Cảnh sát môi trường Bình Phước có lạm quyền?

Cảnh sát môi trường Bình Phước có lạm quyền?
TP - Cty Cổ phần Chăn nuôi Bình Phước và các doanh nghiệp liên quan đang đứng trước nguy cơ phá sản, kéo theo trên 500 lao động có nguy cơ mất việc. Vụ việc liên quan tới Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Bình Phước. Trung tuần tháng 7/2013, báo Tiền Phong nhận được đơn kêu cứu của Cty Cổ phần Chăn nuôi Bình Phước.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Phước (gọi tắt là Công ty Bình Phước) được thành lập từ năm 2010. Công ty Bình Phước đã đầu tư dự án chăn nuôi với tổng số vốn 170 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ tháng 6/2012 cho đến nay.

Dự án chăn nuôi có quy mô lớn của Cty Bình Phước. Ảnh: Đại Dương
Dự án chăn nuôi có quy mô lớn của Cty Bình Phước. Ảnh: Đại Dương.

“Với quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực đầu tư và phát triển kinh doanh, công ty bắt đầu có lợi nhuận, và đây là điều mà hơn 500 cán bộ nhân viên và cổ đông của Công ty Bình Phước rất vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, vào đầu năm 2013, không hiểu vì lý do gì mà PC 49 liên tục triệu tập các thành viên Hội đồng Quản trị cũng như các cổ đông của Công ty Bình Phước lên làm việc tại trụ sở công an tỉnh” - ông Nguyễn Như Hoàng, Phó TGĐ Cty nói.

Bỗng dưng bị xem như tội phạm

Đơn kêu cứu của lãnh đạo Cty Bình Phước ghi: Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc công ty bị mời lên, điều tra viên ghi nhận lời khai hỏi đáp như tội phạm. Kế toán của công ty bị yêu cầu phải chứng minh doanh thu hằng tháng, công ty sử dụng số tiền đó như thế nào, với mục đích gì. Trong khi chế độ báo cáo tài chính hằng tháng, công ty đã báo đầy đủ cho cơ quan thuế. Đối với các cổ đông, khi được PC49 mời đến làm việc, nhưng do bận việc không thể đến được thì cán bộ điều tra viên của phòng này còn đe dọa, nếu không lên sẽ gửi giấy triệu tập. Thậm chí điều tra viên còn ra tận Hà Tĩnh (quê của cổ đông) để “làm rõ” nguồn tiền đầu tư góp vào dự án khiến cổ đông hoảng loạn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (ở xã Minh Long, huyện Chơn Thành, Bình Phước) một cổ đông của công ty, nói: “Đang yên đang lành, công an gửi giấy mời về địa phương và cả cơ quan tôi yêu cầu tôi đến công an tỉnh làm việc. Trong khi tôi đang nuôi con nhỏ, nhà ở xa, lại bận công việc không đi được thì công an hăm dọa triệu tập. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, uy tín của tôi, khiến tôi rất mệt mỏi và bức xúc”.

Cảnh sát môi trường… điều tra kinh tế

Cho rằng Cty Bình Phước vi phạm về vấn đề môi trường, PC49 tiến hành điều tra. Tuy nhiên, trong thực tế, PC49 chủ yếu điều tra các vấn đề liên quan tài chính.

Ngày 11/7, làm việc với phóng viên Tiền Phong, trung tá Nguyễn Huy Hải - Chánh văn phòng Công an tỉnh Bình Phước cho rằng, trong quá trình điều tra về vấn đề môi trường cảnh sát môi trường phát hiện những sai phạm khác của doanh nghiệp và mở rộng điều tra là chuyện bình thường. Một văn bản gửi báo chí do Thượng tá Trần Thắng Phúc-Phó GĐ Công an tỉnh Bình Phước ký ngày 11/7/2013 cũng cho rằng, việc PC49 điều tra, xác minh các hành vi vi phạm của Công ty Bình Phước là đúng quy định của pháp luật, không có việc lạm quyền trong thi hành nhiệm vụ.

Theo tài liệu phóng viên Tiền Phong thu thập được, PC49 gửi giấy mời đến nhiều cá nhân đến làm việc liên quan đến các vấn đề kinh tế, tài chính của doanh nghiệp và của cả cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến là một trong số đó. Bà Yến cho biết giấy mời của PC49 gửi đến bà đều ghi: Mời đến để “làm việc liên quan đến việc góp vốn vào Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Phước”. “Khi làm việc, các điều tra viên toàn hỏi xoáy vào tình hình hoạt động của công ty, nguồn gốc vốn của tôi, rồi việc chia chác cổ tức thế nào... Tôi thấy công an môi trường hỏi những chuyện không đúng với chức năng, nhiệm vụ của họ”- bà Yến bức xúc.

PC 49 còn ra văn bản yêu cầu Cty CP Bình Phước cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty; tiến hành điều tra việc thuê đất để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo của Công ty Bình Phước tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước); điều tra hoạt động đầu tư, vay vốn của công ty tại Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Bình Phước và chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Đồng Phú.

Theo ông Trần Văn Dũng-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Đồng Phú, những yêu cầu kể trên của công an tỉnh Bình Phước hoàn toàn không đúng với quy định pháp luật hiện hành.

Tiếp đến, PC49 còn đề nghị Cục thuế Bình Phước cung cấp thông tin liên quan việc miễn thuế đất cho công ty. Công an tỉnh Bình Phước cũng gửi công văn đến Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (DN của Thái Lan và là đối tác của Công ty Bình Phước) yêu cầu cung cấp những tài liệu hoạt động tài chính và cả bí mật kinh doanh của hai công ty, chẳng hạn như: cung cấp hợp đồng thuê trang trại chăn nuôi; số tiền thuê trang trại mỗi tháng Công ty C.P Việt Nam trả cho Công ty Bình Phước là bao nhiêu… Hoạt động điều tra này đã gây phản ứng, bất bình từ phía Tập đoàn C.P Thái Lan.

Làm đúng vẫn bị điều tra

Ngày 30/5/2011, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định (số 1295/QĐ - UBND) thành lập Đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra quá trình giao đất và việc quản lý sử dụng đất của các dự án được giao đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đầu tháng 8/2011, Đoàn thanh tra làm việc với Cty Bình Phước về nội dung trên.

Đến ngày 12/1/2012, UBND tỉnh Bình Phước có Thông báo (số 20/TB-UBND) kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - ông Trương Tấn Thiệu về vấn đề này.

Đối với việc sử dụng đất dự án chăn nuôi heo của Cty Bình Phước, ông Thiệu kết luận: “Diện tích quy hoạch cho dự án chăn nuôi gồm 4 khu, trong đó giữa các khu B, C, D nằm xen kẽ với đất của dân, có khoảng 15ha đất để làm khu cách ly, hồ xử lý nước thải nằm xen kẽ giữa lô A và B. Về thủ tục, chủ dự án đã làm đầy đủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Dự án hiện đã đầu tư 140 tỉ đồng, có 9.600 con heo nái, sinh sản được khoảng 300.000 con heo giống/năm, tạo được việc làm cho khoảng 300 lao động tại địa phương”.

Kết luận cũng nêu rõ: “Việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch và giấy phép xây dựng. Dự án phù hợp với quy định hiện hành của Bộ NN&PTNT về xây dựng chuồng trại chăn nuôi”.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Cty Bình Phước liên tục bị PC 49 “thăm hỏi”. Ngay cả khi Cục thuế Bình Phước đã không dưới 2 lần khẳng định việc miễn thuế đất với Công ty trong 7 năm là đúng quy định, nhưng PC 49 vẫn không từ bỏ ý định điều tra.

(Còn nữa)

Luật sư Nguyễn Tấn Hải - Đoàn Luật sư TPHCM, Trưởng văn phòng luật sư Quốc Việt Luật: Nếu trong quá trình kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp mà Cảnh sát Môi trường phát hiện có dấu hiệu tôi phạm thì có quyền chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên trong trường hợp này, Cảnh sát Môi trường tỉnh Bình Phước kiểm tra hoạt động chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng lại gửi công văn, giấy triệu tập đến các cổ đông và đối tác của công ty cũng như Ngân hàng yêu cầu cung cấp hợp đồng tín dụng là có dấu hiệu lạm quyền và vi phạm pháp luật. Cụ thể vi phạm Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 56/2012/TT-BCA, ngày 18/9/2012 Bộ Công an: “Nghiêm cấm việc tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm khác về môi trường để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.