Có thể xử lý hình sự pháp nhân

Đề án truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân được trình tại phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Đề án truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân được trình tại phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
TP - Pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; giảm tội danh có hình phạt tử hình; những người từ 70 tuổi trở lên sẽ được miễn áp dụng hình phạt tử hình...

Đó là những nội dung quan trọng trong hai đề án của Bộ Tư pháp được trình bày tại phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, ngày 30/1.

Pháp nhân có thể bị xử lý hình sự ở 15 tội


Tại đề án “Nghiên cứu, đề xuất quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi)” của Bộ Tư pháp, lần đầu tiên, chủ thể pháp nhân đã được đưa vào xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo lý giải của ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Tư pháp, việc đưa pháp nhân làm chủ thể truy cứu trách nhiệm hình sự chính là đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện trong nền kinh tế thị trường, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành cũng như thực thi cam kết các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Với tinh thần đó, phía Bộ Tư pháp đã đưa ra 15 tội danh có thể áp dụng cho pháp nhân, gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Tội hủy hoại rừng; Tội buôn lậu; Tội trốn thuế; Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua chứng khoán; Tội thao túng giá chứng khoán; Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; Tội tài trợ khủng bố; Tội rửa tiền; Tội nhận hối lộ và Tội đưa hối lộ... 

Cũng theo đề xuất của Bộ Tư pháp, khi pháp nhân phạm các tội danh trên, có thể bị áp dụng một trong hai hình phạt: Phạt tiền và tước giấy phép tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Trên 70 tuổi thoát “án tiêm thuốc”

Theo đề án chỉnh sửa Bộ luật Hình sự (BLHS) của Bộ Tư pháp, cần sửa đổi, bổ sung các quy định tại Điều 35 BLHS quy định về tử hình, theo đó, mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình.

Có thể xử lý hình sự pháp nhân ảnh 1 Cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Dương Chí Dũng đã không thoát án tử hình về hành vi tham ô tài sản. Đây cũng là tội danh có số ít ý kiến cho rằng nên bỏ hình phạt tử hình
Cụ thể, ngoài hai trường hợp phạm tội là người chưa thành niên và phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, cần bổ sung thêm đối tượng là những người từ 70 tuổi trở lên. “Việc bổ sung đối tượng này vào diện không áp dụng hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với một đối tượng được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, trong số những người cao tuổi - đó là những người mà theo Luật Người Cao tuổi đã đến tuổi được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ của Nhà nước, được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội” - dự thảo đề án nêu. 

Cũng theo ông Hà Hùng Cường, việc sửa đổi Điều 35 BLHS cần tiếp tục hoàn thiện quy định về điều kiện không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành chung thân, nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế. “Ngoài hai đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành, những người khác bị kết án tử hình cũng có thể được áp dụng cơ chế không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành chung thân, nếu trong quá trình cơ quan có thẩm quyền xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành, người bị kết án đã chứng tỏ sự hối cải, tiến bộ, có những hành động tích cực để khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay.

Và những ý kiến khác…

Ghi nhận của Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng đề án thể hiện, các ý kiến đều đồng thuận bỏ hình phạt tử hình đối với 7 trong 22 tội danh có quy định hình phạt trong BLHS. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần thu hẹp hơn nữa diện các tội danh có thể áp dụng hình phạt tử hình. Qua đó, không áp dụng hình phạt này đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và nhóm tội về tham nhũng, bởi suy cho cùng các tội phạm này chỉ mang tính kinh tế, người thực hiện hành vi phạm tội với mục đích vụ lợi.

Luồng ý kiến trên đề xuất, thay vì bỏ tử hình đối với 7, sẽ nâng lên 10 trong 22 tội danh có hình phạt tử hình. Cụ thể: Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279) và Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157).

Đáp lại quan điểm trên, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp cho rằng, hiện nay, Nhà nước đang theo đuổi quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với nạn tham nhũng, nhiều biện pháp đã được triển khai song chưa thật sự có hiệu quả, do đó BLHS cần góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh này. Trong bối cảnh đó, việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô tài sản và nhận hối lộ (hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất) là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Còn ở tội liên quan đến làm giả thuốc chữa bệnh, phía Bộ Tư pháp cũng không đồng tình việc bỏ hình phạt tử hình, vì đang phổ biến loại tội danh này, tạo ra nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe của nhiều người. 

“Tuy nhiên, đối với các tội danh này cũng như những tội danh khác còn giữ lại hình phạt tử hình, có thể nghiên cứu vận dụng cơ chế không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt thành chung thân, để tạo cho người bị kết án tử hình một cơ hội được sống khi có đủ những điều kiện nhất định. Điều này, một mặt đáp ứng yêu cầu hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, mặt khác, đáp ứng mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án” - dự thảo đề án nêu.

Đề cao quyền con người

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương) đánh giá cao tinh thần chuẩn bị nghiêm túc, công phu của các ban soạn thảo đề án. Chủ tịch nước cho rằng, đây là các dự án quan trọng, cho ý kiến lần đầu thực hiện theo cơ chế mở. Vì vậy, quy trình lấy ý kiến cần thận trọng, quán triệt tư tưởng Hiến pháp năm 2013, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, bảo đảm nguyên tắc nhân đạo, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Chủ tịch nước đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến, sớm hoàn thiện các đề án để trình cơ quan có thẩm quyền...

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG