Giám định tư pháp gây tắc án tham nhũng

Theo ông Phạm Anh Tuấn, việc giám định chậm nguyên nhân vỡ, chất lượng và độ bền ống nước của dự án nước Sông Đà đã khiến cho vụ án Hoàng Thế Trung và đồng phạm bị chậm trễ theo. Ảnh: Thanh Hà
Theo ông Phạm Anh Tuấn, việc giám định chậm nguyên nhân vỡ, chất lượng và độ bền ống nước của dự án nước Sông Đà đã khiến cho vụ án Hoàng Thế Trung và đồng phạm bị chậm trễ theo. Ảnh: Thanh Hà
TP - Trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, kết luận giám định là chứng cứ quan trọng để cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp ra quyết định xử lý. Nhưng do giám định né tránh, dây dưa, cố tình kéo dài thời gian hoặc đưa ra kết luận giám định chung chung, không rõ ràng, không đúng… nên nhiều vụ án bị tắc, chậm đưa ra xét xử…

Thực trạng trên được nhiều đại biểu nêu ra tại cuộc họp chiều 30/10 về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Né tránh, đùn đẩy

Báo cáo về thực trạng giám định tư pháp trong các vụ án tham nhũng và kinh tế, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn cho biết, qua báo cáo bước đầu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và kinh tế (Bộ Công an) cho thấy, trong số 17 vụ án tham nhũng, kinh tế đang thụ lý điều tra, truy tố cần trưng cầu giám định tư pháp thì có đến 10/17 (chiếm 58,8%) vụ là có vướng mắc về giám định. Có vụ do nội dung trưng cầu giám định khó nên phải tạm đình chỉ điều tra vụ án hoặc xử lý vụ án bị kéo dài. 

Đặc biệt có nhiều “đại án” do Hội đồng định giá tài sản hoặc cơ quan trưng cầu giám định ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy nên dẫn đến chậm tiến độ xử lý.

Cũng theo ông Tuấn, có vụ do kinh phí giám định lớn nên dẫn đến kết luận giám định chậm, như việc định giá đất, xe ô tô, giám định vàng, đá quý trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh Vietinbank TPHCM. Tương tự, việc giám định chậm nguyên nhân vỡ, chất lượng và độ bền ống nước dự án nước Sông Đà đã khiến cho vụ án Hoàng Thế Trung và đồng phạm bị chậm trễ theo”, ông Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và kinh tế (Bộ Công an) khẳng định, trong một số vụ án kết luận giám định là chứng cứ duy nhất để xử lý. Nếu không kết luận giám định được cũng có nghĩa là vụ án bị triệt tiêu. Tuy nhiên, theo ông Hiển, có nhiều vụ, cơ quan công an quyết định trưng cầu giám định gửi đến các bộ, ngành nhưng rất khó khăn, lòng vòng. Nhiều vụ kết luận chậm trễ nên phải đình chỉ vụ án. “Vụ đất đai ở Bình Dương, chúng tôi gửi văn bản Bộ Tài chính thì Bộ lại bảo chuyển sang Bộ TN&MT. Khi chúng tôi chuyển sang Bộ TN&MT thì đơn vị này lại “đẩy” sang Bộ Tài chính. Cuối cùng chúng tôi đành phải gửi văn bản sang hai nơi nhưng chỉ có một nơi trả lời. Hay như vụ bia Sài Gòn, chúng tôi yêu cầu hết bộ này đến bộ khác nhưng không ai chịu giám định. Cuối cùng có đơn vị chịu giám định thì kết luận lại chung chung”, ông Hiển phản ánh.

Chưa có chế tài xử lý giám định chậm

Đề cập nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên, ông Tuấn cho rằng do các văn bản quy định chi tiết thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp chưa có quy định rõ “chế tài” xử lý đối với trường hợp từ chối, né tránh giám định không có lý do chính đáng, cố tình kéo dài thời gian giám định, đưa ra kết luận giám định không đúng hoặc kết luận giám định không rõ ràng, chung chung…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Chí Trung phản ánh thực tế có rất nhiều trường hợp “ngại” làm công tác giám định. “Đặc biệt là sự đe dọa, nhiều vụ việc đe dọa từ nhắn tin, gọi điện đến uy hiếp vợ con. Trong khi việc bảo vệ cán bộ vẫn mờ nhạt”, ông Trung nói. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cũng cho rằng, việc lên danh sách cán bộ giám định tư pháp không dễ, thậm chí có tâm lý e ngại. “Như vụ sai phạm Ngân hàng NN&PTNT ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cán bộ giám định ra tòa bị tòa “quay” như nghi can làm họ khiếp. Rồi công tác giám định rất vất vả, đi công tác dài ngày”, ông Thanh chia sẻ.

Để giải quyết những vướng mắc trên, ông Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị nên đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp. “Trước đây khi công chứng chưa xã hội hóa thì người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng từ khi có công chứng tư mọi thứ cải thiện ngay. Do đó cần đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp”, ông Cường nói.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sớm ban hành đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các đơn vị cần công khai hóa đầu mối các bộ về giám định và phân cấp rõ công tác này. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần có cơ chế về thời gian, tài chính, phương tiện… để đảm bảo anh em làm công tác giám định tư pháp được tốt nhất để phát huy, cống hiến.  

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và kinh tế (Bộ Công an) khẳng định, trong một số vụ án kết luận giám định là chứng cứ duy nhất để xử lý. Nếu không kết luận giám định được cũng có nghĩa là vụ án bị triệt tiêu.

MỚI - NÓNG