Kỳ án “Áp giải học sinh lên xe đặc chủng giữa sân trường”:

Hành vi bất thường của một kiểm sát viên

Kiểm sát viên chờ xin cấp lại công văn 696.
Kiểm sát viên chờ xin cấp lại công văn 696.
TP - Xã hội không khỏi bất bình trong việc tòa phúc thẩm “xuống tay” giáng cậu học trò Đỗ Quang Thiện mức án 9 tháng tù giam, mà chính Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk cũng phải thừa nhận “bản án có phần hơi nặng”. Rồi cơ quan Thi hành án còn điều xe đặc chủng đến trường học, áp giải nam sinh trong màu áo trắng vào tù. Điều gì đã khiến “chuyện bé xé ra to”?

Phạt nặng vì không chịu nhận tội và bồi thường?

Tại Viện KSND tỉnh, làm việc với phóng viên báo Tiền Phong, cả 2 vị Viện phó là bà Nguyễn Thị Kim Liên và ông Lê Quang Tiến đều cho rằng: Sở dĩ Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm nhất trí tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Đỗ Quang Thiện, từ mức 6 tháng tù treo như án sơ thẩm, lên 9 tháng tù giam là vì bị cáo này vẫn ngoan cố không nhận tội, gia đình bị cáo cũng không chịu bồi thường gì cho bị hại.         

Chiều 20/5, tại nhà ông Thọ ở số 52 Nguyễn Trãi, TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi trao đổi với vợ ông là bà Nguyễn Thị Hương (63 tuổi) và con trai của ông là anh Lê Thành Tựu, trong khi ông Thọ đi dạo ở đoạn đường trước nhà.

Vợ ông Thọ cho biết: Từ khi xảy ra vụ việc, đã 3 năm nay, bên nhà Thiện chưa có một lần nào đến hỏi thăm, chi trả tiền thuốc cho ông Thọ. Mẹ con bà đã đưa ông Thọ đi khám nhiều nơi, tiêu tốn nhiều tiền, cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng 70 triệu đồng chưa trả được. Trước đây, ông Thọ làm thợ hồ, là lao động chính. Nay bà Hương một mình bán bánh bèo kiếm sống, chăm nuôi mọi sinh hoạt cho ông và thằng con bị bệnh, trong khi bản thân bà cũng hay đau ốm. Tòa sơ thẩm xử phạt Thiện 6 tháng tù treo, buộc bồi thường cho ông Thọ hơn 56 triệu đồng theo hóa đơn. Cha mẹ Thiện không những không bồi thường, mà còn gửi đơn kháng cáo. “Nếu gia đình nó biết đối nhân xử thế thì việc nhỏ đã không thành chuyện lớn. Chính cha mẹ nó đã làm cho nó đi tù. Tù treo không muốn, muốn tù giam!”  - bà Hương nói.

Cháu bị oan, Tòa cứ buộc cháu phải nhận tội. Cháu không nhận, Tòa bảo ngoan cố, tù treo không muốn lại muốn tù giam?

Học sinh Đỗ Quang Thiện

Trong hồ sơ kêu oan gửi đến báo Tiền Phong, ông Đỗ Quang Thanh bố của Thiện khẳng định gia đình ông Thọ vu khống gia đình ông về chuyện “đối nhân xử thế”. Vợ chồng ông đã nhiều lần mua sữa vào thăm ông Thọ tại bệnh viện và nhà riêng, nhưng chưa thỏa thuận xong khoản hỗ trợ, thì gia đình ông Thọ đã phát đơn kiện. Gia đình ông Thọ ban đầu đòi bồi thường tới hơn 200 triệu đồng. Khi cơ quan điều tra yêu cầu đi giám định tại TPHCM thì ông Thọ nại cớ không đủ sức khỏe để không đi, nhưng trong số hóa đơn yêu cầu thanh toán lại có cả chứng từ của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi phóng viên đến thăm Thiện trong tù, Thiện uất ức chia sẻ: Cháu bị oan, tòa cứ buộc cháu phải nhận tội. Cháu không nhận, Tòa bảo ngoan cố, tù treo không muốn lại muốn tù giam? 

Bất ngờ tại bệnh viện

Sáng 21/5/2015, phóng viên báo Tiền Phong đến TAND tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu về việc vì sao ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND tối cao đã ra quyết định kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án với bị án Đỗ Quang Thiện kể từ ngày 20/5 cho đến khi có kết quả xét xử giám đốc thẩm, mà đến nay em Thiện vẫn phải ở trong tù; liệu công văn 696 có được lưu trong hồ sơ vụ án? Nghe phóng viên hỏi, ông Doãn Đình Quyến - Trưởng phòng giám đốc kiểm tra và bà Lê Thị Vinh - Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh cho biết, TAND tỉnh Đắk Lắk chưa nhận được văn bản kháng nghị hay đình chỉ nào liên quan tới em Thiện từ Tòa Tối cao. Còn trong hồ sơ vụ án có hay không công văn 696 thì bây giờ chỉ có TAND Tối cao mới biết, vì toàn bộ hồ sơ vụ án đã chuyển ra TAND Tối cao theo thủ tục giám đốc thẩm.

Chúng tôi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc và bác sĩ Y Bliu Arul, Phó Giám đốc bệnh viện cùng tiếp. Hai ông cho biết, việc đề nghị cung cấp lại bản gốc công văn 696 của một kiểm sát viên (KSV) Viện KSND thành phố Buôn Ma Thuột như báo Tiền Phong vừa đăng chưa được bệnh viện đáp ứng. Lý do là KSV này không mang theo giấy tờ gì chứng minh đã được lãnh đạo VKS phân công.

Và hóa ra, từ sáng sớm, KSV đã trở lại bệnh viện xin được lấy công văn 696 bản có đóng dấu đỏ. Tại phòng làm việc của bác sĩ Y Bliu, KSV Nguyễn Duy Cành - người từng được phân công ngồi ghế công tố trong phiên tòa sơ thẩm xử Đỗ Quang Thiện không giấu được vẻ bối rối khi chúng tôi bước vào và hỏi KSV lý do ông xin cấp lại công văn 696? Ông Cành lúng túng, bảo PV sang Viện KSND thành phố Buôn Ma Thuột làm việc với lãnh đạo, ông không có gì để nói cả. Phóng viên điện thoại cho Viện trưởng Viện KSND thành phố Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Văn Luyến, Viện trưởng khẳng định: Không phân công KSV nào sang bệnh viện làm việc này. 

Trong quá trình cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án, KSV được  phân công có trách nhiệm theo dõi, kiểm sát điều tra viên điều tra vụ án, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Việc KSV nói với phía bệnh viện đã đánh mất công văn 696 rồi tự mình đi thu thập lại tại thời điểm này mà không báo cáo và xin phép Viện trưởng là trái với quy trình điều tra vụ án. Thực tế này có thể dẫn đến nghi vấn về việc KSV đã cố ý bỏ lọt tài liệu chứng cứ có lợi cho Đỗ Quang Thiện, nhằm lái vụ án theo hướng khác.

                Luật sư Phan Ngọc Nhàn - Đoàn Luật sư Đắk Lắk

MỚI - NÓNG