Cần phong tỏa tài sản người thân kẻ tham nhũng

Khu biệt thự được cho là của ông Giang Văn Hiển (bố của Giang Kim Đạt) tại phường Bình An, Quận 2, TPHCM.Ảnh: Ngô Bình.
Khu biệt thự được cho là của ông Giang Văn Hiển (bố của Giang Kim Đạt) tại phường Bình An, Quận 2, TPHCM.Ảnh: Ngô Bình.
TP - Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội cho rằng, cần sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật để cho phép cơ quan chức năng có quyền phong tỏa tài sản của người thân đối tượng có dấu hiệu tham nhũng trong một thời gian nhất định.

Từ việc thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) của bị can Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin, thuộc Tập đoàn Vinashin), ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, cần sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật để cho phép cơ quan chức năng có quyền phong tỏa tài sản của người thân đối tượng có dấu hiệu tham nhũng trong một thời gian nhất định. Đồng thời nghiên cứu cho phép cơ quan điều tra thực hiện biện pháp điều tra đặc biệt nhằm ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản.

Giải thích về những khó khăn trong thu hồi TSTN, các cơ quan chức năng thường nói là quy định của pháp luật còn nhiều lỗ hổng, tài sản đã bị tẩu tán, không làm rõ được. Tuy nhiên, qua trường hợp của bị can Giang Kim Đạt, một số ý kiến cho rằng, nếu quyết tâm chúng ta vẫn có thể làm rõ và truy tìm được nguồn gốc tài sản do tham nhũng mà có. Quan điểm của ông ra sao?

Rõ ràng, trong vụ việc của đối tượng Giang Kim Đạt, nhiều tài sản do đối tượng chiếm đoạt đã được chuyển hóa thành tài sản của người thân và chuyển dịch ra nước ngoài. Điều này, cơ quan chức năng đã điều tra và làm rõ một số vấn đề. Riêng tài sản mà Đạt đã chuyển dịch ra nước ngoài để mua nhà, tới đây Việt Nam và Singapore sẽ phối hợp thu hồi, trên cơ sở hai nước đã tham gia công ước về chống tham nhũng. Tôi nghĩ, điều này sẽ không gặp nhiều khó khăn.

Chúng thường tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách cho người thân như bố, mẹ, con cái đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai, xe cộ…. Những người này lại không thuộc diện kê khai tài sản nên mới có tình trạng, quan chức đôi khi kê khai tài sản rất ít nhưng vợ, con, người thân tài sản lại rất nhiều.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội

Đối với việc chuyển hóa, tẩu tán TSTN sang cho người thân, nếu đúng là tài sản do đối tượng đã thực hiện hành vi tham nhũng mà có, thì chắc chắn sẽ phải quyết liệt thu hồi. Tuy nhiên, qua vụ việc cho thấy, đã đến lúc cần sửa đổi các quy định của luật pháp để bịt lỗ hổng trên. Bởi thông thường, sau khi thực hiện các hành vi tham nhũng, các đối tượng không đứng tên sở hữu khối tài sản đó. Chúng thường tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách cho người thân như bố, mẹ, con cái đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai, xe cộ…. Những người này lại không thuộc diện kê khai tài sản nên mới có tình trạng, quan chức đôi khi kê khai tài sản rất ít nhưng vợ, con, người thân tài sản lại rất nhiều. Đây chính là sơ hở cần bịt lại.

Theo tôi, cần bổ sung quy định cho phép cơ quan chức năng được quyền phong tỏa tài khoản của người thân đối tượng có dấu hiệu tham nhũng trong một thời gian nhất định. Như thế mới ngăn chặn được đối tượng tham nhũng khi thấy bị lộ thì tẩu tán tài sản cho người thân; hoặc người thân của đối tượng tìm cách tẩu tán TSTN cho những người khác, hoặc chuyển nó ra nước ngoài… Ở ta chính vì chưa có những quy định trên nên việc tẩu tán TSTN diễn ra hết sức dễ dàng. Thậm chí có đối tượng tham nhũng nhiều, nhưng tài sản đứng tên sở hữu thì chẳng có là bao.

Ngoài ra, qua vụ việc của bị can Giang Kim Đạt, chúng ta cũng phải nghiên cứu quy định chặt chẽ các vấn đề tham nhũng có yếu tố nước ngoài như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.

Cần phong tỏa tài sản người thân kẻ tham nhũng ảnh 1 Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội.

Như vậy để thu hồi TSTN được hiệu quả thì điều quan trọng nhất vẫn là kiểm soát được tài sản và thu nhập của toàn xã hội, thưa ông.

Đúng là như thế. Và như tôi đã nói ở trên, ở nước ngoài họ kiểm soát tốt việc đó nên ai giàu lên một cách bất thường thì người ta biết ngay. Còn ở ta thì rất khó để biết. Có biết thì người ta khai là của ông, bà để lại và để chứng minh được đó đúng hay sai không phải là điều dễ. Do đó, thời gian tới theo tôi phải khẩn trương xây dựng được cơ chế để kiểm soát thu nhập của toàn thể xã hội. Khi chúng ta có được cơ chế kiểm soát thì những trường hợp “bỗng dưng” giàu lên, hoặc có tài sản bất minh thì cơ quan chức năng sẽ biết  ngay.

Để phòng chống tham nhũng nói chung và thu hồi TSTN nói riêng được hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, nên cho phép thực hiện các điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng để ngăn chặn, xử lý, cũng như tránh nguy cơ tẩu tán tài sản?

Đúng là hiện nay do quy định của mình còn lỏng lẻo quá nên khi phát hiện ra dấu hiệu của đối tượng tham nhũng, tiến hành khởi tố, bắt tạm giam thì tài sản đã bị chuyển hóa, bốc hơi đi hết rồi, không thể thu hồi được. Do đó, việc quy định biện pháp điều tra đặc biệt cũng cần được đặt ra để nghiên cứu. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó cả. Quy định thì chắc chắn sẽ tạo thuận lợi để cơ quan chức năng phát hiện ra đối tượng tham nhũng và ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Nhưng mặt khác nó cũng có thể ảnh hưởng đến quyền công dân. Vì thế, phải làm sao hài hòa được cả hai yếu tố, tức là vừa phục vụ tốt cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng vẫn bảo đảm được quyền, lợi ích của người dân. Cụ thể chúng ta có thể quy định theo hướng, khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng qua thanh tra, qua điều tra thì ngay lập tức cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, biện pháp khẩn cấp.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Đồ dùng vô cùng quen thuộc bất ngờ 'biến mất' ở nhiều khách sạn
Đồ dùng vô cùng quen thuộc bất ngờ 'biến mất' ở nhiều khách sạn
TPO - Trong bối cảnh rác thải nhựa đang trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, ngành khách sạn - vốn được xem là một trong những lĩnh vực tiêu thụ nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải thay đổi. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao giảm thiểu rác thải mà không ảnh hưởng đến sự thoải mái, tiện nghi của khách hàng? Câu trả lời đang dần được mở ra qua loạt giải pháp thiết thực và sáng tạo được các tập đoàn khách sạn lớn triển khai.
Bình luận

Minh Anh 71

Bất cập của việc kê khai tài sản trước đây của cán bộ quản lý là không yêu cầu Kê khai tài sản của vợ, con. Đó là lý do cán bộ từ trường phòng trở lên đều "nghèo" chỉ có căn nhà nhỏ, còn vợ con công việc làng nhàng, thậm chí con còn đang đi học THPT chỉ cần có CMND đã đứng tên nhà cửa và tài sản có giá trị.

Thích Trả lời

VanThang

Hàng năm vẫn có quy định kiểm kê tài sản đối với lãnh đạo các CQNN, vậy nên có thêm mục tài sản thừa kế, đến khi nghỉ hưu hoặc khi phát hiện tiêu cực, tài sản phát sinh thêm ngoài bản đã kê khai thì là TN rồi còn gì! "Bắt rắn thì chẹn đằng đầu, chứ túm đuôi thì một là mất hút, hai là bị cắn"!

Thích Trả lời

Nguyễn Điền

Một kẻ ăn cắp sợi dây điện, đem bán cho người khác. Cả 2 đều bị tội. Một tên trộm chó bị bắt thì không bị gì cả. Buồn cười ! Người ăn trộm tiền của NN thì bị tội tham ô, còn người xài đồng tiền do tham ô mà có thì chằng bị sao cả ! Buồn cười !

Thích Trả lời

sanu

Bàn hoài từ năm này sang năm khác mà câu chuyện chống tham nhũng không có hồi kết...

Thích Trả lời

Hoàng Hoa Đình

Mặt khác phải tăng hình phạt nếu sau 3 tháng không nộp đủ tài sản hoặc tiền, 10 năm lên 20 năm, 20 năm lên chung thân, chung thân lên tử hình...

Thích Trả lời

Khắc Phấn

Nếu người đứng tên tài sản nhà, đất, thiết bị máy móc...không chứng minh được nguồn gốc đồng tiền sạch tạo nên thì Nhà nước có quyền thu hồi lại. Luật tài sản phải thật chi tiết và được Nhân dân góp ý kiến. Có như vậy Việt Nam mới có thể giảm thiểu nạn tham nhũng.

Thích Trả lời

LÊ HUY HOÀNG

Chống tham nhũng là khó nhưng không phải không làm được. Thực tế cho thấy, ở rất nhiều nước, đặc biệt các nước phát triển, họ làm rất tốt việc này. Ta có đội ngũ cán bộ nghiên cứu, bộ máy cán bộ đông đảo, tại sao không tổ chức nghiên cứu luật pháp,cơ chế hạn chế tham nhũng để áp dụng vào ta.

Thích Trả lời

Vinh

Chúng ta nói nhiều quá, cái gì có lợi cho Dân làm thì chẳng cần phải máy móc, Tâm mà sáng thì chẳng sợ ai. Bộ GTVT trảm, tạm dừng các chức vụ có khi chẳng có trong quy định nhưng họ dám làm. Việc thu hồi tài sản Tham nhũng rành rành mà cứ bàn đi lại.

Thích Trả lời

TOMO

"Chúng thường tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách cho người thân như bố, mẹ, con cái đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai, xe cộ…. Những người này lại không thuộc diện kê khai tài sản nên mới có tình trạng, quan chức đôi khi kê khai tài sản rất ít nhưng vợ, con, người thân tài sản lại rất nhiều." Rất rất nhiều người không chưa bị quy kết là tội phạm cũng làm như vậy vì người thân họ có làm gì đâu mà cũng giàu nứt đố đổ vách?

Thích Trả lời

Anh Quan

Trong một gia đình có người làm nghề này nghề khác, không hẳn chỉ có một người làm quan mà giàu. Còn nhiều người thân khác làm ăn chân chính mà giàu thực sự thì không thể phong tỏa kiểu quăng chài được.Công việc của người ta đang thuận buồm xuôi gió, chỉ vì ông em hoặc ông anh tham nhũng mà tự dưng bị pháp luật phong tỏa tài sản nhỡ thiệt hại thì ai đền?

Thích Trả lời

trường giang

Nói mãi rồi mà không làm được.

Thích Trả lời

Ngọc Thìn

Phong toả tài sản người thân kẻ tham nhũng là hoàn toàn đúng đắn. Các ý kiến phân tích đã nhiều, không cần nói lại. Nếu muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải dùng cách đó.

Thích Trả lời

Văn Minh Quang

Báo viết: "Cần phong tỏa tài sản người thân kẻ tham nhũng". Quá rõ ràng rồi, không phải là cần mà phải phong tỏa tài sản người thân khi có đủ bằng chứng là tài sản do người tham nhũng mà có.

Thích Trả lời

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Thuận An chi tiền 'cơ chế', 'cắt phế' từ đối tác ra sao?

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Thuận An chi tiền 'cơ chế', 'cắt phế' từ đối tác ra sao?

TPO - Bị can Nguyễn Duy Hưng – cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An bị xác định là chủ mưu, cầm đầu, cùng đồng phạm thực hiện hàng loạt sai phạm trong hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 120 tỷ đồng và thu lợi bất chính hơn 98 tỷ đồng. CQĐT nhận định đây là hệ thống liên kết móc ngoặc chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước, vận hành bằng cơ chế chia chác, can thiệp từ đầu đến cuối quá trình đầu tư công.