Đi săn cá lớn

Đi săn cá lớn
TP - Không phải là ngư dân, những chuyến đi biển của nhiều tay câu trong Câu lạc bộ câu cá 4so9 chỉ để thỏa mãn cho một niềm đam mê duy nhất. Được thả câu, được sống giữa gió biển lồng lộng, sóng ầm ì, những tay câu này cứ cuối tuần lại lên đường.

Chuyến săn cá mập ở Quy Nhơn mà tôi được “đu bám” ngay tuần trước là một ví dụ điển hình.

Chuyến săn cá mập hụt

Ngay sau khi có thông tin cá cắn người tại vùng biển Quy Nhơn, CLB 4so9 trở nên xáo động. Với dân chuyên câu cá biển, chuyện này đúng là “gãi đúng chỗ ngứa”.

Ngay lập tức, một phương án câu cá mập đã được các thành viên chủ chốt của CLB chuẩn bị và lên lịch. Dự kiến, câu được cá mập, số tiền thưởng của thành phố Quy Nhơn dành cho người săn được sẽ dành tặng cho những nạn nhân bị cắn trước đó.

Câu cá mập không phải là bình thường. Vì thế, khâu chuẩn bị phải được chú ý hết sức kỹ lưỡng. Bảy cây cần thuộc dạng “chiến” nhất đã được các cần thủ tuyển chọn và mang theo.

Chiếc cần đắt nhất có giá 6 triệu đồng và rẻ nhất là 2 triệu đồng. Cần, máy, cước mỗi chiếc có thể chịu được sức nặng khoảng 150kg, nghĩa là có thể chịu được trọng lượng của một con cá mập thuộc dạng rất lớn.

Mồi câu cá mập, theo kinh nghiệm phải là cá ngừ. Bởi, chỉ có cá ngừ mới có dòng máu tanh, chảy nhiều và lâu nhất. Dân câu cá mập thường sử dụng phần đầu cá hoặc đuôi cá để làm mồi nhử.

Nhưng, như vậy vẫn chưa đủ để nhử những con cá mập tinh khôn. 60 lít máu mua từ lò mổ trước đó cũng đã được chuẩn bị. Số máu này sẽ được rải xuống biển nhiều đợt để dụ cá mập đến.

Kỹ lưỡng như thế nhưng chưa hết. Có kinh nghiệm từng bôn ba ở nhiều sông, biển, nhưng riêng việc câu cá mập thì với một số thành viên đi chuyến này vẫn chưa nhiều.

Một thành viên được hú gọi cấp tốc là David Huỳnh - biệt danh Mr.Bond, Việt kiều Mỹ, tay săn cá có hạng đã từng đi săn cá ở rất nhiều nơi. Anh từng đặt chân đến Amazon, Alaska, California, Việt Nam…

Riêng cá mập, David Huỳnh đã từng câu những loại cá như Cá mập Mako, Cá mập Thresher… mỗi con khoảng 50kg. Đấy là chưa kể những loại cá khác, có con lên tới 100kg.

Đi tàu từ Sài Gòn đến Quy Nhơn, đoàn đi săn cá dữ hội quân với hai thành viên khác ở ngay tại Quy Nhơn và lập tức lên hai chiếc ghe thuê sẵn của ngư dân. Máu động vật được rải xuống biển, cá ngừ được móc vào cần, các cần thủ đã sẵn sàng cho những phút vật lộn cùng cá mập.

Nhưng chỉ khoảng ba tiếng sau khi đến vùng biển cá dữ vừa cắn người, sóng gió lập tức nổi lên. Biển động vì áp thấp nhiệt đới. Đoàn câu buộc phải đưa ghe cập vào đảo Hải Minh, nơi sinh sống của rất nhiều ngư dân, để tránh gió. Thời tiết quá khắc nghiệt, việc săn tìm cá mập khó như lên trời.

Dự kiến khoảng 3 giờ sáng, nếu biển lặng, hai chiếc ghe sẽ tiếp tục lên đường.  Nhưng sóng gió ngày càng dữ, chỉ đến sáng hôm sau, đoàn câu mới có thể ra khơi.

Nhưng cũng như ngày đầu tiên, biển tiếp tục gào thét. Cuộc đi săn cá mập cắn người buộc phải dừng lại đột ngột trong niềm tiếc nuối vô hạn định cùng lời dặn đi dặn lại với ngư dân: “Chỉ cần biển êm, gọi chúng tôi, là chúng tôi có mặt”.

Đi săn cá lớn ảnh 1
Chuẩn bị đồ săn đi câu

Bỏ hết vì đam mê

Có thể nói hiện nay, CLB 4so9 là CLB câu cá lớn nhất và chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam. Thành viên của CLB hiện nay lên đến khoảng 4000 cần thủ (họ tự gọi nhau như thế), đến từ mọi miền trong cả nước và cả Việt kiều nhiều nước trên thế giới.

Xem website của CLB trên mạng mới biết được thú câu cá có thể làm mê hoặc rất nhiều người, đủ mọi thành phần. Việc bỏ lại tất cả, vượt đường xa chỉ để đi săn cá mập của các thành viên CLB là đủ chứng tỏ niềm đam mê này lớn đến chừng nào.

CLB 4so9 không chỉ chuyên về câu cá đại dương. Vẫn có những nhóm câu khác đi các kênh rạch, sông suối… Nhưng những chuyến đi câu ở biển mới là những chuyến đi câu gây ấn tượng nhất.

Trong nhóm đi săn cá mập vừa qua, những thành viên trong đoàn đều là những tay câu có hạng và đam mê có hạng. Trước khi đến với biển Quy Nhơn, họ đã trải qua những ngày đi câu khó quên ở đảo Lý Nhơn (Cần Giờ), Côn Đảo, Hà Tiên, Phú Quý…

Cứ nghe ở đâu có điều kiện để săn cá lớn, họ lại bỏ công đi máy bay, bắt xe đò, nhảy tàu đến nơi cho bằng được.

Trong khi đó, công việc mưu sinh của mỗi người vẫn bận túi bụi. Anh Quốc Cường là chuyên viên tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, anh Hải làm ở VNPT, anh G.Cường là giám đốc một công ty TNHH mới thành lập… Những chuyến đi như thế này, có khi phải sắp xếp công việc cả tháng để theo đuổi đam mê.

Câu cá đại dương, cũng phải theo con nước, cơn gió, làn mây. Và trên hết, phải có đủ kiên nhẫn để chờ đến lúc “được mùa”. Anh em 4so9 kể lại chuyện đi câu ở Phú Quý (Bình Thuận) mới thấy thật đúng với cụm từ “đeo bám” của dân cần thủ.

“Trong một chuyến câu khơi, 8 ngày đầu có ngày chỉ câu được 2-3 con cá thu, ngày 7-8 con. Đến ngày thứ 9, trời trở gió, cá thu mới bắt đầu ăn từ sáng sớm mãi đến chiều tà. Cá ăn dầy, ăn 2-3 cần một lúc, ăn đủ kiểu. Chưa kịp so dây là cá đã táp liền và ăn cả ngay sau lái. Có khi một lần cá ăn cả 4 cần,  hai cần cá xoắn nhau làm cả hai mất cá. Lúc này chủ tàu nói nếu ném xuống cục chì thì cá cũng ăn!”.

Đứng giữa đại dương câu cá, thật không có lời nào diễn tả nổi cảm xúc. Câu cá cũng có lúc có lúc không, lúc nhiều lúc ít. Nhưng thả cần giữa biển khi mặt trời lên, rình nhử cá, kéo cá từ độ sâu trên dưới 50m lên tàu, thả cước vờn cá… mới là cảm giác đích thực người đi câu tìm đến.

Anh Quốc Cường kể lại về buổi đi câu cá Côn Đảo nhớ đời lần đầu tiên: “Chúng tôi mải say câu đến nỗi quên cả ăn trưa, quần với bọn cá đáy mệt lử mới chịu buông cần, nhìn mâm cơm anh em trên tàu dọn ra mà ai cũng thấy phấn chấn. Phải công nhận: Thời gian chờ đợi người yêu thì một phút cũng lâu, còn thời gian đi câu sao mà nhanh đến thế”.

Cứ nghe ở đâu có điều kiện để săn cá lớn, họ lại bỏ công đi máy bay, bắt xe đò, nhảy tàu đến nơi cho bằng được. Trong khi đó, công việc mưu sinh của mỗi người vẫn bận túi bụi.
MỚI - NÓNG