Vụ Huyền Như: Bảo lưu quan điểm Vietinbank phải bồi thường 5 Cty

Huyền Như tại phiên tòa
Huyền Như tại phiên tòa
TP - Tại phiên phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm ngày 29/12, đại diện Viện Kiểm sát bảo lưu quan điểm chấp nhận một phần kháng cáo của 5 Cty Phương Đông, Bảo hiểm Toàn Cầu, SBBS, Hưng Yên và An Lộc yêu cầu Vietinbank bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngược lại, với yêu cầu của ACB và Navinbank, kiểm sát viên giữ quan điểm 2 ngân hàng này gửi tiền vào Vietinbank trái luật nên không thể đòi Vietinbank bồi thường. Đối với 10 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Vietinbank, đại diện VKS cho rằng họ không có yếu tố tư lợi nên đề nghị Toà xem xét mức án “hợp tình hợp lý”.

Huyền Như khó thoát tội tham ô?

Mở đầu phần đối đáp, VKS bác quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Ngoan, bào chữa cho bị cáo Huyền Như, khi cho rằng đề nghị hủy một phần bản án, điều tra lại theo hướng Huyền Như thêm tội tham ô tài sản là vi phạm tố tụng. Công tố viên cho rằng, có đủ cơ sở để kiến nghị HĐXX xem xét thêm tội tham ô của Huyền Như.

Để làm rõ, kiểm sát viên đã phân tích bản chất của hoạt động ngân hàng, làm rõ vấn đề phân biệt các loại tài khoản. Đặc biệt trong đó mối quan hệ gửi - giữ trong tài khoản tiền gửi thanh toán là bản chất của ngân hàng thương mại. Tiền của khách hàng gửi cho ngân hàng đương nhiên ngân hàng phải là người giữ và có trách nhiệm quản lý. Huyền Như cũng không thể lấy được tiền nếu không có sự tắc trách trong quản lý của Vietinbank. “Ở đây, có thể nói Vietinbank đã bị Huyền Như lừa, chiếm đoạt tiền. Do đó, Huyền Như phải chịu trách nhiệm với Vietinbank” - đại diện VKS nói.

Hơn nữa, VKS cho rằng những quy định pháp luật và quy định của Vietinbank đã chỉ rõ Huyền Như là người có trách nhiệm quản lý tài sản tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ. “Những việc làm giả mạo danh nghĩa, chữ kí chủ tài khoản, lập các lệnh chi giả của bị cáo Huyền Như diễn ra trong Vietinbank cùng với lợi dụng sơ hở, lỏng lẻo trong quản lí của Vietinbank là nguyên nhân dẫn đến mất tiền. Hành vi của bị cáo Huyền Như là lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc trách nhiệm quản lí của Vietinbank, là tội tham ô tài sản”, kiểm sát viên khẳng định.

Bác kháng cáo của ACB và Navibank?

Cũng trong phần đối đáp, công tố viên đồng tình với quan điểm của các luật sư bảo vệ ACB và Navibank khi cho rằng các khoản tiền đứng tên 4 nhân viên Navibank và 19 nhân viên ACB gửi tại Vietinbank đã bị Huyền Như chiếm đoạt đều được theo dõi, hạch toán trong hệ thống sổ sách của Vietinbank. VKS cũng đồng tình bản án sơ thẩm có nhiều thiếu sót.

Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng thiếu sót này không nghiêm trọng và đã được cấp phúc thẩm khắc phục. Từ đây, đại diện VKS đã dẫn viện ra hàng loạt luận cứ phân tích để thấy rằng yêu cầu kháng cáo của 5 công ty trên là có cơ sở, còn ACB và Navibank thì không.

“Thực tế, tiền của 5 công ty trên chuyển vào tài khoản thanh toán hợp pháp, hợp lệ, tài khoản thật của họ mở tại Vietinbank và đã được hạch toán đầy đủ theo sự dẫn dụ của Huyền Như nhưng lúc này Như chưa chiếm đoạt được. Tiền của họ vẫn đang nằm trong sự kiểm soát, kiểm tra của Vietinbank. Tuy nhiên, sau đó Huyền Như đã làm giả các lệnh chi, ký giả, con dấu giả để rút tiền của 5 công ty này. Vì vậy không thể nói Huyền Như dẫn dụ thông thường” - đại diện VKS nói. Theo VKS, hồ sơ vụ án từ giai đoạn điều tra đến khi đưa ra xét xử đều xác định rõ 5 công ty trên là những đơn vị bị thiệt hại về tài sản trong vụ án này với tư cách là nguyên đơn dân sự.

Về lý do chấp nhận kháng cáo một phần bản án sơ thẩm đối với 5 công ty trên mà không chấp nhận kháng cáo của ACB và Navibank, công tố viên cho rằng do có sự khác nhau về bản chất của giao dịch gửi tiền. Vị đại diện VKS ví von: “Sự khác biệt và lằn ranh pháp lý ở đây giống như hành vi của người chưa thành niên và hành vi của người đã thành niên”.

Đại diện VKS kết luận, ACB và Navibank đã làm trái luật, tài khoản tiền gửi của nhân viên 2 ngân hàng này được mở để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Toàn bộ nhân viên của 2 ngân hàng này mở tài khoản nhưng không có nhu cầu, việc mở là để ACB và Navibank chuyển tiền đến lấy lãi suất chênh lệch. Nguồn gốc tiền gửi làm thay đổi trách nhiệm, vì lợi nhuận cục bộ mà các ngân hàng đã vi phạm pháp luật dẫn đến bị Huyền Như chiếm đoạt tiền. Do đó, ACB và Navibank không thể yêu cầu Vietinbank bồi thường.

ACB và Navibank tiếp tục “phản pháo”

Luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ ACB đã phân tích và làm rõ trách nhiệm của Vietinbank đối với 32 hợp đồng và cho rằng hoàn toàn giống với 5 công ty trên, nên về mặt logic của sự việc, tại sao Vietinbank quản lý kém, làm mất tiền của nhân viên ACB, lại không thuộc trách nhiệm của Vietinbank?

“Với cùng một sự việc, với các yếu tố cấu thành tội phạm như nhau, do cùng một chủ thể; xâm phạm cùng một khách thể... thì không thể cho hai kết quả khác nhau, với hai tội danh khác nhau được”, luật sư Tám bức xúc.

Luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ Navibank, cũng chỉ ra những kết luận mà theo ông là mâu thuẫn và nghịch lý, vô lý đến mức Vietinbank đã không phải chịu bồi thường, lại còn được “tặng thêm” hơn 1,8 tỷ đồng.

“Nếu cứ theo ý kiến của VKS đối với Navibank, thì bản án phúc thẩm sắp tuyên có nguy cơ phải chấp nhận nghịch lý chặt đôi giữa ngọn và gốc của một sự việc, chia đôi một nhóm nạn nhân, tách đôi một sự thật, xẻ đôi một bản chất vấn đề, chẻ đôi một điều luật, để thành 2 phán quyết hoàn toàn trái ngược nhau”, luật sư Đức nói.

Hôm nay, Tòa tiếp tục làm việc.

MỚI - NÓNG