Vụ doanh nhân Hà Linh bị sát hại: Chồng cũ nạn nhân trần tình

Ông Lin Chin Chuang phân trần.
Ông Lin Chin Chuang phân trần.
TP - Trong vòng hai tháng qua, dư luận xôn xao bàn tán về nguyên nhân cái chết đầy uẩn khúc của doanh nhân Hà Linh tại Trung Quốc. Trước luồng thông tin nghi vấn có liên quan đến cái chết của vợ cũ, ông Lin Chin Chuang quyết định bày tỏ chính kiến.

“Tôi không có lợi gì khi cô ấy chết”

Ngày 1/12, tại Cty TNHH Hayih (xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt), ông Lin Chin Chuang (sinh năm 1956, người Đài Loan) kể, năm 1998, từ sự giới thiệu của bạn bè, ông gặp Hà Thùy Linh, quê quán Đồng Tháp. Lúc ấy Linh 28 tuổi, xinh đẹp, thật thà và biết nói một ít tiếng Hoa. Tôi cho cô ấy biết mình đã có vợ (và 2 con) ở Đài Loan nhưng tính tình không hợp, hay cãi nhau. Tôi và Linh làm đám cưới ở Đồng Tháp, sau đó lên Đà Lạt sinh sống. Năm sau, cô ấy sinh con đầu lòng nhưng cháu bé sớm thiệt mạng trong một vụ tai nạn ô tô. Sau này, Linh sinh thêm 2 con trai nữa,  hiện được 13 và 6 tuổi.

Do mâu thuẫn thường xuyên về tài sản, lối sống… nên tôi và Linh chia tay nhau cách đây mấy năm. Lần cuối gặp Linh là vào giữa tháng 12 năm ngoái khi tổ chức liên hoan cho con riêng của tôi trở về Đài Loan. Lần liên lạc điện thoại gần nhất là vào tháng 4/2015 về chuyện tiền bạc.

Tháng 9 năm nay tôi sang Quảng Châu, Trung Quốc để gia hạn visa. Ngày 22/9, con gái riêng của tôi (Lin Yảng Y) đang sống ở Đà Lạt điện thoại báo tin là Linh đã chết tại Quảng Châu, cách nơi tôi ở chừng 100km. Dẫu vẫn còn giận cô ấy nhưng tôi cũng buồn, thấy tội nghiệp. Dẫu sao cũng đã có với nhau mấy đứa con. Tôi điện thoại về nhà của Hà Ngọc Hương, em gái của Linh ở Việt Nam. Tuy nhiên Hương không có nhà. Chồng Hương nhấc máy nhưng dường như ông ấy không hiểu tôi muốn nói gì vì ngôn ngữ bất đồng. Tôi điện thoại cho anh Nguyễn Công Hồng (tổ trưởng sản xuất của Công ty tôi ở Đà Lạt) nói liên lạc với gia đình Linh xem có cần giúp đỡ gì không? Đưa số điện thoại của tôi ở Quảng Châu để gia đình Linh liên lạc nếu cần. “Chú Chuang nhắn qua em bảo gọi cho đứa con trai lớn của chú dặn dò rằng mẹ mất thì còn có ba, đừng lo lắng gì, ráng học hành cho tốt”, anh Hồng xác nhận.

2 ngày sau khi Linh chết, Công an Trung Quốc tìm tới chỗ ông Chuang ở, thông báo về cái chết của Hà Linh và dùng ô tô chở ông đến cơ quan chức năng làm việc. “Họ hỏi nhiều lắm, hàng tiếng đồng hồ về thời gian tôi ở Việt Nam, sang Trung Quốc, điện thoại liên lạc với ai, chuyện làm ăn, tài sản, quan hệ tình cảm, tiền bạc với Linh… Họ giữ điện thoại và kiểm tra các cuộc gọi của tôi”, ông Chuang nói.

Khi ở Trung Quốc tôi đã mua vé máy bay để về Việt Nam vào ngày 27/11. Thế nhưng con gái điện thoại nói một số tờ báo nghi vấn tôi liên quan đến cái chết của Linh và đang bỏ trốn, do đó tôi quyết định về sớm hơn. Tôi đổi vé để về Việt Nam vào ngày 21/11. “Tôi không có nhiều tiền để thuê người giết Linh và nếu cô ấy chết tôi cũng không có lợi lộc gì. Linh đang nuôi con của chúng tôi mà! Tôi mong muốn cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm càng nhanh càng tốt để giải oan cho mình!”, ông Chuang tâm sự.

Vụ doanh nhân Hà Linh bị sát hại: Chồng cũ nạn nhân trần tình ảnh 1

Phơi chè ở Cty TNHH Hayih.

Trả lời câu hỏi có nghi vấn gì về nguyên nhân cái chết của vợ cũ, ông Chuang nói Linh rất năng động, giao dịch làm ăn với nhiều người ở nhiều nơi nên nợ nần cũng nhiều và có những mối quan hệ phức tạp. Bởi thế, thật khó để biết vì ân oán gì mà người ta ra tay sát hại cô ấy.

Không nhòm ngó gì vào tài sản của vợ cũ

Trả lời câu hỏi vì sao đã trở về Đà Lạt 10 ngày mà vẫn không đến thăm các con của ông và bà Hà Linh? Ông Chuang nói giữa cha con ông có một khoảng cách, tình cảm bị mất mát nhiều. Linh đưa các con ra ở riêng khi còn quá nhỏ tuổi và hiếm khi cho về thăm ba nên tình cảm phai nhạt dần. Tôi không rành tiếng Việt trong khi các con lại không biết tiếng Hoa nên giao tiếp rất hạn chế. Mấy tháng nay dư luận cho rằng tôi có liên quan đến cái chết của Linh nên có lẽ các con đang giận ba.

Trước kia chúng tôi đã chia cổ phần cho hai con và để Linh quản lý cho đến khi các con trưởng thành. Nay Linh đã chết thì tài sản đó vẫn là của các con, một đồng tôi cũng không lấy. Thời gian tới, tôi sẵn sàng nhận nuôi dạy các con mà không động đến tài sản của Linh để lại. Khi thi thể Linh được đưa về Đà Lạt, tôi sẽ đến viếng; nếu gia đình cô ấy cần giúp đỡ thì tôi sẵn sàng.

Vẫn sống được với chè ô long

Ông Chuang là một trong những người đầu tiên di thực cây chè ô long vào Việt Nam, hợp tác thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Cty Fusheng) tại xã Xuân Trường, Đà lạt vào cuối thế kỷ trước. Năm 2000, ông cùng vợ là Hà Linh tách ra thành lập công ty riêng là Hayih rồi liên kết với hàng chục hộ nông dân tại địa phương để sản xuất, chế biến loại chè này. Đây là mô hình liên kết đầu tiên trong ngành chè ở Lâm Đồng cho hiệu quả cao. Sau đó vợ ông lại thành lập công ty riêng tên là Hà Linh.

 Hiện Cty Hà Linh đang lao đao vì giám đốc bị sát hại, còn Cty Fusheng thông báo sẽ ngừng mua chè của nông dân từ đầu năm 2016. Riêng Cty Hayih vẫn duy trì hoạt động trước sóng gió của ngành chè ô long.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.