quy định yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin
> Báo chí phải khắc phục tình trạng 'thương mại hóa'

“Liệu Còn ai dám tố cáo?”

Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND

hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Còn đề xuất của Bộ Công an, được công bố trên cổng thông tin của bộ này về việc sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng: Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đề xuất trên được đưa ra tại văn bản (do Bộ trưởng Bộ Công an ký) trả lời các ý kiến chất vấn của cử tri các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng; chưa có văn bản chính thức kiến nghị Quốc hội, Chính phủ.

Trong trường hợp đề xuất này được thông qua, sẽ có thêm hàng ngàn cơ quan (cơ quan điều tra từ cấp bộ xuống cấp huyện) có quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin. Nhà báo và cơ quan báo chí có nguy cơ phải đi ngược lại nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp là phải bảo vệ nguồn tin của mình, còn nguồn tin có nguy cơ găp nhiều rủi ro hơn.

TS. Dương Thanh Biểu là người từng tham gia góp ý kiến trong quá trình xây dựng Luật Báo chí. Cá nhân ông không ủng hộ đề xuất sửa Điều 7 của Luật Báo chí theo hướng mở rộng đối tượng có thẩm quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin. TS. Biểu cho biết, trước đây chỉ có Viện trưởng VKSND có quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin, sau đó bổ sung thêm Chánh án TAND.

Cũng theo ông Biểu, thực tế cho thấy chỉ có bên VKS yêu cầu cung cấp nguồn tin, còn phía TAND thì rất ít khi yêu cầu. “Nếu bổ sung thêm cơ quan điều tra nữa là rất khó. Theo tôi là không nên. Tôi cho rằng chỉ cần VKS nắm nguồn tin là được rồi, còn những cơ quan khác, nếu cần có thể qua cơ quan VKS. Khi đó, phía cơ quan nào sử dụng nguồn tin đó phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin. Nếu cơ quan nào cũng có quyền yêu cầu cung cấp nguồn tin thì ai còn dám cung cấp thông tin, tố cáo tham nhũng nữa!”- TS. Dương Thanh Biểu nhấn mạnh.

Hạn chế hiệu quả chống tham nhũng

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cũng không ủng hộ sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng mở rộng đối tượng có thẩm quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin.

 Rất nhiều vụ do báo chí, do dư luận phanh phui ra, chứ không phải do các cơ quan chức năng. Nếu mà đề xuất như trên, còn ai dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa. Vì người tố cáo rất ngại bị trả thù 

GS.Nguyễn Minh Thuyết

Ông Thuyết cho rằng, Luật Báo chí càng cần phải cởi mở hơn theo thông lệ quốc tế và yêu cầu của việc đề cao dân chủ hiện nay. Nếu bây giờ lại đặt vấn đề buộc báo chí cung cấp nguồn tin như thế, sẽ đi ngược lại xu thế chung, đi ngược lại với đạo đức báo chí.

Trong Luật Báo chí hiện hành đã quy định việc cung cấp nguồn tin, nhưng vụ việc phải nghiêm trọng và cơ quan yêu cầu là cơ quan tư pháp cấp tỉnh trở lên, không thể mở rộng thêm diện yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin.

“Có một thực tế là chúng ta rất lúng túng với việc nội bộ che giấu cho nhau, xí xóa, bỏ qua. Trong khi đó, nguồn tin của báo chí là khách quan, được người dân tin tưởng. Có thể nói báo chí hiện nay là một địa chỉ cho người dân trông cậy vào để đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là khi hiệu quả đấu tranh của các cơ quan chức năng chưa cao. Quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng từ trước tới nay có đóng góp rất lớn của báo chí. Rất nhiều vụ do báo chí, do dư luận phanh phui ra, chứ không phải do các cơ quan chức năng. Nếu mà đề xuất như trên, còn ai dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa. Vì người tố cáo rất ngại bị trả thù. Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người đấu tranh chống tham nhũng bị trả thù dã man...”- GS. Thuyết nói.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu quy định không đúng sẽ hạn chế cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thậm chí triệt tiêu sự tham gia của người dân và báo chí, dẫn tới hạn chế hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước ta.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG