Một câu to tiếng, hai ông lão hầu tòa

Một câu to tiếng, hai ông lão hầu tòa
TP - Chỉ vì một câu nói to, 2 ông lão cận tuổi thất thập bị mang ra xét xử về hành vi chống người thi hành công vụ. Điều đáng nói, khi kết tội các bị cáo, các cơ quan tố tụng “quên” đưa bị hại vào vụ án, một sai sót căn bản trong việc định tội…

> Cán bộ thanh tra chống người thi hành công vụ
> Phó công an xã bị côn đồ đâm trọng thương

To tiếng, cản trở ổ công tác

Sáng 12/7, hàng trăm người dân khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh ngồi chật cứng phòng xử án để dự phiên tòa xét xử hai công dân cao tuổi của địa phương.

Nhiều người tỏ ý bất bình khi cho rằng, các cơ quan tố tụng đang cố tình ép 2 ông lão vào vòng lao lý, khi hành vi còn chưa đến mức bị xử lý hành chính. Hai bị cáo, một người phải dùng đến thiết bị trợ thính, người kia lê từng bước tập tễnh, lập cập hướng về vành móng ngựa để trả lời các câu hỏi của quan tòa.

Tháng 4/2012, hai ông Tuyến và Đàng bị TAND TP Bắc Ninh tuyên án về tội gây rối trật tự công cộng (bị cáo được trả tự do tại tòa vì đã chấp hành xong hình phạt ở thời gian bị tạm giam hơn 3 tháng). Tuy nhiên, ngay sau đó bản án bị TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên hủy ở phiên xử phúc thẩm khi 2 bị cáo kháng án. HĐXX tòa phúc thẩm cho rằng những hành vi của Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Văn Đàng có dấu hiệu cấu thành về tội phạm khác, do vậy trả hồ sơ để điều tra lại. Trong phiên xử ngày 12/7, HĐXX xác định vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, nên dự kiến ngày 16/7 mới tuyên án.

Theo cáo buộc, năm 2009, tỉnh Bắc Ninh thực hiện dự án khu dân cư và công trình công cộng tại địa bàn phường Vũ Ninh. Tháng 9/2011, Ban quản lý dự án TP Bắc Ninh niêm yết danh sách công khai danh sách hộ dân và diện tích đất bị thu hồi và bồi thường đợt 1.

Chiều 12/9/2011, chính quyền khu Cô Mễ (phường Vũ Ninh) giao cho anh Nguyễn Văn Thoảng (phát thanh viên) thông báo nội dung làm việc của tổ công tác từ ngày 13/9 đến 15/9/2011, cho các hộ dân đến kê khai toàn bộ diện tích đất chưa có trong “sổ đỏ” để hoàn thiện hồ sơ.

Khoảng 8 giờ ngày 13/9, tổ công tác đến văn phòng làm việc của chính quyền khu Cô Mễ, thấy cửa văn phòng bị khóa. 10 giờ cùng ngày, khi tổ công tác đang kê khai cho các hộ dân, ông Nguyễn Văn Tuyến (SN 1949, khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh) đã to tiếng ngăn cản tổ công tác. Đến 14 giờ, ông Tuyến tổ chức ban đại diện họp tại nhà văn hóa Cô Mễ, chiếm chỗ làm việc, gây cản trở tổ công tác thực thi công vụ. Cùng lúc, ông Nguyễn Văn Đàng (SN 1947, ở khu Cô Mễ) đứng trước của nhà văn hóa chửi bới, lăng mạ anh Nguyễn Hùng Cương (cán bộ Ban quản lý dự án), cản trở hoạt động của tổ công tác.

Không có bị hại?

Khai tại tòa, bị cáo Tuyến khẳng định, chính những người có chức trách ở địa phương đã không làm đúng với nội dung được Trưởng khu dân cư Cô Mễ- Nguyễn Văn Toản thông báo trên loa trước đó. Bởi chiều hôm đó, tổ công tác làm việc về nội dung kê khai diện tích đất để thu hồi, giải phóng mặt bằng, để triển khai dự án đồng Trầm Trên (tái định cư), chứ không phải làm “sổ đỏ” như thông báo.

Nhận định có sự nhập nhèm trong việc lấy đất của dân làm dự án, ông Tuyến, với tư cách Trưởng ban đại diện Hội Hai giới (nam + nữ của Hội Người cao tuổi) khu Cô Mễ đã thông báo trên loa, mời đại diện các hộ dân đến nhà văn hóa để làm rõ.

Chính từ vì cuộc họp chiều 13/9/2011, cơ quan tố tụng cho rằng, việc Hội Hai giới họp ở nhà văn hóa khiến Tổ công tác không có chỗ làm việc theo kế hoạch, cùng với hành vi cản trở, to tiếng, lăng mạ cán bộ của hai bị cáo đã đủ cơ sở kết tội Chống người thi hành công vụ. Điều này được vị kiểm sát viên nhắc lại nhiều lần trong phiên xử.

Không đồng tình với những cáo buộc từ phía cơ quan truy tố, các bị cáo, một số nhân chứng, cũng như luật sư đều cho rằng, các cụ ông cụ bà trong Hội Hai giới đã không chiếm trụ sở của tổ công tác.

Trước hết, nhà văn hóa được xây dựng trên cơ sở đóng góp của người dân địa phương, mà chủ yếu là thành viên của Hội Hai giới, không phải trụ sở hay văn phòng làm việc của chính quyền địa phương.

“Hơn nữa, khi tổ công tác đến làm việc vẫn còn tầng 2 để trống, và họ hoàn toàn có thể triển khai họp dân ở khu vực này” - luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội), bào chữa cho bị cáo Tuyến, nói tại tòa.

Cũng theo luật sư Hà Đăng, quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng đã mắc phải nhiều sai phạm nghiêm trọng. Tài liệu để làm căn cứ khởi tố vụ án có nhiều dấu hiệu ngụy tạo, đó là biên bản do tổ công tác lập hồi 15 giờ ngày 13/9/2011 tại nhà văn hóa Cô Mễ.

Thời điểm này theo lời khai của trưởng khu dân cư Nguyễn Văn Toản là “không còn ai của tổ công tác còn ở đó”. Bản thân ông Toản cũng thừa nhận, khi ký vào 2 biên bản tại UBND phường Vũ Ninh và tại trụ sở công an phường này, chỉ có ông Toản và một người công an tên Quảng.

“Ai ký trước hay sau vào biên bản tôi không biết” - ông Toản khai tại tòa. Trong khi đó, 2 biên bản làm việc tại hồ sơ vụ án có rất nhiều thành phần chính quyền cùng ký vào đó.

Cũng theo vị trưởng khu dân cư này, chiều 13/9/2011, cửa nhà văn hóa mở, anh này vào để cặp tài liệu rồi ra mời tổ công tác vào làm việc nhưng họ không vào. Như vậy, có thể thấy rõ không có ai bị cản trở nhưng hành vi chống người thi hành công vụ vẫn được cơ quan tố tụng gán cho 2 ông lão.

Cuối cùng, luật sư Hà Đăng khẳng định, cơ quan tố tụng đã mắc phải sai phạm căn bản khi không xác định được ai là bị hại cũng như nguyên đơn dân sự trong vụ án.

“Một vụ án chống người thi hành công vụ, lẽ ra phải xác định ai là người bị chống đối, họ bị thiệt hại về tinh thần, thể chất như thế nào… Nhưng ở đây, tòa lại xác định một cán bộ trong tổ công tác bị hai bị cáo xúc phạm, cản trở lại là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” - luật sư Hà Đăng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG