Tòa xử kiểu gì cũng được

Tòa xử kiểu gì cũng được
TP - Buổi sáng, một người đàn ông xách cặp hồ sơ, vẻ tất bật đến tòa soạn kêu oan: “Tôi không thể tin được, tòa lại có thể “cướp” con tôi để trao cho người khác nhanh như vậy”.

Sao lại là “cướp”?, tôi hỏi lại, anh bảo “thì hôm trước cũng chính tòa phân xử cho tôi nuôi đứa con nhỏ, người vợ cũ của tôi nuôi đứa con lớn. Thế mà sau đó, dù chẳng có lý do gì họ lại phán cho vợ cũ của tôi nuôi cả hai đứa. Đúng là tòa muốn xử kiểu gì cũng được”.

Người đàn ông ấy là Nguyễn Việt Dũng - chuyên viên Cục Bảo vệ Môi trường- Bộ Tài nguyên Môi trường. Năm 1996, anh Dũng kết hôn cùng chị Vũ Thanh Huyền (hiện là cán bộ Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài). Sau gần 9 năm chung sống, họ có hai con ruột là cháu Nguyễn Vũ Linh Chi- sinh ngày 31/1/2001 và cháu Nguyễn Hữu Đức - sinh ngày 2/10/2003.

Do cuộc sống gia đình không hạnh phúc, giữa năm 2005, chị Huyền có đơn gửi TAND quận Ba Đình xin ly hôn. Mặc dù anh Dũng đã nhiều lần gắng hòa giải song không được chị Huyền chấp thuận. Ngày 3/10/2005, TAND quận Ba Đình ra Quyết định ly hôn cho hai anh chị.

Thời điểm đó, cháu Nguyễn Hữu Đức mới 2 tuổi. Theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình cũng như hiểu được nhu cầu của con nhỏ rất cần sự chăm sóc của mẹ, anh Dũng yêu cầu nhận nuôi cháu Nguyễn Vũ Linh Chi và đề nghị chị Huyền nhận nuôi cháu Nguyễn Hữu Đức. Tuy nhiên, chị Huyền đã từ chối. Bởi vậy, tòa quyết định: Chị Huyền nuôi cháu Nguyễn Vũ Linh Chi và anh Dũng nuôi cháu Nguyễn Hữu Đức.

Chuyện buồn rồi cũng dần qua, anh Dũng vẫn ở vậy cảnh “gà trống nuôi con”. Nhưng con lốc cuộc đời vẫn đeo bám anh. Ngày 10/4/2007, anh Dũng bất ngờ nhận được thông báo của TAND quận Ba Đình về việc chị Huyền đề nghị nhận nuôi cả hai cháu.

Ngày 12/6, mặc dù anh Dũng không chấp thuận, nhưng phiên tòa vẫn diễn ra. Thẩm phán, chủ tọa Nguyễn Thị Bích Loan quyết định chấp thuận yêu cầu của chị Vũ Thanh Huyền, với lý do cháu Đức còn bé cần sự chăm sóc của mẹ.

Quyết định của toà làm anh Dũng chết lặng. “Tôi không thể tin toà lại bất công như vậy. Khi ly hôn, cháu Đức mới chỉ 2 tuổi thì chính mẹ nó đã từ chối nhận nuôi, còn nay cháu đã gần 4 tuổi thì toà lại lấy lý do cháu còn bé cần sự chăm sóc của mẹ. Thế là sao hả anh?” - Anh Dũng tâm sự.

Theo Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình: Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con…

Còn với anh Dũng, anh là cán bộ công chức của Cục Môi trường. Cha con anh đang sống chung với ba mẹ cũng là cán bộ có chức vụ của Bộ Ngoại giao. Tất cả điều đó, chứng minh rằng Dũng và gia đình có đầy đủ điều kiện tốt nhất để chăm sóc và dạy dỗ Đức trưởng thành. Vậy mà...

Trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam, cựu Chánh án TAND Tối cao từng có câu nói trước Quốc hội đầy tai tiếng, rằng ở ta án dân sự xử kiểu gì cũng được. Nay với vụ án cụ thể này, câu nói ấy của ông Chánh án có thể bổ sung thêm cả “án lý hôn”.

Anh Dũng cho biết, anh đã có đơn kháng cáo quyết định của TAND quận Ba Đình. “Tôi sẽ đi đến cùng để trên con đường tìm công lý”, anh Dũng quả quyết.

MỚI - NÓNG