Chiêu trò chiếm đoạt tiền của Huyền Như

Huyền Như cho rằng mình không phạm tội tham ô. Ảnh Việt Văn
Huyền Như cho rằng mình không phạm tội tham ô. Ảnh Việt Văn
TPO - Trong phiên xử chiều ngày 25/12, ngay sau khi VKS đề nghị thêm tội tham ô đối với bị cáo Huyền Như, luật sư Nguyễn Văn Ngoan, bảo vệ quyền và lợi ích của Huyền Như cho rằng đề nghị không có cơ sở, yêu cầu hủy đề nghị điều tra thêm tội tham ô đối với Huyền Như.

Luật sư Ngoan đã dẫn giải ra các chứng cứ cho rằng, từ năm 2007, Huyền Như làm ăn kinh doanh bất động sản, vì làm ăn thua lỗ nên Như đã đi vay mượn tiền ở bên ngoài lên đến 200 tỷ đồng với lãi suất cao (từ 0,4 % đến 1,5 %/ ngày).

Huyền Như vay trả lãi cao làm nợ chồng nợ, dẫn đến không có khả năng chi trả. Do bị chủ nợ thúc ép, đe dọa nên khi được các cá nhân có quan hệ làm ăn với các tổ chức, cá nhân có tiền, có nhu cầu gửi, cho vay,.. giới thiệu Như với các công ty để thu hút được tiền trả nợ.

Khi sử dụng tiền chiếm đoạt được, Như không có nguồn thu nhập khác đủ để trả nợ nhưng vẫn dùng nợ mới trả nợ cũ. Khi không còn khả năng trả nợ và đối diện với nguy cơ “vỡ nợ”, Huyền Như đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.

Chiêu trò chiếm đoạt tiền của Huyền Như ảnh 1

Phiên tòa chiều 25/12. Ảnh Việt Văn

Để thu hút, huy động được tiền, Huyền Như đã đưa ra lãi suất cao, chi trả ngoài hợp đồng và dùng tiền của mình để trả cho các đơn vị, những người được giao quản lý số tiền đó (tiền gửi), chi trả cho người giới thiệu nguồn tiền cho Như. Huyền Như chuẫn bị từ việc làm con dấu giả của chi nhánh Nhà Bè, chi nhánh Vietinbank TP.HCM. Khi trao đổi, giao dịch thì có hành vi gian dối, xưng danh là người của chi nhánh Nhà Bè để kí hợp đồng giả.

Khi đã thỏa thuận được với các đơn vị, cá nhân thì hướng dẫn họ mở tài khoản thanh toán tại phòng giao dịch của Như làm việc, nhận hồ sơ đề nghị mở tài khoản thay đổi thông tin chữ kí, con dấu. Các đơn vị, cá nhân không thay đổi chữ kí là do thỏa thuận cụ thể với người theo dõi quản lí, diễn biến giao dịch và đã chi trả tiền “bồi dưỡng, lót tay” nên toàn quyền sử dụng tài khoản.

Như phải có hành vi gian dối, tạo lòng tin với các đơn vị, cá nhân có tiền, đầu tiên là sự gian dối về tư cách của bản thân Như. Như giả danh nhân viên có thẩm quyền của Vietinbank để huy động bất hợp pháp bằng hợp đồng giả, giả dối rằng Vietinbank chi trả “lãi suất” ngoài hợp đồng, cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Luật sư Ngoan thừa nhận: “Để gian dối được, Như đã phải dẫn dụ, câu nhử, đánh vào lòng mong muốn của công ty, bị hại, người môi giới bằng các lợi ích, đó chính là những lợi ích về lãi suất vượt trần quy định, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng (từ 4 -18%) và các khoản chi lót tay dưới các hình thức “chi ngoài”, “huê hồng” cho cá nhân người trực tiếp giao dịch với Như, hoặc cho người có quyền “chấp thuận” sẽ giao dịch với Như. Như đều dùng tiền của Như để trả theo thỏa thuận đó”.

Chiêu trò chiếm đoạt tiền của Huyền Như ảnh 2

Các bị cáo dẫn giải lên tòa xét xử vào buổi chiều. Ảnh Việt Văn

Khi đã có lợi ích, các công ty, bị hại, người môi giới đã chấp thuận mọi việc làm theo sự sắp đặt của Như (từ mở tài khoản, lập và gửi tài liệu, chuyển tiền, kí giấy tờ,…) không thực hiện đúng quy định, chủ tài khoản không thực hiện đủ trách nhiệm của mình. Điều này tạo điều kiện cho Như có quyền kiểm soát và thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt. Thậm chí nhiều trường hợp biết rõ nhưng vẫn đồng tình với việc làm sai trái của Như.

Như đã giả 8 con dấu của các đơn vị,giả chữ kí, làm giả hợp đồng, mạo danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè,…làm cho các đơn vị, cá nhân tin vào Như để kí hợp đồng, thực hiện chuyển tiền.

Như đều dùng thủ đoạn gian dối để tạo lòng tin và dùng chiêu bài lãi suất cao hơn quy định, chi ngoài để dẫn dụ công ty, bị hại làm theo sắp xếp của Như, mở tài khoản và chuyển tiền theo chỉ dẫn của Như, bỏ mặc không quản lí để Như chiếm đoạt. Đối tượng chiếm đoạt của Như là tiền của các công ty, bị hại đã bị Như dẫn dụ, nguồn tiền Như chiếm đoạt không phải do Vietinbank huy động.

Vì sao chỉ có 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân bị Huyền Như lừa?

Luật sư Ngoan chỉ ra rằng: “Khách hàng Vietinbank rất nhiều nhưng Huyền Như không chiếm đoạt tiền của các khách hành khác của Vietinbank. Vì sao? Vì Huyền Như không có thỏa thuận với họ, mọi diễn biến giao dịch của họ sẽ thông báo cho Vietinbank ngay nên sẽ bị phát hiện và xử lý”.

Theo hồ sơ, Huyền Như liên hệ với các đại diện, người quản lí tiền vốn của các đơn vị, cá nhân này thông qua địa chỉ riêng, không dùng địa chỉ liên hệ mà Vietinbank cấp cho Như khi giao dịch làm việc. Vì thế che giấu sự gian dối của Như với các đơn vị này và với Vietinbank.

Luật sư Ngoan chỉ ra rằng: “Nguyên nhân, điều kiện của tội phạm là từ sai phạm, sơ hở, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các đại diện, người quản lí của chính các công ty, bị hại. Các công ty đều có người đại diện thỏa thuận ngoài với Như về việc gửi tiền vượt trần”.

Ông này chỉ ra cụ thể, tài khoản thanh toán của các đơn vị, cá nhân bị Huyền Như đều mở tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM là theo sự sắp đặt của Như chỉ để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp với Như nhằm kiếm lời, không phải để phục vụ cho các nhu cầu thanh toán cho hoạt động của đơn vị mình. Với các công ty trung gian, do chỉ làm trung gian, đứng tên mở tài khoản thanh toán theo yêu cầu của các ngân hàng chỉ để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.

Chủ tài khoản đã trao quyền quản lý, định đoạt tài sản cho Như ngay từ khi thực hiện giao dịch, hợp đồng giả có điều khoản tạo thuận lợi cho Như lợi dụng để chuyển tiền đi, thậm chí chưa kí hợp đồng vẫn chuyển tiền đến.

Các đơn vị chỉ giao dịch với Huyền Như qua điện thoại, email cá nhân của Huyền Như, mà không giao dịch trực tiếp với Vietinbank. Sau khi chuyển tiền vào tài khoản thanh toán, không nhận giấy báo nợ, báo có, không tự tổ chức hoạch toán nên không biết hoặc biết nhưng vẫn bỏ mặc tài khoản bị Huyền Như lợi dụng mà không báo cho Vietinbank, thậm chí còn đồng tình, che đậy.

Hồ sơ mở tài khoản hoặc hợp đồng giao dịch chỉ là hình thức che đậy bản chất thực của hành vi lừa đảo, che đậy các giao dịch bất hợp pháp, thỏa thuận ngoài giữa Huyền Như với các đơn vị này. Vì lợi ích, họ đã trực tiếp trao hồ sơ mở tài khoản cho Huyền Như để Như lợi dụng làm giả con dấu, giả lệnh chi mà chỉ có Như mới biết được thật hay giả.

Huyền Như không quản lí tài sản?

Theo quyết định 1073 về quy chế hoạt động phòng giao dịch trong hệ thống Vietinbank thì với quyền hạn và nghĩa vụ của Trưởng phòng giao dịch, Huyền Như không có trách nhiệm quản lý tài sản, vị trí kiểm soát viên cũng không là chức danh quản lý, vai trò kiểm soát viên không gắn với chức danh quản lý mà là một trong các vị trí, nhiệm vụ cụ thể trong từng quy trình tác nghiệp.

Các tác nghiệp đó Như chỉ phê duyệt nên phải từ khách hàng đến giao dịch viên, sau đó mới đến Huyền Như. Một mình Huyền Như không tự ý chuyển tiền trên tài khoản thanh toán theo ý của Như được. Từ đó, luật sư Nguyễn Văn Ngoan đã yêu cầu hủy bỏ đề nghị điều tra thêm tôi danh tham ô đối với Huyền Như.

MỚI - NÓNG