Tham nhũng, bị phát hiện là… tâm thần

Năm 2014, bị cáo Dương Chí Dũng (áo trắng) và các đồng phạm đã bị xét xử về tội tham ô tài sản. Ảnh: Nguyến Tấn
Năm 2014, bị cáo Dương Chí Dũng (áo trắng) và các đồng phạm đã bị xét xử về tội tham ô tài sản. Ảnh: Nguyến Tấn
TP - Ngày 15/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp, thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, các đại biểu chỉ rõ “tham nhũng là giặc nội xâm”. Cần có biện pháp đấu tranh hiệu quả hơn với tham nhũng.

Thu hồi tài sản chỉ đạt trên 11%

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, năm 2014, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, thực hiện các giải pháp phòng, ngừa, đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán chưa tương xứng với tình hình.

Các cơ quan vẫn chưa có sự thống nhất về tiêu chí đánh giá vụ việc cần chuyển cơ quan điều tra, nhất là các vụ phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận cán bộ gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp.

“Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước”, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nhận định.

Theo báo cáo năm 2014, lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng. TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2%. Có 35 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý.

Vấn đề nhiều ĐB quan tâm là biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ thu hồi tài sản đạt rất thấp (11,3%). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói rằng, kiểm soát thu nhập là một trong những biện pháp quan trọng chống tham nhũng, nhưng hiệu quả thấp. Ngay tại Hà Nội mà có chuyện cấp sổ đỏ cho người chết cách đây 6 năm và những chuyện như thế này không phải hi hữu. Việc đánh giá tình hình tham nhũng vẫn chung chung, chưa nêu đích danh “địa chỉ” cụ thể. Bất cập về mô hình, cơ chế của cơ quan chống tham nhũng chậm sửa đổi.

“Người dân băn khoăn con số 80% người dân hài lòng với thủ tục hành chính có đúng không? Không ít cơ quan lạm dụng quy định, không công khai thông tin; vấn đề minh bạch, công khai, kê khai tài sản còn hình thức, không mấy tác dụng trong kiểm soát tài sản của người có chức, có quyền. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu vẫn buông lỏng. Dường như năm nay chuẩn bị đại hội, các địa phương phát hiện rất ít và tham nhũng dường như chìm đi”, ông Quyền cho hay.

Cứ tham nhũng xong là tâm thần

Một số ĐB băn khoăn, báo cáo Chính phủ lần này bỏ chữ “nghiêm trọng” khi đánh giá tình hình tham nhũng. Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương nhận xét, nếu đọc báo cáo thì thấy “tình hình tham nhũng tương đối ổn định”, nhưng thực chất vẫn nghiêm trọng, phức tạp. Chính phủ cần có giải pháp mang tính đột phá.

“Vì xác định nguyên nhân chung chung nên chưa tạo được sự đột phá. Thu hồi tài sản năm nào cũng chỉ đạt 10%, vậy 90% kia phải chăng kiến nghị không đúng, hay kiến nghị để đấy, để hành vi tội phạm còn tồn tại. Cần chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất biện pháp thu hồi hiệu quả”, ĐB Đương kiến nghị.

Cũng theo ĐB Đương, cần có sự kết nối sâu sắc giữa các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm toán với điều tra. Qua kiểm tra có vụ 100 triệu đồng chỉ kỷ luật hành chính nhưng có vụ có 5 triệu đồng thôi vẫn khởi tố. Đặc biệt, nhiều vụ tham nhũng xảy ra xong, bị phát hiện thì bị cáo bị tâm thần. Vấn đề này có phải thế không? Tham nhũng tinh vi vậy mà bảo tâm thần? Qua đây cần phải kiến nghị tội phạm tham nhũng sẽ không giám định tâm thần nữa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phân tích, vấn đề là khi phát hiện những ông tham nhũng ấy, đặc biệt là tham nhũng lớn thì giám định tâm thần nhiều quá. Vậy giám định có vấn đề gì không, trách nhiệm Bộ Y tế đến đâu, tới đây cần phải làm rõ.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) Trần Đăng Yến cho rằng, việc phát hiện các vụ án còn chậm do đối tượng phạm tội có chức vụ, cơ quan điều tra thường gặp khó khăn khi thực hiện biện pháp nghiệp vụ. Vì vậy, bên cạnh biện pháp phòng ngừa, phải tạo cơ chế để cơ quan điều tra có thể vào cuộc, phát hiện sớm.

MỚI - NÓNG