Nữ trùm ma túy và phi vụ 62 bánh heroin

Nữ trùm ma túy và phi vụ 62 bánh heroin
TP - Chiều qua, trao đổi với Tiền Phong, trung tá Thân Văn Duy, Trưởng phòng CSĐTTP về ma tuý (PC47) Công an Bắc Giang, cho biết đã bắt giam 4 đối tượng trong đường dây ma tuý lớn vừa bị triệt phá hôm 10-6. Bước đầu, các đối tượng khai đã mua bán, vận chuyển 168 bánh heroin.

> Bắt hai 'đại gia' ma túy, thu 22 kg heroin

Khác với vẻ tươi tỉnh của bà trùm (trái), Nguyễn Tiến Dũng tỏ ra rất suy sụp tại CQĐT
Khác với vẻ tươi tỉnh của bà trùm (trái), Nguyễn Tiến Dũng tỏ ra rất suy sụp tại CQĐT .

Chân dung nữ trùm

Theo CQĐT, cầm đầu đường dây là Lưu Thị Thuần (SN 1963, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang). Thuần không bao giờ trực tiếp tham gia mua bán ma tuý, chuyên giao cho “người tình” là Nguyễn Tiến Dũng (SN 1952, ở Phú Bình, Thái Nguyên) đứng ra giao nhận hàng. Thuần bị bắt khi đang trên đường trốn ra nước ngoài.

Theo các trinh sát, sở dĩ Thuần trở nên lão luyện trong các ngón nghề buôn bán ma tuý là do đối tượng sinh sống nhiều năm ở cạnh xã Ngọc Vân, Hiệp Hòa - một địa bàn nổi tiếng về buôn bán ma tuý.

Chồng Thuần từng là trùm ma tuý cộm cán, đang thụ án 17 năm tù. Em chồng Thuần cũng đang thụ án 19 năm về tội danh mua bán ma túy. Thuần có 5 người con gái, trong đó có 3 con đầu đã lập gia đình và đã có 7 cháu ngoại.

Tại CQĐT, Thuần khai đã cùng Dũng buôn ma tuý từ cuối năm 2011, chuyến đầu 36 bánh heroin, sau đó trung bình mỗi chuyến từ 30-60 bánh, đến chuyến nhiều nhất (62 bánh vừa qua), Thuần và đồng bọn mới sa lưới.

Trong các phi vụ, Thuần thường tạo cớ ngoại phạm như đi du lịch, rồi chỉ đạo từ xa cho Dũng trực tiếp đứng ra nhận hàng từ Sơn La chuyển về. Thuần chỉ ra mặt trong những cuộc thanh toán tiền.

Thuần khá uy tín trong giới buôn bán hàng trắng, ít khi phải trả tiền trước, chỉ cần gọi điện báo lượng hàng, giao dịch xong mới mang tiền lên Sơn La thanh toán. Theo Thuần, mỗi bánh heroin được lãi khoảng 12 triệu đồng.

“Tôi quen anh Dũng cách đây vài năm qua một người bạn. Từ đó 2 người quan hệ tình cảm với nhau. Chẳng ai rủ ai đi buôn ma túy đâu mà chẳng qua do xã hội xô đẩy. Một mình tôi nuôi 5 đứa con, chồng thì lại đi tù nên mới liều mình buôn ma túy”, Thuần nói với các điều tra viên và PV.

Điều tra mở rộng

Theo Công an tỉnh Bắc Giang, chuyên án triệt phá đường dây ma túy do Lưu Thị Thuần cầm đầu được xác lập từ tháng 11-2011.

Từ công tác nắm địa bàn, trinh sát phát hiện Lưu Thị Thuần trở nên giàu có bất thường trong khi bản thân thất nghiệp, nhà đông con, chồng đang thụ án ma túy.

62 bánh heroin thu giữ trên xe tải của các đối tượng
62 bánh heroin thu giữ trên xe tải của các đối tượng.

Hành vi mờ ám của Thuần càng lộ rõ khi thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng có tiền án, tiền sự ma tuý. Song để bắt được Thuần, theo lãnh đạo PC47, rất khó, bởi đối tượng không bao giờ trực tiếp giao nhận hàng, còn các chân rết của Thuận thường xuyên thay đổi địa điểm giao dịch.

Cho đến tối 9-6, sau khi nhận được nguồn tin, các đối tượng từ Sơn La về “đổ” một chuyến hàng lớn, lực lượng cảnh sát ma tuý bí mật bao vây các đối tượng.

Đến sáng 10-6, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp Cục CSĐTTP về ma tuý bắt quả tang Sồng A Lư và Tráng A Chu (đều trú ở Loóng Luông, Mộc Châu, Sơn La) khi đang vận chuyển 62 bánh heroin đến Hiệp Hòa, Bắc Giang để giao cho Thuần - Dũng.

Trong số này, Lư là công an viên của xã Loóng Luông, từng được biểu dương về thành tích phòng chống ma tuý. Đấu tranh nóng với Lư và Chu, CQĐT lập tức bắt khẩn cấp Thuần - Dũng về hành vi buôn bán ma tuý.

Khám xét nhà Thuần, CQĐT thu giữ nhiều sổ tiết kiệm trị giá nhiều tỷ đồng.

Trung tá Thân Văn Duy cũng cho biết, CQĐT đang tiếp tục điều tra mở rộng, truy bắt nhiều đối tượng khác liên quan trong đường dây.

Cũng theo trung tá Duy, từ đầu tháng 6 đến nay, Công an Bắc Giang đã phá 3 chuyên án ma tuý, bắt 9 đối tượng, trong đó đường dây của Lưu Thị Thuần là lớn nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.