Ngân hàng Xây dựng mất hơn 9.000 tỷ đồng ra sao?

Phạm Công Danh tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu
Phạm Công Danh tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu
TPO - Ngoài Phạm Công Danh là người chủ mưu, cáo trạng cũng cho thấy các bị cáo khác trong vụ án có vai trò tiếp sức đắc lực, gây thiệt hại 9 nghìn tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Hôm nay (20/7), sang ngày thứ 2 xét xử vụ "đại án' Ngân hàng Xây dựng của TAND TP.HCM, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố cáo trạng.

Theo cáo trạng, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank (ngày 6/9/2012), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrustBank (sau này đổi tên là Ngân hàng Xây dựng-VNCB). Thời điểm đó, TrustBank đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát- Ngân hàng Nhà nước.

Do cần tiền để nắm quyền chi phối, Phạm Công Danh ở vị trí là Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh, đã chỉ đạo thuộc cấp thực hiện các hành vi phạm tội.

Ba "phi vụ" gây hậu quả 7 nghìn tỷ đồng

Trong vụ án, số tiền thiệt hại 7 nghìn tỷ đồng (trong số 9 nghìn tỷ đồng) bị VKS quy buộc cho tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cụ thể theo cáo trạng, Phạm Công Danh chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại 63 tỷ đồng; Trong "phi vụ' thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TP. HCM gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng; Danh cũng chỉ đạo rút trên 5 nghìn tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản.

Với 3 hành vi sai phạm trên, Phạm Công Danh đã gây thiệt hại 7 nghìn tỷ đồng cho VNCB.

Ngân hàng Xây dựng mất hơn 9.000 tỷ đồng ra sao? ảnh 1 Dẫn giải Phạm Công Danh vào phòng xét xử. Ảnh: Tân Châu

Lập hồ sơ khống cho vay gây thiệt hại 2 nghìn tỷ đồng

Từ ngày 28/12/2012 đến ngày 11/3/2014, Phạm Công Danh sử dụng pháp nhân của 12 Cty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân, xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật, chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay tại VNCB 5 nghìn tỷ đồng (đã tất toán được 300 tỷ đồng).

Danh cũng chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh, chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển khoản hoặc rút tiền mặt với số tiền là 4,7 nghìn tỷ đồng để trả nợ.

Đáng lưu ý là số tiền 1,4 nghìn tỷ đồng (trong khoản tiền 4,7 nghìn tỷ đồng) Phạm Công Danh khai chi chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được.

Cáo trạng cho rằng hành vi lập hồ sơ khốngnày của Phạm Công Danh không thu hồi được số tiền 2 nghìn tỷ đồng.

Kê biên, tạm giữ tài sản làm bằng chứng và đảm bảo thi hành án

Cũng theo VKS, trong quá trình phá án, Cơ quan điều tra Bộ Công an tạm thời kê biên, tạm giữ tài sản của Phạm Công Danh và những đối tượng liên quan.

Vào thời điểm bị bắt, công an thu giữ của Phạm Công Danh 217 triệu đồng và 621 ngàn USD; thu giữ 21 sổ Chứng nhận sở hữu cổ phần tại VNCB và các giấy tờ ủy quyền ký sẵn liên quan tới 84% cổ phần VNCB của Phạm Công Danh.

Cơ quan điều tra cũng kê biên 37 bất động sản hiện tại TP.HCM, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Nam và Đà Nẵng.

Liên quan tới các đối tượng khác trong vụ án, ngày 18/12/2014, bị can Nguyễn Thị Kim Vân (tổng giám đốc Cty Hương Việt) đã tự nguyện nộp 52 triệu đồng vào Tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra.

Cơ quan điều tra cũng thu giữ 124 sổ tiết kiệm, tổng trị giá gần 6 nghìn tỷ đồng của nhóm đối tượng liên quan.

Hiện các đồ vật, tài sản liên quan này do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quản lý theo quy định của pháp luật và theo vị đại diện VKS, số tài sản này sẽ được định đoạt theo phán quyết của phiên tòa.

Chiều nay (20/7), dự kiến phiên tòa sẽ vào phần xét hỏi các bị cáo.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.