Vụ cán bộ tòa án đòi hối lộ: Sẽ đề xuất khởi tố bị can

Trụ sở TAND huyện Triệu Sơn - nơi làm việc của các điều tra viên Cục 6 với các đối tượng bị tố nhận hối lộ
Trụ sở TAND huyện Triệu Sơn - nơi làm việc của các điều tra viên Cục 6 với các đối tượng bị tố nhận hối lộ
Sáng 18/9, Đoàn công tác Cục Điều tra Viện KSND Tối cao (Cục 6) đã vào làm việc với TAND huyện Triệu Sơn nhằm xử lý vụ việc chánh án, thẩm phán và thư ký toà án này hùa nhau “làm tiền” bị can Nguyễn Bá Quý.

Niêm phong 10 triệu đồng tang vật

Trưa ngày 18/9, các cán bộ Cục 6 đã yêu cầu thủ quỹ TAND huyện Triệu Sơn trả lại bọc tiền mà ông Lê Sỹ Thuần đã nhận của ông Nguyễn Bá Quý.

Trước đó, lãnh đạo TAND tỉnh Thanh Hoá đã niêm phong, yêu cầu ông Thuần nộp bọc tiền trên vào két thủ quỹ TAND huyện phục vụ điều tra. Cán bộ Cục 6 đã đếm, niêm phong, thu giữ số tiền 10 triệu đồng là vật chứng mà ông Lê Sỹ Thuần - thư ký TAND huyện Triệu Sơn - đã nhận hối lộ để “chạy án” từ ông Quý.

Chiều cùng ngày, cán bộ Cục 6 tiếp tục đấu tranh, làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Bá Quý. Theo đó, Cục 6 đã yêu cầu ông Lê Ngọc Hiệp - Chánh án TAND huyện Triệu Sơn và ông Lê Sỹ Thuần - thư ký toà án này - viết bản giải trình về vụ việc.

Đến cuối giờ làm việc chiều 18/9, ông Lê Ngọc Hiệp được cho về. Ông Lê Sỹ Thuần vẫn phải ngồi viết tường trình dưới sự giám sát của cán bộ Cục 6 đến 18h mới kết thúc.

Trả lời phỏng vấn của PV, một thành viên đoàn công tác cho biết, trong buổi làm việc ngày 18/9, các ông Lê Ngọc Hiệp, Lê Sỹ Thuần không phản đối về nội dung file ghi âm mà ông Quý cung cấp; các ông Hiệp, Thuần đưa ra nhiều lý do giải thích cho hành vi.

“Giải thích, đưa ra các lý do là quyền của đối tượng tình nghi, còn việc kết luận có tội hay không có tội phải căn cứ vào chứng cứ và các quy định pháp luật” - cán bộ Cục 6 khẳng định. Theo vị cán bộ này, đoàn sẽ tiếp tục làm việc, đấu tranh làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng khác liên quan trong ngày 19/9.

Nhận tiền để “thuê xe đi tỉnh”?

Cùng ngày, PV đã có cuộc làm việc với ông Lê Huy Thịnh - Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá. Ông Thịnh cho biết, TAND tỉnh này đã ra quyết định tạm đình chỉ 3 tháng đối với một số cán bộ TAND huyện Triệu Sơn, gồm: Ông Lê Ngọc Hiệp - Chánh án, bà Lê Thị Thu - thẩm phán và ông Lê Sỹ Thuần - thư ký để phục vụ điều tra. Ông Thịnh khẳng định sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ vụ việc.

Liên quan đến nội dung file ghi âm về việc “làm tiền” của Chánh án Lê Ngọc Hiệp có đoạn “10 triệu chưa đủ đi tỉnh”, ông Thịnh nói: “Ông Hiệp giải thích là tiền để đi đường, ăn nghỉ và thuê ôtô”.

Phó Chánh án Lê Huy Thịnh cũng cho hay, sáng 18/9, TAND Thanh Hoá đã yêu cầu làm việc với ông Nguyễn Bá Quý - người tố cáo và ông Lê Quốc Hiền - luật sư (LS) bào chữa cho ông Quý trong vụ án cưỡng đoạt tài sản chuẩn bị đưa ra xét xử trước đó.

“Tại buổi làm việc, ông Quý cho rằng không ai xúi giục ông đưa tiền cho ông Thuần. LS Hiền cũng cho hay, ông chỉ bày cho ông Quý cách ghi âm về nội dung từ chối LS như thông tin ông Quý đã nói với ông”.

Trao đổi với PV, ông Lê Quốc Hiền khẳng định việc ông cho ông Quý mượn máy ghi âm chỉ để đấu tranh với việc các cán bộ TAND, VKSND huyện Triệu Sơn gay gắt từ chối LS.

“Tôi không tin hai cơ quan này lại có thể làm thế, nên mới hướng dẫn ông Quý ghi âm lại nội dung này”. Ông Hiền cho rằng, sở dĩ ông làm việc này vì “không thể để hai cơ quan xử án cấp huyện này chà đạp lên quy định, danh dự của nghề LS, chà đạp lên sự nghiệp cải cách tư pháp”.

Thành viên đoàn công tác Cục Điều tra VKSNDTC cho biết, khi quá trình điều tra kết thúc, nếu có đầy đủ chứng cứ kết luận các đối tượng TAND huyện Triệu Sơn vi phạm pháp luật sẽ nhanh chóng báo cáo lên cấp trên khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Tuy nhiên, theo điều tra viên Cục 6, đến giờ này đã có nhiều chứng cứ để có thể đề xuất lãnh đạo khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nếu khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cục 6 sẽ tiến hành bắt tạm giam đối tượng mà không cần qua cơ quan CSĐT CA Thanh Hoá.

VKSND Tối cao và TAND Tối cao lập đoàn kiểm tra vụ “chạy án” tại Thanh Hoá

Liên quan đến việc đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) để xem xét, làm rõ theo đơn tố cáo của công dân, VKSND Tối cao và TAND Tối cao đã thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra, xử lý sự việc trên.

Theo quyết định đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ TAND huyện Triệu Sơn của TAND tỉnh Thanh Hoá ký ngày 17/9 có nêu rõ: Đình chỉ công tác 3 tháng (kể từ ngày 17/9) đối với ông Lê Ngọc Hiệp, Chánh án TAND huyện Triệu Sơn; ông Lê Sỹ Thuần, thư ký TAND huyện Triệu Sơn và bà Lê Thị Thu, thẩm phán TAND huyện Triệu Sơn để xem xét hình thức kỷ luật.

Các cán bộ bị đình chỉ công tác nêu trên đều liên quan đến đơn tố cáo của ông Nguyễn Bá Quý (nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá). Được biết, hiện VKSND Tối cao và TAND Tối cao đã thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra, xử lý sự việc.

Trước đó, vào tháng 7/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn có kết luận điều tra ông Nguyễn Bá Quý, nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Nông (huyện Triệu Sơn) phạm tội cưỡng đoạt tài sản với phiên toà xét xử dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 9/2014. Ông Quý có nhờ một người họ hàng là bà Nguyễn Thị Niên (kiểm sát viên Viện KSND huyện Triệu Sơn giúp gặp ông Lê Ngọc Hiệp (Chánh án TAND huyện Triệu Sơn) để “chạy án”.

Sau khi đưa tiền “hối lộ” cho ông Thuần theo sự hướng dẫn của ông Hiệp và bà Thu, ông Quý đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí.

Trong đơn tố cáo, ông Quý tố cáo 3 cán bộ kể trên đã đòi tiền hối lộ với ông ngay tại trụ sở TAND huyện Triệu Sơn để “chạy án”.

Theo Báo Lao Động
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.