CSGT chấn chỉnh xe tải vào phố cấm: Xử lý cả doanh nghiệp, cán bộ vi phạm

Lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết, nếu CSGT liên quan đến bảo kê thì phải xử lý. Ảnh: A.T
Lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết, nếu CSGT liên quan đến bảo kê thì phải xử lý. Ảnh: A.T
TP - Chiều 5/7, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an thành phố Hà Nội (PC67) khẳng định, trong 6 tháng cuối năm tình trạng xe tải hoạt động trong khu vực nội đô sẽ phải khác. Với chỉ huy, cán bộ liên quan đến “bảo kê” để xe tải vào đường cấm sẽ phải xử lý.

Doanh nghiệp phải khai báo phù hiệu xe

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thắng cho biết, về lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, Phòng CSGT Hà Nội luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, của các cơ quan báo chí trong đó có báo Tiền Phong và của các đồng chí lãnh đạo cấp trên để làm tốt hơn vai trò của mình. “Sau khi báo Tiền Phong đăng bài 2 trong loạt bài “Dấu hiệu bảo kê hung thần xe tải” tôi đã triệu tập tất cả chỉ huy, cán bộ chiến sỹ các đội trên địa bàn để quán triệt các chỉ đạo của lãnh đạo Phòng. Cùng với đó đưa ra kế hoạch số 58 về việc xử lý xe tải vi phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội”, ông Thắng nói.

“Tôi nói thẳng luôn cán bộ chiến sỹ nào mà bảo kê, để xe đi vào đường cấm là tôi xử lý theo quy định của ngành. Những tài xế vi phạm, xuống xin xỏ, trình bày với CSGT là quen người này, người kia. Kể cả quen cấp trên, cấp dưới tôi cũng yêu cầu xác minh, ghi lại để làm rõ”.

Ông Thắng nói

Theo kế hoạch này, trưởng Phòng CSGT Hà Nội yêu cầu tất cả 14 đội CSGT trên địa bàn từ nay tập trung xử lý xe tải đi vào đường cấm, giờ cấm với thời gian 24/24h trên các tuyến đường xuyên tâm, vành đai và các tuyến QL thuộc CSGT Hà Nội quản lý. Riêng 6 Đội CSGT trong khu vực nội đô, gồm Đội CSGT số 1, 2, 3, 4, 6, 14 bố trí các tổ xử lý chuyên biệt và xử lý cả xe tải trong giờ cao điểm.

Trong giờ cao điểm, các tổ này không phải phân luồng, tổ chức giao thông. Loại phương tiện được tập trung xử lý là xe tải có trọng tải lớn đi vào đường cấm, giờ cấm không có giấy phép và vi phạm các quy định khác như xe chở đất, đá, cát sỏi, xe bê tông xoay, xe chở sắt thép, vật liệu xây dựng, xe téc, container…

Ngoài lập biên bản xử lý lái xe vi phạm theo Nghị định 171, kế hoạch trên còn yêu cầu các tổ công tác phải ghi rõ trong biên bản vi phạm tên chủ xe, doanh nghiệp vận tải vi phạm. Việc này để phục vụ công tác thống kê, lập danh sách các DN có nhiều phương tiện vi phạm để có hình thức xử lý tiếp theo.

Trước khi các đội ra quân xử lý, ông Thắng yêu cầu, từ nay đến trước ngày 8/7 các đội phải nắm bắt và rà soát, lập danh sách các DN vận tải lớn có xe hoạt động trên địa bàn Hà Nội với các thông tin: Tên DN, chủ xe, giám đốc, địa chỉ, số lượng xe, trọng tải, tên phù hiệu xe chạy trên đường… Cùng với đó tổ chức cho các DN ký cam kết không vi phạm. Kế hoạch được quán triệt đến 100% chỉ huy, cán bộ CSGT trên địa bàn Hà Nội. Từ sau 7/8, các đội triển khai và có tổ chức đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm.

“Kế hoạch này sẽ được PC 67 thực hiện quyết liệt và duy trì thường xuyên. 6 tháng cuối năm tới, tình hình xe tải đi vào phố cấm trên địa bàn Hà Nội sẽ phải khác”, ông Thắng nhấn mạnh.

“Bảo kê” xe tải thì phải xử lý

Liên quan đến việc xác minh, làm rõ CSGT tại một số đội bỏ lọt xe tải đi vào phố cấm, giờ cấm như Tiền Phong phản ánh trong loạt bài vừa qua, ông Thắng cho hay. Trước khi nhóm phóng viên Tiền Phong đi triển khai loạt bài trên ông đã nắm được thông tin. “Tôi đã nắm được thông tin nhóm phóng viên đi làm và đã chấn chỉnh cán bộ, chiến sỹ. Tôi cảnh báo ai đụng chạm đến việc bảo kê xe cộ là không được”, ông Thắng nói.

Về nội dung các bài báo Tiền Phong đăng sau này, ông Thắng cho biết: “Báo đăng chúng tôi sẽ phải xử lý. Nhưng phải nói là chúng tôi vẫn đang làm chứ không phải sau khi báo đăng rồi mới làm. Không phải chúng tôi làm ngơ, bỏ lọt”. Theo ông Thắng, sau khi báo đăng, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội đã quán triệt: “Tôi nói thẳng luôn cán bộ chiến sỹ nào mà bảo kê, để xe đi vào đường cấm là tôi xử lý theo quy định của ngành. Những tài xế vi phạm, xuống xin xỏ, trình bày với CSGT là quen người này, người kia. Kể cả quen cấp trên, cấp dưới tôi cũng yêu cầu xác minh, ghi lại để làm rõ”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, hiện trên địa bàn Hà Nội có tới 27 công trình, 57 điểm rào chắn gây ảnh hưởng đến việc đi lại, điều tiết giao thông của CSGT. Những hôm trời mưa hay nắng to, việc này càng khó khăn, gian khổ hơn nữa. Tuy thế, anh em vẫn làm việc ngoài đường, nỗ lực vượt qua để tạo hình ảnh tốt trong mắt người đi đường. Do vậy lực lượng CSGT Thủ đô không chấp nhận những hành động làm xấu đi hình ảnh đó.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.