Công an xã phạm luật, áp dụng luật nào?

Công an xã thường hỗ trợ đắc lực trong quá trình tố tụng. Ảnh : Bảo Thắng
Công an xã thường hỗ trợ đắc lực trong quá trình tố tụng. Ảnh : Bảo Thắng
TP - Công an xã tham gia xử lý vi phạm giao thông cùng lực lượng cảnh sát. Quá trình thực thi, công an viên vi phạm pháp luật, phải bồi thường.

Khi xét xử, tòa án áp dụng luật dân sự, buộc pháp nhân phải bồi thường do người của mình gây ra trong quá trình thi hành công vụ. Song, có ý kiến lại cho rằng, ở đạo luật khác, lực lượng này không phải người thi hành công vụ.

Chồng chéo luật?

Theo luật sư Nghiêm Diệu Thúy (Đoàn Luật sư Hà Nội), hiện khái niệm về người thi hành công vụ chưa rõ ràng, có sự đan xen các khái niệm, hệ thống pháp luật điều chỉnh, từ đó dẫn đến những chồng chéo. Luật sư Thúy dẫn chứng, tại Bộ luật Dân sự đã có những điều luật cụ thể, điều chỉnh chuyện pháp nhân hoặc người thi hành công vụ phải bồi thường trong quá trình thực thi pháp luật. Tuy nhiên, đây là những chế định mang tính khái quát, chưa thể xác định rõ chủ thể.

Bà Thúy dẫn chứng, quá trình hành nghề luật sư, bà từng chứng kiến và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại trong một vụ án giao thông. Theo hồ sơ, trong lần triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn huyện, công an giao thông đã quyết định trưng dụng các công an viên của xã để phối kết hợp. Vào một sáng, lực lượng chức năng phát hiện 2 người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, dù đã có hiệu lệnh của CSGT song 2 người này không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy. Ba công an viên lập tức đuổi theo. Khi tiếp cận đối tượng, các công an viên đã dùng dùi cui đánh vào lưng người vi phạm, gây tai nạn nghiêm trọng. Tại tòa, HĐXX đã áp dụng Điều 618 Bộ luật Dân sự, buộc UBND xã nơi các công an viên công tác phải bồi thường.

Theo luật sư Thúy, việc áp luật này là chuẩn, với nguyên tắc pháp nhân phải đứng ra bồi hoàn cho người của mình khi xảy ra sai phạm, và điều này có nghĩa, các công an viên được xác định là những người đang thi hành công vụ. Tuy nhiên, phân tích của luật sư Nguyễn Đức Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, việc hiểu các công an viên nói trên là người thi hành công vụ lại mâu thuẫn với Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Luật sư Toàn ví dụ, tại Điều 1 của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định: “Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại”. Như vậy, luật sư Toàn khẳng định, các công an viên nói trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, bởi văn bản này chỉ áp dụng trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án.

Cần tách bạch các tình huống thi hành công vụ

Luận bàn về nội dung này, luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) lập luận, cần tách bạch các tình huống thi hành công vụ để áp luật. Theo bà Nga, tình huống tòa án sử dụng Điều 618 Bộ luật Dân sự để bồi thường cho các công an viên kia là chính xác. Điều luật này được hiểu, khi các công an viên phạm lỗi, pháp nhân của họ được xác định là UBND xã. Khi đó, UBND xã sẽ phải đứng ra dùng ngân sách nhà nước để bồi hoàn, sau đó, họ sẽ yêu cầu các công an viên phải hoàn trả.

Phân tích những nội dung quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, bà Nga cho hay, đây là văn bản áp dụng trong các tình huống người tiến hành tố tụng, thi hành công vụ trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước đã làm oan, sai cho cá nhân, tổ chức, do vậy, nó không đúng với khách thể tại tình huống công an viên phạm lỗi - là trường hợp cá nhân cố tình vượt giới hạn, vi phạm pháp luật, xâm hại sức khỏe người khác, vì lẽ đó, cần tách bạch 2 nội dung bồi thường này.

Quay lại câu chuyện có hay không nên đưa công an cấp xã vào làm chủ thể của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, nên bổ sung nhằm nâng cao trách nhiệm của lực lượng thi hành công vụ cũng như giảm thiểu oan sai. Bởi trên thực tế, trong nhiều tình huống, sự vụ, công an cấp xã thực hiện nhiều thao tác tiền tố tụng, nhất là nội dung tiếp cận hiện trường, bắt giữ, khai thác đối tượng. Do đó, việc đưa họ vào là chủ thể của đạo luật nói trên cũng là hợp lý.

Tuy vậy, phản ứng gay gắt luồng ý kiến này, luật sư Hằng Nga khẳng định, đó là sự nhầm lẫn về bản chất pháp lý. Theo bà Nga, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước chỉ áp dụng với cán bộ đang thực thi quá trình tố tụng làm oan, sai với cá nhân, tổ chức. Lực lượng công an xã không được coi là người tiến hành tố tụng, vì thế, không thể đưa họ vào để điều chỉnh trong Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Công an xã có thuộc người của pháp nhân?

Tỏ vẻ hoài nghi tư cách người thi hành công vụ của các công an xã, luật sư Vi Văn A - Trưởng văn phòng luật số 7, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, chúng ta cần làm rõ vị trí của các công an viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nếu ở vụ án giao thông nói trên, pháp nhân đã bị buộc bồi hoàn do hành vi vi phạm pháp luật của các công an xã. Điều này có nghĩa, tòa án đã áp dụng tình huống người thi hành công vụ phạm tội. Nhưng theo luật sư Vi Văn A, Bộ luật Dân sự đã nêu rõ các tiêu chí căn bản để được công nhận là một pháp nhân, như việc được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Về phía lực lượng công an xã, hệ thống văn bản pháp lý chưa thể hiện rõ các yếu tố cần và đủ này, bởi vậy, khi áp dụng Điều 618 (Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra) là chưa thuyết phục. Với sự chồng chéo, thiếu rõ ràng, luật sư A đề xuất cần sửa luật, sao cho hệ thống các văn bản phải được quy chuẩn, thống nhất một cách hiểu.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.