Vì sao Bí thư huyện Hồng Ngự bị khởi tố?

Vì sao Bí thư huyện Hồng Ngự bị khởi tố?
Ông Nguyễn Hồng Lâm (bí thư) và ông Ngô Xuân Cảnh - phó bí thư thường trực Huyện ủy Hồng Ngự (Đồng Tháp) - vừa bị khởi tố do vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên.

Vì sao Bí thư huyện Hồng Ngự bị khởi tố?

Ông Nguyễn Hồng Lâm (bí thư) và ông Ngô Xuân Cảnh - phó bí thư thường trực Huyện ủy Hồng Ngự (Đồng Tháp) - vừa bị khởi tố do vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên.

Ngày 4-6, thượng tá Thái Thị Mỹ Trang - chánh văn phòng Công an tỉnh Đồng Tháp - cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hồng Lâm (bí thư Huyện ủy Hồng Ngự), ông Ngô Xuân Cảnh (phó bí thư thường trực Huyện ủy Hồng Ngự) về hành vi “vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”.

Ông Nguyễn Hồng Lâm
Ông Nguyễn Hồng Lâm.

Ông Dương Trung Kỉnh (trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Hồng Ngự) cũng bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cả ba bị can đều được tại ngoại, cấm rời khỏi nơi cư trú.

Chiều qua, ông Lê Minh Trung, trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết liên quan đến chức vụ trong Đảng, hiện ông Nguyễn Hồng Lâm vẫn là tỉnh ủy viên nhưng đã bị đình chỉ chức vụ bí thư huyện ủy.

Việc đình chỉ sinh hoạt tỉnh ủy viên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trung ương, phần việc này đang làm theo quy trình. Riêng trường hợp ông Ngô Xuân Cảnh, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đang làm quy trình đình chỉ sinh hoạt cấp ủy huyện, theo dự kiến từ nay đến cuối tuần sẽ có quyết định cụ thể.

Theo hồ sơ, ông Nguyễn Hồng Lâm và ông Ngô Xuân Cảnh đã chỉ đạo ông Dương Tấn Quốc (giám đốc Công ty TNHH Ngự Bình - một trong ba đơn vị có giấy phép khai thác cát trên địa bàn huyện Hồng Ngự) thu tiền các phương tiện khai thác cát sông trái phép tại khu vực bãi bồi thuộc xã Thường Thới Tiền.

Dù biết cấp trên làm như vậy là sai, nhưng với vai trò là trưởng phòng tài nguyên - môi trường, ông Kỉnh vẫn làm ngơ để một số cá nhân trong Công ty TNHH Ngự Bình thiết lập mạng lưới khai thác cát sông.

Cũng theo cơ quan cảnh sát điều tra, việc khai thác cát sông trái phép tại bãi bồi Thường Thới Tiền và một số xã khác xảy ra nhiều năm nay. Công ty TNHH Ngự Bình trực tiếp khai thác trái phép, làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 9 tỉ đồng. Tháng 11-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố, bắt tạm giam sáu bị can liên quan đến việc khai thác cát trái phép để điều tra.

Lực lượng chức năng bắt giữ phương tiện khai thác cát lậu hồi cuối 2012
Lực lượng chức năng bắt giữ phương tiện khai thác cát lậu hồi cuối 2012.

Theo một báo cáo của Công an tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Hồng Lâm còn điều hành “sân sau” khai thác cát gồm ba doanh nghiệp là Thái Hiền, Hoàn Vũ, Tân Phát Hưng. Thủ đoạn của nhóm khai thác này là móc nối với các ban quản lý dự án để được trúng thầu san lấp.

Khi có công trình, nhóm chia nhau san lấp và dựa vào “anh cả” Công ty TNHH Ngự Bình để hợp thức hóa chứng từ, vì công ty này có phép và có chức năng khai thác, mua bán cát san lấp. Công ty Ngự Bình còn có biểu hiện cho thuê mỏ cát để các đơn vị khác khai thác. Ngoài việc điều hành các doanh nghiệp khai thác cát, cá nhân ông Lâm có hai chiếc xáng cạp khai thác cát trên địa bàn huyện Hồng Ngự.

Trước đó, từ dư luận ông Lâm tham gia bảo kê khai thác cát trái phép, cơ quan công an phát hiện tàu thuyền khai thác cát trái phép trên sông Tiền có lúc lên tới gần 200 phương tiện (trong đó 10 sà lan có trọng tải 100-450 tấn, 50 ghe sắt 50-150 tấn, ghe gỗ 15-80 tấn). Trong năm 2012, Công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ 56 vụ khai thác cát trái phép, nghiêm trọng nhất là sai phạm tại Công ty TNHH Ngự Bình.

Trong quá trình điều tra, ông Nguyễn Hồng Lâm thừa nhận ngoài việc đóng các loại thuế liên quan, Công ty TNHH Ngự Bình phải nộp cho Huyện ủy Hồng Ngự khoảng 850 triệu đồng/năm. Công ty TNHH Ngự Bình còn có một mỏ cát được cấp phép và ba cần cẩu khai thác. Đến tháng 10-2011, giấy phép của mỏ cát này hết hạn nên công ty phải ngưng hoạt động.

Tuy nhiên, Ban thường vụ Huyện ủy Hồng Ngự lại thống nhất cho công ty này lấy ba cần cẩu đến khai thác cát tại mỏ cát được cấp phép trước đó với điều kiện công ty phải nộp 30 triệu đồng/tháng. Đến cuối tháng 10-2012, Công ty Ngự Bình buộc phải ngưng hoạt động.

Theo Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG