Xác định lại giới tính: Dự thảo luật chưa rõ ràng

Dù đã chuyển giới, song, về luật pháp “nữ” ca sỹ này vẫn “chuẩn men” 100%
Dù đã chuyển giới, song, về luật pháp “nữ” ca sỹ này vẫn “chuẩn men” 100%
TP - Công tác lập pháp đã có một bước ngoặt rõ rệt khi thể hiện câu chuyện chuyển đổi giới tính trong dự thảo luật. Tuy nhiên, do quy định còn quá chung chung, hoặc chưa phù hợp, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.

Cha mẹ có quyền chuyển giới con: Không thuyết phục

Dự luật Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa hoàn thành quy trình lấy ý kiến người dân, chuẩn bị trình cơ quan quyền lực cao nhất thông qua. Có rất nhiều điểm mới, tiến bộ được ghi nhận, đặc biệt, lần đầu tiên dự luật đã đưa câu chuyện nhạy cảm “chuyển giới” vào hệ thống luật pháp. Nhưng, do còn quy định quá chung chung, hoặc còn những thuật ngữ gây khó hiểu, hoặc chưa hợp lý, từ đó đã tạo ra những ý kiến trái chiều.

Theo luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội), tại khoản 2, Điều 38 dự luật quy định, cha mẹ có quyền quyết định chuyển giới cho con là bất hợp lý. “Ngay nhiều giao dịch, trẻ em từ 9 tuổi trở lên đã phải hỏi ý kiến trước khi quyết định, đằng này, giới tính là một việc hệ trọng, không thể quy định ẩu, dẫn đến những hệ lụy không đáng có”. Luật sư Nga phân tích, luật không nên cho phép cha mẹ tác động đến tương lai các con mình quá thô bạo. Giả thiết, từ nhỏ, đứa con đó đã bị chuyển giới, sau khi lớn lên, sự thật được công bố, có nguy cơ đứa con sẽ hận cha mẹ suốt đời.

Cùng bàn về câu chuyện chuyển giới, luật sư Hà Đăng (Hà Nội) lại quan tâm đến việc sử dụng thuật ngữ. Theo ông Đăng, văn bản luật luôn phải đảm bảo các yếu tố, như phổ thông, trong sáng, dễ hiểu, hiểu một nghĩa, nhưng ngay ở tên điều luật “Quyền xác định lại giới tính” đã cho thấy không thật sự rõ ràng. “Đọc cụm từ “xác định lại giới tính”, hẳn ai cũng sẽ nghĩ, đó là những người đã có giới tính rõ ràng, sau đó thay đổi, xác định lại. Tuy vậy, bản chất ở điều luật này, chính là việc thể chế hóa vào luật các trường hợp liên giới tính (sinh ra đã có khiếm khuyết, không thể xác định chính xác giới tính thực). Vậy nên, thuật ngữ chuẩn phải là “quyền xác định giới tính”, như thế mới tránh được những rắc rối sau này” - luật sư Đăng góp ý.

Chỉ nên thừa nhận ở góc độ y học?

Liên quan đến điều luật “Xác định lại giới tính”, theo phân tích của các chuyên gia pháp lý, cần làm rõ việc giới tính của họ thuộc yếu tố “bẩm sinh” hay “tự phát” để có những chế định phù hợp. Riêng ở góc độ luật học, chỉ nên thừa nhận xác định lại giới tính đối với các trường hợp vốn sinh ra đã “có vấn đề”. “Theo tôi được biết, hiện có rất nhiều người đã rất rõ ràng về giới tính, nhưng khi trưởng thành, họ lại chuyển giới. Về mặt xã hội, đó là quyền của họ, nhưng với các nhà làm luật, tôi chỉ ủng hộ phương án thừa nhận những người xác định lại giới tính khi có kết luận của các cơ quan y tế có thẩm quyền” – luật sư Hằng Nga trao đổi.

Bàn thêm về câu chuyện thuật ngữ, luật sư Hà Đăng cho hay, cần hiểu rõ khái niệm “xác định lại giới tính” và “chuyển giới”. Riêng chuyển giới, nên quy định cụ thể ở một điều luật khác, và cũng cần cân nhắc, bởi đó là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, trên thế giới cũng chỉ trên dưới 30 quốc gia cho phép. “Dù việc chuyển giới là quyền con người, họ có thể mang hình hài trong một giới tính khác với giới tính được thừa nhận, nhưng, các nhà làm luật cũng cần quy định cụ thể các trường hợp được phép chuyển giới, bởi kéo theo đó là cả một hệ thống pháp luật điều chỉnh, cũng như các câu chuyện liên quan, như việc làm, y tế, an sinh xã hội... Thậm chí, như các quy định tại hệ thống phòng giam, giữ cho các phạm nhân cũng đang hết sức vướng mắc” – luật sư Đăng dẫn chứng.

Quay lại chuyện thực thi chế định nói trên, luật sư Nguyễn Tiến Trung (Giám đốc Công ty luật Trung Nguyễn, Hà Nội) “hiến kế”, việc xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính cần quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho việc áp dụng. “Nên chăng, sẽ giao cho Chính phủ hoặc Bộ Y tế hướng dẫn những trường hợp cụ thể. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của ngành y cũng cần làm rõ các điều kiện về y, sinh học liên quan đến chuyển đổi giới tính. Qua đó, vừa bảo vệ được quyền của người cần được chuyển đổi giới tính, cũng như bảo đảm được sự minh bạch, công khai trong lĩnh vực này”.

Riêng chuyển giới, nên quy định cụ thể ở một điều luật khác, và cũng cần cân nhắc, bởi đó là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, trên thế giới cũng chỉ trên dưới 30 quốc gia cho phép.

MỚI - NÓNG