Bệnh viện không điều xe cấp cứu, bệnh nhân tử vong

Bệnh viện Bưu điện quận 2 - số 68 Nguyễn Huy Hiệu, phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM
Bệnh viện Bưu điện quận 2 - số 68 Nguyễn Huy Hiệu, phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM
TP - Dù chỉ cách vị trí người đàn ông bị đột quỵ hơn 500m, nhưng nhân viên Bệnh viện Bưu điện TPHCM cơ sở 2 ở quận 2, TPHCM nhất định không cho xe đến cấp cứu. Sau gần một giờ chờ đợi, bệnh nhân được một bệnh viện khác cách đó khoảng 10km cho xe đến cấp cứu nhưng ông tử vong sau đó.  

Sự việc xảy ra sáng 21/3 khi ông Huỳnh Văn Ngài (65 tuổi, ngụ phường Thảo Điền, quận 2) đến công viên tập thể dục. Vừa dựng xe đạp, tự dưng ông Ngài té ngửa.

Khi ông Ngài vừa đột quỵ, người dân xung quanh gọi vào số điện thoại của Bệnh viện Bưu điện quận 2 để yêu cầu xe cấp cứu, nhưng gọi 20 cuộc mà không được. “Tôi nóng ruột kêu anh trai chạy ra tận bệnh viện kêu xe cấp cứu, có mấy người nữa cũng chạy xe máy ra kêu thêm, nhưng không được đáp ứng”, một tiểu thương chứng kiến sự việc kể.

Ông Tư (bảo vệ chợ tạm Thảo Điền), người trực tiếp đến bệnh viện cầu cứu, cho biết, khi ông Ngài bị đột quỵ, người dân không dám tự ý sơ cứu. “Chúng tôi nghĩ rằng phải đợi y tế họ xuống bởi bệnh viện quá gần. Đợi hoài không thấy, còn chú Ngài thì thở thoi thóp, tôi phải chạy vô bệnh viện kêu, vô phòng cấp cứu thì gặp một cô điều dưỡng đang ngồi bên máy vi tính. Cô này nói tôi kêu taxi chở vô rồi cấp cứu, bệnh viện không có xe…”, ông Tư lắc đầu. Theo ông Tư, vào sáng đó, ông thấy rõ rành rành có xe cấp cứu đậu ở trước bệnh viện.

Ông Nguyễn An Ninh (66 tuổi, bạn tập thể dục của ông Ngài) cho biết, Bệnh viện Bưu điện quận 2 chỉ cách nơi ông Ngài bị đột quỵ chừng hơn 500m, xe cấp cứu chỉ mất chưa đầy 5 phút để đến hiện trường. Nhưng phải chờ gần 1 giờ kể từ lúc người dân điện thoại cho bệnh viện này thì ông Ngài mới được đưa lên xe cấp cứu, nhưng là xe của Bệnh viện quận 2 cách đó 10km. Trước đó, trong lúc chờ đợi, có taxi chạy đến chỗ ông Ngài nằm, nhưng do không có băng ca, người lái taxi đã nhờ tổng đài điện thoại cho Bệnh viện quận 2. Xe cấp cứu của bệnh viện này đã đến ngay. Tuy nhiên, ông Ngài tử vong sau đó.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Phan Thị Kim Hoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bưu điện TPHCM,  cho biết, Ban giám đốc đã làm việc với kíp trực gồm 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng Bệnh viện Bưu điện quận 2. Qua tường trình, điều dưỡng Lê Thúy Cẩm xác nhận, sáng 21/3, có 3 người vào gọi cấp cứu. Tuy nhiên, do nhân sự ít, nên điều dưỡng này bảo họ gọi taxi đưa người vào cấp cứu vì không thể bỏ vị trí trực.

Một lúc sau, tình cờ trùng hợp lại có một bệnh nhân tên là Vũ Thị Linh (33 tuổi) vào cấp cứu do co giật, động kinh khi đi tập thể dục, nên điều dưỡng này cứ nghĩ đó là bệnh nhân mà mọi người đã đến báo cấp cứu. Theo bác sĩ Hoa, lẽ ra sau khi nhận thông tin, điều dưỡng phải báo cho bác sĩ trực để quyết định mọi việc, nhưng có lẽ do đang cấp cứu nhiều bệnh nhân nên đã xử lý vượt quyền. “Chúng tôi đã làm việc nhắc nhở kíp trực”, bà Hoa nói. Bà cũng xác nhận, vào lúc người dân đến gọi cấp cứu ông Ngài, bệnh viện có xe và tài xế trực. Bà tái khẳng định rằng do điều dưỡng chủ quan trong tiếp nhận thông tin cấp cứu, nên trưởng kíp trực không biết để điều phối.

 “Thật xót xa trước sự việc này, người làm ngành y bao giờ cũng phải coi người bệnh như thân nhân của mình. Sự việc này chúng tôi sẽ tìm hiểu kĩ để rút kinh nghiệm sâu sắc”, bà Hoa nói.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 25/3 về việc không điều xe cấp cứu khiến bệnh nhân tử vong, bác sĩ Phạm Tuấn Khoa, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Bưu điện TPHCM, cho biết đã họp và kiểm điểm ê kíp trực hôm xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Về hình thức kỷ luật, ông Khoa nói rằng, bệnh viện sẽ làm nghiêm và báo kết quả cho báo chí.       

Lê Nguyễn

MỚI - NÓNG