Vụ kiện Công ty Hàng không: Đề nghị thay chủ tọa vì cho rằng thiếu khách quan

Vụ kiện Công ty Hàng không: Đề nghị thay chủ tọa vì cho rằng thiếu khách quan
TP - Chiều 30/6, TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét đơn chống án của Công ty cổ phần cung ứng và xuất nhập khẩu hàng không. Ngay phần thủ tục, phía bị đơn đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa vì cho rằng có dấu hiệu thiếu khách quan.

Ngay khi khai tòa, bị đơn (Công ty cổ phần cung ứng và xuất nhập khẩu hàng không, viết tắt là Công ty Hàng không) tiếp tục đề nghị thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa bởi xuất hiện dấu hiệu không khách quan. Theo đại diện Công ty Hàng không, ngay khi kết thúc phiên sơ thẩm (do TAND quận Long Biên thụ lý), vị chủ tọa phiên tòa hôm đó đã nêu đích danh họ tên của thẩm phán sẽ ngồi ghế chủ tọa trong phiên phúc thẩm. Và, tại phiên phúc thẩm, lời tuyên bố đó đã thành hiện thực. “Với sự trùng hợp này, chúng tôi nhận thấy không có dấu hiệu khách quan của chủ tọa phiên tòa” - đại diện bị đơn lên tiếng.

Trước tình huống này, hội đồng xét xử (HĐXX) đã tham khảo ý kiến các luật sư, đại diện cơ quan viện kiểm sát và lui lại phía hậu trường để hội ý. Sau đó, cho rằng đề nghị và lý do của bị đơn đã được Chánh án TAND TP Hà Nội trả lời “không chấp thuận” việc đổi thẩm phán, do đó, phiên xử vẫn được tiếp tục. Ngay lúc này, luật sư Trần Hồng Phúc (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp) cho bị đơn lên tiếng: “Tôi yêu cầu HĐXX làm rõ thời điểm gửi đơn đề nghị. Nếu trước khi phiên xử mở ra, thẩm quyền xem xét sẽ thuộc về chánh án. Còn nếu tại phiên tòa, sẽ do HĐXX quyết định”. Được biết, lá đơn đề nghị thay đổi thẩm phán được gửi đến Tòa án vào sáng 30/6 (chiều cùng ngày, phiên phúc thẩm khai tòa).

Bắt đầu xét xử, chủ tọa phiên tòa tóm tắt nội dung bản án sơ thẩm. Theo đó, nguyên đơn được xác định là ông Vũ Hải Phong (ở phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nội dung khởi kiện thể hiện, ngày 21/12/2009, Công ty Hàng không ký hợp đồng cung ứng lao động với Công ty Global Horizons Canada. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Hàng không mời gọi các nhà đầu tư tài chính trong nước góp vốn để thực hiện hợp đồng. Ngày 10/8/2010, ông Phong đồng ý ký hợp đồng với Công ty Hàng không, đồng ý đầu tư 300.000 USD để đặt cọc bảo lãnh hợp đồng cho đối tác, cho đơn hàng tuyển dụng 200 lao động Việt Nam đi làm việc tại Israel. Tuy nhiên, sau đó ông Phong cho rằng hợp đồng hợp tác nói trên vi phạm điều cấm của pháp luật về điều khoản thanh toán, đồng thời khởi kiện ra TAND quận Long Biên đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu. Và ngày 14/8/2014, TAND quận Long Biên mở tòa, tuyên bố hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính trên là vô hiệu, yêu cầu Công ty Hàng không phải hoàn trả lại ông Phong hơn 5,7 tỷ đồng.

Không chấp thuận phán quyết trên, Công ty Hàng không làm đơn chống án, cho rằng bản hợp đồng với ông Phong vẫn đang được thực hiện và đúng pháp luật.

Dự kiến chiều nay (1/7), Tòa tuyên án.

Bị rối loạn tiền đình vẫn xử bình thường

Cũng trong phần thủ tục, đại diện Công ty Hàng không đề nghị hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe. “Tôi bị rối loạn tiền đình rất nghiêm trọng, đang phải nhập viện để điều trị. Hôm nay tôi cố gắng đến phiên tòa xin được hoãn xử“ - bị đơn trình bày trước HĐXX. Trước tình huống này, một lần nữa, các thẩm phán buộc phải dừng tòa để hội ý tại chỗ. Sau ít phút, lý do “rối loạn tiền đình” đã không được chấp thuận dù bị đơn đã xuất trình được tài liệu liên quan đến nội dung này.

MỚI - NÓNG