Cần hủy án để điều tra lại vụ 'cựu sỹ quan công an bị tạm giam 7 năm'

Cần hủy án để điều tra lại vụ 'cựu sỹ quan công an bị tạm giam 7 năm'
TP - Ngày 22/8, TAND Tối cao sẽ xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Đình Tiếng - cựu sỹ quan công an TP Hà Nội bị truy tố về hành vi “nhận hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến nay, ông Tiếng bị tạm giam tròn 7 năm, được coi là một trong những người bị tạm giam lâu nhất Việt Nam.

> Ba điều từ phiên tòa Phạm Đình Tiếng
> Xét xử 'người bị tạm giam 7 năm': Nhiều tình tiết mới

Dấu hiệu oan sai

Bảy năm đủ nói lên dấu hiệu oan sai của vụ án. Bảy năm tạm giam biến ông Tiếng thành gã bủng beo phù thũng, đi đứng lệt bệt, như một cụ ông gần đất xa trời. Cái ông Tiếng sắp ra tòa đã khác nhiều lắm ông Tiếng khi mới nhập trại. Chỉ một điều không khác, là suốt bảy năm qua, nghi phạm này không ngừng kêu oan.

Cùng kêu oan cho ông Tiếng là gần chục luật sư, những người đã và đang bào chữa cho ông trước tòa. Họ gắng kiếm tìm những tình tiết, những tài liệu nhằm chỉ ra việc khởi tố, bắt tạm giam ông Tiếng là thiếu chứng cứ, việc điều tra càng về sau càng “cố đấm ăn xôi”, vi phạm tố tụng, “gọt chân cho vừa giày”.

Những người đã xử tù ông Tiếng (bản án chưa có hiệu lực pháp luật) thì khẳng định: Bị can, bị cáo kêu oan là chuyện bình thường. Hồ sơ như thế, chứng cứ như thế, phạm tội là đúng, oan sai gì ở đây!

Người viết bài này thử hỏi một số thẩm phán TAND TP Hà Nội, nơi vừa xét xử sơ thẩm ông Tiếng: Nếu ông Tiếng bị oan, làm cách nào để giải oan? Câu trả lời là: Về lý thuyết, mọi chuyện sẽ được quyết định tại tòa, nhưng thực tế thì không trông đợi gì khi ra tòa đâu (!?).

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, để gỡ tội cho người bị oan, người cán bộ tố tụng trước hết phải cương quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm tố tụng của chính các cán bộ tố tụng trước đó, không chấp nhận “hòa giải”, cho qua những hành vi đó.

Những vụ án oan thời gian qua cho thấy quá trình tố tụng đều có nhiều vi phạm ở mức độ nghiêm trọng. Sai phạm bắt đầu từ sự chủ quan, nóng vội, còn kết thúc thì biết sai nhưng không sửa. Vi phạm tố tụng là dấu hiệu của mạo dựng chứng cứ, làm sai lệch hồ sơ, bằng mọi cách cột tội để né tránh trách nhiệm.

Vi phạm tố tụng

Trong vụ án Phạm Đình Tiếng, CQĐT đã có rất nhiều vi phạm tố tụng. Điển hình là vi phạm xung quanh bản danh sách 20 đối tượng, Tiền Phong đã phản ánh. Để chứng minh ông Tiếng làm lợi cho Bùi Trọng Bảy, người ta nêu chuyện ông Tiếng lập ra danh sách 20 đàn em của Bảy, song không báo cáo ban chuyên án, chỉ dùng để “hù” Bảy vòi tiền hối lộ.

Tuy nhiên, người ta “nhét nhầm” vào hồ sơ bản danh sách 20 đối tượng đã có… bút phê của lãnh đạo C47 bên lề! Khi bị luật sư vạch ra chuyện này, người ta bèn vứt tài liệu đó ra khỏi hồ sơ, thay bằng tài liệu tẩy xóa, làm giả cả dấu lưu C53! Việc này, vợ ông Tiếng là bà Phan Thị Lệ Tuyên có đơn tố cáo, Ủy ban kiểm tra TW Đảng đã kết luận.

Một vi phạm tố tụng khác. C47 không có thẩm quyền điều tra tội phạm hối lộ, lừa đảo, song họ vẫn “ôm” vụ án để điều tra đi, điều tra lại. Khi Ủy ban kiểm tra TW Đảng kết luận Phó thủ trưởng và điều tra viên C47 có sai phạm, C47 vẫn không “nhả” vụ án. Điều này dẫn đến vụ án bị kéo dài với rất nhiều lần điều tra bổ sung, song “con tàu tố tụng” vẫn chỉ đi lại trên một đường ray nhẵn thín.

Trong vụ án Phạm Đình Tiếng, cơ quan thực hành quyền công tố là Viện KSND Tối cao. Cơ quan này bị tố cáo giam giữ ông Tiếng sai quy định pháp luật, kiểm sát viên bao che cho sai phạm của C47. Đơn tố cáo này chưa hề được trả lời.

Trong việc không thay đổi CQĐT, trách nhiệm lớn thuộc về Viện KSND Tối cao. Sau khi nhận lại hồ sơ từ Tòa án để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại, quý Viện này không thay đổi CQĐT, trước sau chỉ giao cho đúng C47.

Một vi phạm tố tụng khác, Viện KSND Tối cao không chuyển hồ sơ cho Viện KSND TP Hà Nội để cơ quan này thực hiện quyền công tố, ra cáo trạng, theo đúng quy định của Bộ luật TTHS. Ở cả hai cấp tòa, cơ quan thực hành quyền công tố vẫn chỉ là một, điều này làm giảm tính khách quan trong tranh tụng tại tòa.

Mong đợi

Nhiều người theo dõi vụ án mong HĐXX phiên tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Người ta cũng mong việc điều tra lại sẽ được giao cho một cơ quan khác không phải C47, và Viện KSND Tối cao sẽ chỉ thực hiện chức năng kiểm sát điều tra, còn thực hành quyền công tố là Viện KSND TP Hà Nội.

Tóm tắt vụ án

Ông Tiếng bị quy kết nhận hối lộ ba lần, khi còn công tác ở Phòng cảnh sát phòng chống ma túy Công an TP Hà Nội.

Lần thứ nhất, ông Tiếng bị quy kết nhận 12.000USD. Trong lúc lấy lời khai trùm ma túy Bùi Trọng Bảy, ông Tiếng vòi tiền rồi “cắt đuôi” đám em út của Bảy. Lần thứ hai, Công an Hà Nội tóm được một đàn em của Bảy là Nguyễn Viết Mạnh, ông Tiếng nhận 8.000USD để thả Mạnh. Lần thứ ba, ông Tiếng nhận 5.000USD, để can thiệp cho chị vợ của Bảy (cũng trong đường dây ma túy) thoát án.

Hai lần đầu, CQĐT vụ án này là C47 (Cục CSĐTTP về ma túy Bộ Công an) “nhặt” ra một số hành vi của ông Tiếng bị xem là có lợi cho Bùi Trọng Bảy. Riêng lần thứ ba, người ta thấy ông Tiếng không liên quan, bèn đổi tội danh từ “nhận hối lộ” sang “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG