Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn: Được minh oan vẫn chưa yên thân

Ông Nguyễn Thanh Chấn về lại đời thường.
Ông Nguyễn Thanh Chấn về lại đời thường.
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn làm chấn động dư luận lại một lần nữa dậy sóng vì lá đơn tố cáo của một người đàn bà có tên Nguyễn Thị Thu Hà, SN 1962, trú tại đường Hoàng Hoa Thám, Song Mai, TP Bắc Giang.

Trong lá đơn dài 5 trang giấy, bà Hà đưa ra rất nhiều lý lẽ để phản bác lại kết quả điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, và cho rằng, ông Chấn ngồi tù là không oan. Chúng tôi đã tìm đến nhà bà Hà cũng như gặp lại những nhân vật trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn để tìm hiểu thực hư.

"Chúng tôi không màng tiền bồi thường, chỉ mong được yên thân"

Người phải chịu 10 năm oan khuất đang làm công việc quen thuộc của người nông dân vùng quê Bắc Giang. Giữa trưa nắng nóng 40 độ, ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn chăm chỉ dọn dẹp chuồng bò.

Hai năm được tự do, nhưng gương mặt ông vẫn giữ nguyên vẻ khắc khổ. Trong suốt câu chuyện, người đàn ông này chỉ trầm ngâm, chưa khi nào thấy ông cười. "Một tuần nay, bệnh đau đầu của tôi lại tái phát. Tôi cũng không hề biết mạng mẽo là cái gì, các cháu nó đọc được báo chí họ viết về lá đơn kiến nghị của bà Hà thì kể lại với tôi. Nhưng tôi không còn lo lắng như trước nữa, tôi tin vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Tôi chỉ thấy ngạc nhiên là tôi với bà Hà không quen không biết, không thù oán gì nhau, tôi còn chưa biết mặt mũi bà ấy như thế nào, sao bà ấy nỡ làm hại tôi. Cuộc đời tôi còn chưa đủ khốn khổ khốn nạn hay sao mà bà ta lại dựng chuyện trắng trợn như vậy".

Trong lá đơn dài 5 trang của bà Nguyễn Thị Thu Hà gửi cơ quan chức năng, đề nghị xem xét lại việc bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn, bà Hà đưa ra rất nhiều lời lẽ ngô nghê và khẳng định bà ta có quen nạn nhân Nguyễn Thị Hoan, vì thế bà ta được chị Hoan kể, trước đây "ông Chấn có quan hệ tình cảm với chị Hoan", đồng thời khẳng định "ông Chấn bị ngồi tù là đúng".

Bà Chiến, vợ ông Chấn phải bỏ dở đợt điều trị sau cơn tai biến tại Hà Nội, vội vàng bắt xe về Bắc Giang, sau khi nghe tin có người đàn bà ở TP Bắc Giang viết đơn làm hại chồng bà. Vừa ôm ngực nén cơn xúc động, bà Chiến vừa nói: "Bà ta cũng là phụ nữ, sao lại không chịu hiểu người phụ nữ như tôi phải đau khổ suốt chục năm trời như thế nào khi có người chồng bị ngồi tù oan, trong khi họ không biết, lại chĩa mũi dùi vào gia đình tôi. Chồng tôi tôi hiểu, ông ấy hiền lành cả xóm đều công nhận. Trước vợ chồng tôi mở cửa hàng tạp hóa, khách hàng là phụ nữ đến mua mà trêu chọc, ông ấy còn lúng túng đỏ mặt, làm gì có chuyện cặp kè bồ bịch với ai. Mà nếu có chuyện đó thì dư luận đã sôi sục từ khi ấy rồi. Sao bà ta lại có thể trắng trợn dựng chuyện tôi từng đi đánh ghen để hại người như thế".

Chia sẻ với chúng tôi, vợ chồng ông Chấn cho biết, số tiền 7,2 tỷ đồng mà Nhà nước nói bồi thường, giờ ông bà vẫn chưa nhìn thấy đâu, nhưng: "Chúng tôi không màng tiền bồi thường, mà chỉ mong được yên thân. Hai năm được tự do, tự tay tôi đã làm ra gần trăm triệu đồng. Tôi nuôi lợn, nuôi bò, cứ chăm chỉ rồi ông trời cũng thương. Tôi quá sợ những ngày oan khuất rồi, có đêm nằm mơ giật mình tỉnh dậy, thấy được nằm giữa nhà mình, tôi bưng mặt khóc hu hu. Thế nên, bây giờ tôi không cầu mong gì hơn là được sống yên ổn bên vợ con và các cháu. Tôi bị ngồi tù oan 10 năm, giờ là lúc tôi phải bù đắp cho vợ con tôi, giúp được gia đình cái gì thì giúp, thời gian của tôi cũng không còn nhiều nữa, sức khỏe của tôi giảm sút nhiều so với trước đây, tôi phải tranh thủ làm thôi. Vợ con tôi đã quá khổ vì nỗi oan này rồi…" - ông Chấn nói.

Bà Chiến tiếp lời chồng: "Chồng tôi chịu khó làm lụng lắm. Ngày trước khi chưa bị bắt, ở cái làng này, gia đình tôi có tiếng là khá giả. Chúng tôi có hai cái xe máy xịn nhất làng, có máy xát gạo, có tiệm tạp hóa lớn và nuôi hàng chục con lợn. Nếu chồng tôi không bị bắt thì gia đình tôi đã xây được nhà to nhất làng. Chúng tôi đã mua 4 vạn gạch, chuẩn bị xây nhà thì tai họa ập xuống. Những năm qua, tôi bán hết tài sản, không còn một thứ gì để lấy tiền trên hành trình kêu oan cho chồng".

Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn: Được minh oan vẫn chưa yên thân ảnh 1

Bà Thân Thị Hải.

"Bà Hà có vấn đề về thần kinh"

Bà Thân Thị Hải, người đã giúp vợ con ông Chấn đi kêu oan nhiều năm trời vô cùng bức xúc khi nói về bà Hà: "Tôi nghĩ bà ta có vấn đề về thần kinh.  Tôi khẳng định, bà Hà bị ai đó xúi bẩy viết đơn để phục vụ mục đích cá nhân của họ. Mục đích của họ có thể muốn hoãn phiên tòa ngày 21/7 sắp tới, để họ có đủ thời gian thực hiện ý đồ của mình. Các câu chuyện bà Hà viết trong đơn là hoàn toàn bịa đặt.

Trước đây chị Hoan kinh doanh gạo, phân bón. Trong cửa hàng chỉ có cái tủ kính nhỏ đựng dăm bao thuốc lá và lọ kẹo để bán cho trẻ con trong làng. Trong khi bà Hà lại cho rằng, chị Hoan kinh doanh các mặt hàng xa xỉ phẩm và thường xuyên lấy hàng của bà ta. Việc bà Hà nói đã từng nhờ tôi chạy án giúp bà ta trong vụ bà ta bị tòa án xét xử về tội chứa mại dâm, tôi khẳng định tôi không quan hệ sâu tới mức chạy án cho bà ta. Những lời cáo buộc của bà Hà hoàn toàn bịa đặt. Quá khứ của bà Hà không tốt đẹp gì. Bà ta từng chịu án 24 tháng tù treo về tội chứa mại dâm, vì vậy tôi không quan hệ với con người này".

Bà Hải cho biết thêm, sau khi phiên tòa xử Lý Nguyễn Chung kết thúc, nếu bà Hà không có bằng chứng để chứng minh những điều đã viết trong đơn kiến nghị, bà sẽ xem xét để kiện bà Hà về tội vu khống, làm mất uy tín, danh dự của mình.

Bà Hải cũng khẳng định, chị Hoan và bà Hà chưa từng có quan hệ thân thiết như lời bà Hà nói. Thậm chí, nếu bây giờ bảo bà Hà tả lại hình dáng chị Hoan, chắc chắn bà này không tả lại được, vì họ đã gặp nhau bao giờ đâu lời bà Hải.

Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn: Được minh oan vẫn chưa yên thân ảnh 2

Bà Hà - người viết đơn đề nghị.

Những thông tin bà Hà nêu trong đơn chỉ là "nghe nói"

Lá đơn do bà Hà viết gửi các cơ quan chức năng và một số cơ quan báo chí vào thời điểm trước khi phiên xét xử Lý Nguyễn Chung (thủ phạm vụ giết chị Nguyễn Thị Hoan, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) diễn ra hơn 20 ngày, đã một lần nữa khuấy động dư luận. Nói chuyện với chúng tôi, bà Hà kể tỉ mỉ chi tiết ngày tháng gặp gỡ chị Hoan khiến chúng tôi phải đặt dấu hỏi nghi ngờ: Tại sao người đàn bà này lại nhớ chính xác ngày gặp chị Hoan lần cuối cùng cũng như nhớ được hình dáng từng chiếc nhẫn (mà bà Hà cho rằng chị Hoan đã cắm cho bà để lấy 2 triệu đồng), dù sự việc đã xảy ra cách đây hơn chục năm, nếu không phải là bà Hà đã "học thuộc".

Đi sâu vào một số chi tiết, ví dụ như, bà Hà cho rằng, sau khi chị Hoan bị giết, một năm sau Lý Nguyễn Chung mới rời quê đi nơi khác, chứ không phải như kết quả điều tra là Lý Nguyễn Chung đã bỏ trốn ngay sau khi giết chị Hoan (theo tài liệu điều tra, bản thân bố đẻ, chị dâu và Lý Nguyễn Chung thừa nhận, sau khi giết chị Hoan, Chung đã trốn lên Lạng Sơn). Hỏi bà Hà về chi tiết này thì bà Hà cho biết, bà ta có về thôn Me để "xác minh" và "được nghe một số người dân nói thế". Hỏi những người dân đó là ai, bà Hà lắc đầu không cung cấp.

Còn một chi tiết trong lá đơn kiến nghị bà Hà cho biết, số nhẫn và dây chuyền của chị Hoan đã được cắm hết cho bà Hà, vì vậy không có chuyện hung thủ Lý Nguyễn Chung cướp được hai chiếc nhẫn của chị Hoan. Chúng tôi hỏi, tại sao bà lại khẳng định chị Hoan không còn đồ trang sức nào thì bà Hà nói: "Tôi suy luận thế". Khi chúng tôi đề nghị bà Hà cung cấp bằng chứng để chứng minh những điều viết trong đơn kiến nghị, thì bà Hà cho biết: "Đó là suy luận của tôi, một số nội dung tôi nghe được từ khách đến nhà tôi uống bia".

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.