Phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng: “Ký nháy cũng có tội?“

Quang cảnh phiên tranh tụng. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên tranh tụng. Ảnh: TTXVN
TPO - Sáng nay, 24/4, phiên phúc thẩm Dương Chí Dũng cùng đồng phạm tiếp tục với phần tranh tụng. Nhiều luật sư tiếp tục đề nghị hủy án sơ thẩm ở phần tội danh tham ô, và việc bị cáo “ký nháy vào văn bản dịch thuật cũng có tội” là thiếu căn cứ...

Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều (bào chữa cho bị cáo Mai Văn Khang, bị phiên tòa sơ thẩm quy kết đã ký nháy vào hồ sơ mua ụ nổi, tuyên 7 năm tù) phân tích, ông Khang chủ yếu chỉ dịch văn bản, và ký nháy vào văn bản khảo sát do Trần Hải Sơn lập sẵn.

Phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng: “Ký nháy cũng có tội?“ ảnh 1

Luật sư tranh tụng bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo. Ảnh: TTXVN

Chỉ ký nháy vào văn bản dịch thuật?

"Ông Khang không trao đổi bất cứ nội dung nào liên quan đến việc mua bán ụ nổi, mà đơn giản, đó là ký vào nội dung dịch thuật" - bà Kiều khẳng định.

Theo luật sư Kiều, việc cơ quan công tố bác đơn kháng án của bị cáo Khang là không có cơ sở. Bị cáo Khang chỉ là làm thay một người khác trong Ban quản lý dự án với tư cách thành viên, không có tư cách gì để mua bán ụ nổi, với nhiệm vụ chính là dịch thuật văn bản. Hơn nữa, ông Khang đã được điều chuyển công tác khác, sau đó Vinalines mới mua ụ nổi 83M.

“Hành vi duy nhất của bị cáo Khang chính là ký nháy vào báo cáo khảo sát. Việc quy kết bị cáo này tham gia soạn thảo bản báo cáo nói trên là không có cơ sở. Các cơ quan tố tụng không có bất cứ chứng cứ trực tiếp nào để xác định thực trạng của ụ nổi nhằm đối chiếu với hồ sơ khảo sát” – nữ luật sư tái khẳng định.

Một hành vi áp hai tội danh?

Trong phần bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn (cựu Tổng GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng, không có chứng cứ của khoản tiền tham ô, ngoại trừ việc có một khoản tiền từ Công ty AP chuyển về cho công ty Phú Hà và từ công ty Phú Hà chia cho các bị cáo.

Phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng: “Ký nháy cũng có tội?“ ảnh 2

Luật sư tranh tụng bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo. Ảnh: TTXVN

Theo luật sư Hưng, bản án sơ thẩm khẳng định, Vinalines đã chuyển cho Cty AP 9 triệu USD, khoản tiền này có quay về hay không thì không có chứng cứ chứng minh.

“Đây đã là hậu quả của tội Cố ý làm trái thì không thể tiếp tục tính là hậu quả của tội Tham ô. Một hành vi khách quan nhưng được xác định cho hai tội danh là bất cập” – luật sư Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Hưng, việc tính thiệt hại trong vụ án là 367 tỷ, nhưng ụ nổi vẫn còn đó, vậy tạm tính giá trị ụ nổi bằng 0. “Thực tế, nếu được trừ đi con số này, thiệt hại trong vụ án sẽ thấp hơn nhiều” - luật sư Hưng nói.

Nhằm giúp giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình, luật sư Hưng dẫn chứng, do cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, dễ phát sinh tội Cố ý làm trái, do đó nên xét hoàn cảnh khách quan khi định tội.

Bị cáo Trần Hữu Chiều chỉ là "nạn nhân"?

Trong phần bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Chiều (cựu Phó tổng GĐ Tổng Cty Hàng hải Việt Nam), luật sư Phạm Thanh Sơn phân tích, vai trò của bị cáo Chiều là thụ động khi tuân theo sự chỉ đạo, điều hành của HĐQT và Ban giám đốc.

Theo luật sư Sơn, không đủ yếu tố khẳng định các bị cáo có tội Tham ô. “Đứng góc độ khoa học pháp lý, chưa đủ các yếu tố cấu thành tội Tham ô. Câu chuyện chuyển tiền, tôi đồng ý với các luật sư đồng nghiệp, không xác định được đây là số tiền gì? Có phải của Vinalines hay không?" - luật sư Sơn nhấn mạnh.

Về ý thức chủ quan, bị cáo Chiều chỉ nhận biết được việc có tiền khi mua bán ụ nổi, thông qua công tác điều tra. "Anh thấy việc sử dụng tiền mua ụ nổi để chia nhau, là đúng hay sai? Đây là câu hỏi mang tính áp đặt, buộc tội, không thuyết phục từ quá trình điều tra" - luật sư Sơn nêu dẫn chứng một nội dung trong bút lục có trong vụ án.

Theo luật sư Sơn, ông Chiều là nạn nhân cho cả quá trình thực hiện hành vi của bị cáo và đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra lại từ đầu vụ án. Nói về các khoản dân sự, luật sư Sơn khẳng định, hiện chưa có bất cứ văn bản nào thể hiện các khoản thiệt hại.

"Có thể Vinalines mua ụ nổi đắt, nhưng không có nghĩa Vinalines mất tiền, vì ụ nổi vẫn còn đó. Hoàn toàn có đủ căn cứ để giảm mức án đối với hành vi cố ý làm trái, bên cạnh đó, cân nhắc, giảm các khoản bồi thường. Đề nghị HĐXX hủy án ở tội Tham ô” – luật sư Sơn nhấn mạnh.

Cũng cho rằng thân chủ của mình chỉ là nạn nhân của cả một “chuỗi khép kín”, luật sư Đào Hữu Đăng (bào chữa cho bị cáo Lê Văn Dương (cựu Đăng kiểm viên, Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) bạo miệng: “Việc mua bán ụ nổi đã hoàn thành từ trước khi có báo cáo khảo sát giám định, do vậy, kết luận của bị cáo Dương không mang tính quyết định trong việc mua bán ụ nổi. Lê Văn Dương chỉ bị lợi dụng, là nạn nhân của một âm mưu đã được chuẩn bị từ trước”.

Các luật sư vẫn đang lần lượt trình bày phần bào chữa cho các bị cáo. Theo dự kiến, sau đó đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại Tòa sẽ đối đáp lại quan điểm của các luật sư.

Tiền Phong Online sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa tại những bản tin tiếp theo.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.