Vợ cuồng ghen đổ xăng đốt chồng: “Vợ ở tù, ai nuôi con tôi?“

Cuồng ghen, người phụ nữ này đã làm tan nát một gia đình.
Cuồng ghen, người phụ nữ này đã làm tan nát một gia đình.
TPO - “Mình về thôi em” – Nói đoạn chị dìu anh đi, nhưng họ khó khăn lắm mới bước đi được. Anh từ một người cao lớn, nhưng nay thành thương tật 64%, còn chị đang nuôi con nhỏ trông yếu đuối lắm… Nhìn cặp vợ chồng dìu nhau trước sân tòa ra xe buýt để về nhà, ít ai ngờ rằng ít phút trước, họ một là bị cáo, một là nạn nhân…

Phút dỗi hờn của người phụ nữ yêu chồng

Đó là thời khắc chuyển giao năm cũ, đêm 30/12/2014. “Thưa tòa, ở quê bị cáo đêm giao thừa tết Tây người ta đi chơi không à, còn bị cáo thì ôm con nhỏ ở nhà…”- Chị Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1977, ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) ngập ngừng kể lại đêm định mệnh, đưa chị thành bị cáo của phiên tòa hôm 23/11.

“Và bị cáo suy nghĩ chắc là chồng bị cáo đang chở ai đi chơi quá, nên bị cáo buồn và ghen nên…” – Chị lại ngập ngừng – Lần này chủ tọa phiên tòa nói xen vào “Nên bị cáo mua xăng đốt chồng chứ gì!”. Chị Phượng im lặng.

Phiên tòa không căng thẳng lắm, chủ tọa phiên tòa cũng không đi sâu vào các tình tiết phạm tội của bị cáo. Bởi đây là phiên tòa mà bị cáo và bị hại cùng xin giảm án, tòa chỉ tập trung xem xét các tình tiết này. Nhưng hồ sơ vụ án đã đưa bị cáo và nạn nhân trở về với những khoảnh khắc mà theo cả 2 là “đáng quên”.

Sau thời gian yêu nhau, Phượng và anh Trần Minh Tiếp (sinh năm 1975) về chung sống tại ấp 7, xã Suối Dây và có 1 con chung. Do nghi ngờ anh Tiếp quen người phụ nữ khác nên hai người nảy sinh mâu thuẫn, anh Tiếp dọn về nhà cha mẹ ruột ở ấp 6, xã Suối Dây để ở. Đêm “giao thừa tết Tây” - (nguyên lời chị), cái xóm nghèo giáp biên giới quê chị xôn xao khác thường, nhà nhà, người người, đưa nhau ra thành thị chơi.

Nằm ôm con nhỏ, chị buồn buồn, tủi tủi, thi thoảng trong suy nghĩ của chị, anh Tiếp chắc giờ này cũng đang đi cùng ai… Nghĩ quẩn, chị quyết định làm liều. 21 giờ đêm 30/12/2014, chị rón rén đặt đứa con nhỏ nằm xuống giường, lấy cái mền đắp cẩn thận rồi dắt xe ra khỏi nhà. 

20 ngàn đồng tiền xăng và cái chai nhựa đựng số xăng ấy, nay đang nằm trên bàn của Hội đồng xét xử, nó là tang chứng của vụ án. Phượng mở cửa sau vào nhà mẹ chồng, thấy anh Tiếp đang ngủ liền đến đổ xăng lên người anh Tiếp rồi chăm lửa đốt. Anh Tiếp được cứu sống với tỷ lệ thương tật suốt đời 64%, không còn khả năng lao động.

“Thưa tòa, tới giờ bị cáo không hiểu vì sao mình có thể đổ xăng và đốt anh ấy” – Vừa nói chị vừa quay sang nhìn anh. Anh lặng thinh nhìn chị chia sẻ, nhưng tòa lại “nói dùm chị”: Là ghen chứ gì, bị cáo có thấy hậu quả của ghen tuông vô cớ lớn tới chừng nào chưa! Chị im lặng... Cả phòng xử cũng im lặng, chủ tọa quyết định hội ý.

Vợ ở tù, ai nuôi con tôi?

Rời phòng xử, họ dìu nhau đi, anh Tiếp tướng mạo cao lớn, nhưng do thương tích 64% từ chính chị gây ra nên khó khăn lắm mới bước từng bước một. Chị bây giờ (được tòa cho tại ngoại vì nuôi con nhỏ) trở thành “người đàn ông bất đắc dĩ” khi phải dìu anh từng bước đi.

Gặp người viết tại sân tòa án, anh Tiếp hỏi xe buýt ra bến xe An Sương để từ đó đón xe liên tỉnh về Tây Ninh quê anh. Anh hỏi đường thì ít, nhưng than thì nhiều. Anh lặp đi, lặp lại câu nói mà anh hơn 1 lần đã nói trước tòa: “Vợ tôi ở tù, ai nuôi con tôi!”.

Lúc ở phòng xử án, câu hỏi của anh đã được tòa giải thích nhiều lần: Hành vi phạm tội của bị cáo là khôn lường, gây mất trật tự trị an… Tòa đã cân nhắc và tuyên hình phạt 7 năm tù phù hợp khi xét hoàn cảnh phạm tội, khả năng nhận thức pháp luật và cả gia cảnh bị cáo… “Đây là mức án khởi đầu thấp nhất cho tội danh giết người” – Chủ tọa đã nói với anh trong phòng xử án.

Thấy người viết không trả lời câu nói của anh, anh nói như phân bua: Ngày trước, khi chưa xảy ra chuyện, vợ chồng tôi làm thuê, cũng cơm áo qua ngày. “Nhưng mà nay tôi không còn khả năng lao động, chỉ còn trông chờ vào vợ, nay vợ tôi ở tù thì con tôi sẽ sống sao đây”. 

Khi nghe chồng nói, chị vội mở túi xách lấy cái khăn cũ lau mồ hôi trên trán anh: “Mình, em xin lỗi”. Anh đáp lại lời vợ bằng một cái quàng vai và cố bước chân đi ra phía trước sân tòa án – nơi có trạm xe buýt để họ trở về quê.

Người chạy xe ôm phía trước cổng tòa án thấy họ, trông có vẻ cảm thông lắm, bác chạy xe ôm đón hộ xe buýt và đỡ anh lên xe…“Họ bị gì mà tới tòa vậy?” người chạy xe ôm quay lại hỏi tôi. Tôi cười…làm thinh, người xe ôm cũng không hỏi gì thêm. 

Tôi không rõ bác chạy xe ôm ấy - và cả bạn đọc nữa – chúng ta sẽ có thái độ ra sao với họ khi biết họ là một cặp vợ chồng bị cáo, bị hại? Xem chừng, đường về quê của họ phía trước khá gập ghềnh, chông chênh sau cái đêm “giao thừa tết tây” năm ấy!

Ngày 23/11, Tòa phúc thẩm cấp cao tại TP.HCM xét xử và tuyên án bị cáo Nguyễn Thị Phượng  7 năm tù về tội danh “Giết người”, cho bị cáo tại ngoại vì nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.