Mất tích 11 năm sau khi làm việc với công an- Kỳ cuối:

Cán bộ điều tra có dấu hiệu tùy tiện, trái pháp luật

11 năm nay, bữa cơm của gia đình không còn có sự hiện diện của ông Triển. Trong ảnh là bố mẹ ông Triển (bìa phải) và bà Vuông - vợ ông Triển (bìa trái)
11 năm nay, bữa cơm của gia đình không còn có sự hiện diện của ông Triển. Trong ảnh là bố mẹ ông Triển (bìa phải) và bà Vuông - vợ ông Triển (bìa trái)
TP - Theo luật sư Quách Thành Lực, Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội,  với những gì điều tra viên Tín cho biết thì ông này đã không gửi giấy mời trước cho người làm chứng, không thông báo thời gian, địa điểm làm việc, không có việc ký nhận hay chứng kiến của chính quyền địa phương. “Làm như vậy là tùy tiện, trái pháp luật” - luật sư Lực nói.

Theo ông, quy trình làm việc của tổ công tác thuộc Công an huyện Yên Dũng ngày 31/5/2005 đối với ông Nguyễn Văn Triển như vậy có đúng pháp luật không?

 Tại thời điểm ngày 31/5/2005, hoạt động điều tra vụ án hình sự của cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh số 23/2004/PL-UBTVQH11 ngày 20/8/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về tổ chức điều tra hình sự” và Bộ luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 ngày 26/11/2003. Trong vụ án này, trường hợp vụ án trộm cắp 2.200kg tấn sắt chưa có quyết định khởi tố vụ án thì điều tra viên không được quyền triệu tập ông Triển và ông Triển cũng không có nghĩa vụ phải đến làm việc với cơ quan công an về vụ việc trộm cắp tài sản.

Trong trường hợp vụ án đã được khởi tố thì điều tra viên được phân công nhiệm vụ có quyền ký giấy triệu tập người làm chứng (theo điểm b khoản 1 điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Ông Nguyễn Văn Triển với tư cách người làm chứng khi được điều tra viên triệu tập có nghĩa vụ đến làm việc theo giấy triệu tập. Việc lấy lời khai của người làm chứng phải tuân thủ Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về Triệu tập người làm chứng.

Căn cứ quy định này, việc điều tra viên Nguyễn Xuân Tín xác nhận nội dung: “Tôi phải xác minh gấp, ngay tức khắc. Khi đi, chúng tôi có mang theo giấy mời đối tượng”, như vậy điều tra viên Tín đã không gửi giấy mời trước cho người làm chứng, không thông báo thời gian, địa điểm làm việc, không có việc ký nhận hay chứng kiến của chính quyền địa phương. Việc làm này là tùy tiện, trái pháp luật. Việc lấy lời khai của người làm chứng theo Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng bắt buộc phải lập thành biên bản.

Trách nhiệm của cơ quan điều tra liên quan đến việc mất tích bí ẩn của ông Triển đến đâu, thưa ông?

Cán bộ điều tra có dấu hiệu tùy tiện, trái pháp luật ảnh 1

Theo luật sư Quách Thành Lực, Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Theo điểm a khoản 3 điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về quyền của người làm chứng quy định: “Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng”. Trong trường hợp ông Triển mất tích sau khi làm việc với điều tra viên thì người thân của ông Triển có quyền yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Dũng làm rõ vụ việc và có câu trả lời thỏa đáng. Nếu gia đình ông Triển cho rằng việc ông Triển mất tích có dấu hiệu hình sự thì có quyền làm đơn đề nghị, tố giác yêu cầu Công an huyện Yên Dũng giải quyết theo hướng dẫn tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Yên Dũng có trách nhiệm điều tra giải quyết vụ việc, trả lời cho công dân được biết theo đúng quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”.

Theo ông, để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên, cơ quan điều tra cần làm gì? Người dân khi bị gọi lên làm việc cần chuẩn bị những gì để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc?

Cán bộ điều tra có dấu hiệu tùy tiện, trái pháp luật ảnh 2

Vợ ông Triển 11 năm ngóng tin chồng trong vô vọng.

Với các cán bộ điều tra, trước hết họ cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc triệu tập, lấy lời khai những người được triệu tập. Tiếp đó, khi tiến hành triệu tập người làm chứng cần thông báo cho gia đình, chính quyền địa phương, có người chứng kiến khi đưa người triệu tập đi và đồng thời có người chứng kiến khi bàn giao người triệu tập sau buổi làm việc. Dù việc này Bộ luật Tố tụng hình sự không bắt buộc nhưng trên tinh thần cái gì có lợi cho người dân, không trái pháp luật và góp phần xây dựng nền tư pháp vô tư, khách quan, tôn trọng quyền con người thì nên thực hiện.

Với người dân khi gọi lên làm việc với cơ quan điều tra, cần nâng cao hơn nữa hiểu biết pháp luật. Khi bị triệu tập cần yêu cầu cho xem quyết định khởi tố vụ án, yêu cầu có giấy triệu tập được ký bởi người có thẩm quyền. Việc làm này không phải là hành vi chống đối mà là hành động đúng đắn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, giúp hạn chế tình trạng lạm quyền trong lĩnh vực hình sự.

Cảm ơn ông!

Vòng tròn gửi - chuyển đơn thư kêu cứu

Liên quan đến vụ mất tích bí ẩn của ông Nguyễn Văn Triển, cuối năm 2015, gia đình nạn nhân tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Ngày 14/1/2016, Cục Cảnh sát Hình sự (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) có Thông báo số 07/TB-C45(P1) do Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến ký, gửi gia đình Ngụy Thị Vuông – vợ ông Triển, cho biết đã chuyển đơn đến Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang để xem xét, giải quyết. Ngày 20/1/2016, Thanh tra Bộ Công an có Thông báo số 96/TB-V24-P3, cho biết đã chuyển đơn đến Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang để xem xét, giải quyết. Ngày 19/1/2016, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang có Thông báo số 356-TB-PC44 gửi bà Vuông, cho biết đã nhận đơn của bà đề ngày 30/12/2015 do Bộ Công an chuyển đến, và đã chuyển tới Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Dũng giải quyết theo thẩm quyền.

Chiều 18/2, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Ngụy Thị Vuông cho biết, đến nay gia đình bà vẫn chưa nhận được Thông báo trả lời mới nào từ Công an huyện Yên Dũng.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.