Chuyện nghề giám định- Kỳ cuối:

Điểm xuất phát cháy - “Hạt vàng” trong điều tra cháy nổ

Thượng tá Nguyễn Viết Nội (đầu tiên, đang chỉ tay) cùng đại diện các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cháy ở Trung tâm Thương mại Hải Dương
Thượng tá Nguyễn Viết Nội (đầu tiên, đang chỉ tay) cùng đại diện các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cháy ở Trung tâm Thương mại Hải Dương
TP - Đối với lực lượng giám định kỹ thuật pháp lý về cháy nổ, điểm xuất phát cháy được họ xem là “hạt vàng” của quá trình điều tra. Từ đó, họ mới có thể nắm được tính chất, nguyên nhân và xác định thủ phạm gây cháy, nổ.

Ròng rã truy tìm nguyên nhân

Thượng tá Nguyễn Viết Nội, Phó trưởng phòng Giám định kỹ thuật pháp lý, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, cho biết, khi một vụ cháy nổ xảy ra, nếu không nhanh chóng tìm được nguyên nhân cháy sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, dẫn đến nhận định sai lệch bản chất vụ án.

“Người bình thường nhìn một vụ cháy chỉ thấy đống tro. Còn những người làm chuyên môn chúng tôi nhìn hiện trường cháy như một bức tranh, từ bức tranh có thể phát ra bản nhạc. Nói hơi hình tượng nhưng thực tế dấu vết cháy như thể biết nói, biết hát vậy”.

 Thượng tá 

Nguyễn Viết Nội

Vụ cháy Trung tâm Thương mại (TTTM) Hải Dương (phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) xảy ra lúc 23h15 ngày 15/9/2013 dù không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi toàn bộ hàng hóa của trên 500 tiểu thương; tòa nhà của TTTM Hải Dương (gồm 3 tầng và 1 tum) với tổng diện tích 18.177m2 chỉ còn lại là đống đổ nát, thiệt hại trên 500 tỷ đồng. Nếu không xác định được vùng cháy, không tìm ra điểm xuất phát cháy thì không thể xác định được nguyên nhân cháy.

Từ đó, không thể truy cứu trách nhiệm những người liên quan. “Người bình thường nhìn một vụ cháy chỉ thấy đống tro. Còn những người làm chuyên môn chúng tôi nhìn hiện trường cháy như một bức tranh, từ bức tranh có thể phát ra bản nhạc. Nói hơi hình tượng nhưng thực tế dấu vết cháy như thể biết nói, biết hát vậy”, thượng tá Nội ví von.

Theo ông Nội, một vụ cháy thường để lại hai hệ thống dấu vết: đặc trưng của cháy (vết cháy dang dở, hóa than, muội đen, rạn nứt của kính, vết cong vênh, tàn tro…) và không đặc trưng, tức dấu vết của thủ phạm trực tiếp gây ra cháy. Thủ phạm gây cháy có thể là tội phạm (con người) gây ra, cũng có thể do sự cố bất thường (hàng hóa tự bốc cháy như bông, xốp, chập điện, cây đổ…).

Giám định viên phải đồng thời khai thác được cả hai hệ thống dấu vết. Người làm công tác giám định phải có kiến thức sâu rộng, tổng hợp cả về khoa học tự nhiên (hóa, lý, sinh…) và khoa học xã hội (hiểu về tâm lý tội phạm). Tất cả các vụ cháy đều được điều tra từ hiện trường, qua đó xác định được nguyên nhân và tính chất của vụ việc, từ đó công an nhanh chóng điều tra, xử lý.

Trở lại vụ cháy TTTM Hải Dương, với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an tỉnh Hải Dương đề nghị Viện Khoa học hình sự giúp đỡ khám nghiệm hiện trường và giám định dấu vết tại hiện trường vụ cháy. Lực lượng khám nghiệm đã phải mất gần 1 năm vật lộn với TTTM Hải Dương mới làm rõ được điểm xuất phát cháy, nguyên nhân cháy.

Hai ngày làm việc đầu tiên, hiện trường vẫn đang cháy âm ỉ, nhiều khói độc, nguy cơ đổ ập bất cứ lúc nào, nên công tác khám nghiệm phải tạm dừng vào sáng 18/9/2013. Lực lượng chức năng phải thuê một Cty xây dựng đến lắp giàn giáo chống đỡ, tiếp tục tháo dỡ để khoanh vùng điểm xuất phát cháy.

Trong lần khám nghiệm hiện trường đầu tiên, cán bộ Viện Khoa học hình sự xác định được khu vực phát cháy đầu tiên là các ki-ốt thuộc khu vực giữa nhà, khoang số 3,4 (tính từ đông sang tây gồm 9 khoang), cách đầu nhà phía bắc khoảng 20m, bên trong tầng 1 của tòa nhà TTTM Hải Dương. Tổ công tác thu được các mẫu vật gồm các cầu dao, aptomat và than tro.

Từ những dấu vết cháy ở các mẫu vật này, tổ công tác loại trừ khả năng cháy do nguồn nhiệt từ ngoài vào, do hàng hóa tự bốc cháy, do bất cẩn trong sản xuất kinh doanh và do thiên nhiên môi trường. Nhiều khả năng do sự cố điện gây cháy tại khu vực các ki-ốt bán vải, sau đó lan ra xung quanh.

“Chắc chắn do chập điện kinh doanh chứ không phải điện bảo vệ. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với các dấu vết hiện trường, nhất là ở hệ thống cầu dao tổng. Trước và trong thời điểm xảy ra cháy, toàn bộ hệ thống điện phục vụ kinh doanh đang ở trạng thái đóng. Sau khi cháy, các aptomat đều ở trạng thái nhảy, thể hiện có sự cố điện đã xảy ra”, thượng tá Nội khẳng định.

Sau khi có kết luận nguyên nhân cháy do chập điện của Viện Khoa học hình sự, Công an tỉnh Hải Dương đã tạm giữ nhân viên bảo vệ trông coi TTTM để điều tra, làm rõ trách nhiệm.

Áp lực

Điểm xuất phát cháy - “Hạt vàng” trong điều tra cháy nổ ảnh 1

Hiện trường vụ nổ xe máy ở thành phố Bắc Ninh khiến hai mẹ con chị Nguyễn Thị Quỳnh tử vong

Cán bộ làm công tác khám nghiệm pháp y luôn phải chịu nhiều áp lực, cả về thời gian, độ chính xác, khách quan và khoa học. Chẳng hạn, với một vụ cháy nổ dẫn đến chết người, hoặc phát hiện một người tử vong, công tác khám nghiệm của họ phải thật khẩn trương, phần nữa cũng là để đáp ứng nhu cầu cho người nhà nạn nhân làm thủ tục mai táng.

Vụ nổ lúc 5h45 ngày 3/11/2011 tại nhà anh Trần Nhật Minh (ở ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm sập cả ngôi nhà 3 tầng 1 tum; 2 con nhỏ của vợ chồng anh Minh bị trần nhà đè lên, tử vong, còn anh chị bị bỏng nặng.

Trong lúc công an tích cực tìm kiếm thi thể 2 cháu bé, các cán bộ pháp y vào cuộc khám nghiệm. Tổ công tác nhanh chóng xác định được trung tâm nổ nằm tại vị trí bếp gas, trên bàn bếp, giáp tường nhà phía đông, cách tường phía nam khoảng 1,3m.

Qua đó, họ làm rõ nguyên nhân nổ do khí gas bị rò rỉ ra không gian trong tầng 1 (qua 2 vị trí là khớp nối giữa ống gas với bếp gas và bếp đun bên trái của bếp gas ở vị trí bật nhỏ lửa) trộn với ôxy không khí tạo thành hỗn hợp nổ. Nguồn nhiệt gây nổ hỗn hợp khí gas do có sự tác động của con người (bật bếp hoặc bật công tắc điện).

Với vụ nổ xe máy khi vừa ra khỏi cổng nhà khiến hai mẹ con chị Nguyễn Thị Quỳnh (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) tử vong, thượng tá Nội và các cán bộ pháp y trực tiếp khám nghiệm, phát hiện trên các mẫu vật có dấu vết của thuốc nổ TNT và 2 mảnh của kíp nổ vỏ nhôm.

Với kinh nghiệm dày dặn, thượng tá Nội cùng đồng đội nhanh chóng xác định vị trí đặt vật nổ nằm tại khu vực đặt bình ắc quy (dưới bình xăng) của xe máy. Cơ chế gây nổ được làm rõ: Kíp điện được đấu nối với các hệ thống điện đèn báo phanh phía sau của xe, đạp phanh gây nổ kíp, kích nổ thuốc nổ, sau đó gây cháy nổ bình xăng, dẫn đến vụ cháy nổ xe máy. Từ kết luận trên, cơ quan điều tra đã nhanh chóng bắt nghi phạm Nguyễn Đức Tiềm - em rể nạn nhân.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.