Những cuộc vượt ngục “vuốt râu hùm”

Những cuộc vượt ngục “vuốt râu hùm”
Để được trở về với Đảng, để tiếp tục được hoạt động cách mạng, có người đã trèo tường, người chui xuống cống ngầm... vượt ngục. Thậm chí, có người còn liều lĩnh ăn mặc giả làm dân thường để vượt ngục. 
Những cuộc vượt ngục “vuốt râu hùm” ảnh 1
Ngày 31/8/2005, đồng chí đỗ Mười thắp hương trước đài tưởng niệm các chiến sỹ cộng sản đã hy sinh ở Hỏa Lò

Mới 17 tuổi đã bị thực dân Pháp đưa vào xà lim án chém, Tạ Quốc Bảo trở thành tù chính trị trẻ nhất tại nhà giam Hỏa Lò những năm 40 của thế kỷ trước. Anh bị bắt vì đã rải truyền đơn ở Cổ Loa - Đông Anh kêu gọi người dân theo Việt Minh chống Pháp.

Sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, Tạ Quốc Bảo đi theo cách mạng như một lẽ tự nhiên. Ở cùng xà lim với Bảo có những người tù mà tên tuổi đã đi vào lịch sử  như Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thụ.

Nhà tù Hỏa Lò lúc bấy giờ cũng là nơi giam giữ rất nhiều nhà hoạt động cách mạng trung kiên: Lê Tất Đắc – Thường vụ xứ ủy Trung Kỳ, Tô Quang Đẩu – Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, Đỗ Mười, sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng...

Nhưng ngay trong “địa ngục giữa đô thị” này, trên nền xà lim tối tăm đã ngời lên ánh sáng của tri thức và lý tưởng khi các chiến sỹ cách mạng biến nhà tù thành trường học.

Học chủ nghĩa Mác– Lê nin, học tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp do những tù nhân như Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Lê Tất Đắc, Bùi Lâm... giảng dạy. Trường học ấy đã thưa vắng thầy và trò khi  Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/ 1945 để rồi sau đó  diễn ra cuộc vượt ngục lịch sử tại Hỏa Lò.

Tối 9/3, tiếng súng đồng loạt vang lên tại nhiều địa điểm Hà Nội. Nhật đảo chính Pháp. Nghe tiếng súng, Tạ Quốc Bảo đánh liều trèo lên cửa sổ nhìn ra ngoài (bình thường, hành động này sẽ bị lính gác bắn chết).

Qua song sắt, Bảo thấy một sỹ quan Nhật đeo kiếm dài cùng tốp lính đang đi vào Hỏa Lò. Anh em tù chính trị lúc đó đã nhanh chóng thống nhất: Không được manh động. Nếu manh động rất dễ bị quân Pháp thủ tiêu và đổ cho quân Nhật hoặc ngược lại. 

Thế rồi, một hình ảnh xưa nay chưa từng có đã diễn ra trước mắt các tù nhân: Lính Nhật áp giải chánh, phó giám thị Hỏa Lò và nhân viên cùng các bà đầm vào buồng giam bên cạnh. Những  hung thần của Hỏa Lò bỗng chốc thay đổi thân phận và phải “nếm mùi” tù ngục. 

Chắc vì mới tiếp quản Hỏa Lò, còn lơ ngơ hay sao mà lính Nhật “quên” không cho tù chính trị ăn uống gì. Đói quá, anh em tù chính trị đã đòi ra để nấu cơm.

Khi được lính Nhật cho phép, nhiều người bỏ áo tù chính trị, mặc áo tù thường phạm, một số nấu cơm còn một số tìm cách vượt ngục. Chuyện vượt ngục ở Hỏa Lò – điều tưởng như không thể nhưng đã có tiền lệ.

Ấy là đêm mùa đông giá lạnh 24 tháng 12 năm 1932 nhân dịp lễ Noel, 7 người tù cộng sản tại Hỏa Lò – trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng- đã uống nước nóng và tự đấm vào cho mặt sưng to, giả vờ bị bệnh quai bị.

Lính Pháp rất sợ bệnh này nên vội vàng đẩy 7 người tù cộng sản ra nhà thương Phủ Doãn gần đó chữa bệnh. Khi ra đến nhà thương Phủ Doãn, lợi dụng lính canh sơ hở, họ đã trốn thoát.

Mười ba năm sau, vào thời điểm đêm trước của Cách mạng Tháng Tám, một số người tù cộng sản lại chọn một cách vượt ngục khác hết sức mạo hiểm: trèo qua tường. Tường rào của Hỏa Lò rất cao, bên trên chăng dây thép gai và dây điện, chỉ cần chạm khẽ vào sẽ bị điện giật chết ngay.

Đó là chưa kể 4 góc Hỏa Lò còn có 4 cái lô cốt, lính canh suốt ngày đêm, thấy động là sẵn sàng nhả đạn. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, một số tù chính trị đã dùng chăn chiên được phát, xé ra, rồi ép lên dây điện và dây thép gai để vượt tường ra ngoài.

Thêm 7 người đã vượt ngục thành công bằng cách ấy, trong đó có các đồng chí Trần Đăng Ninh, Lê Tất Đắc, Vũ Kỳ...  Khi lính canh phát hiện ra, họ đã cao chạy xa bay.

Trong lúc đang tức giận lồng lộn thì quân Nhật bỗng thấy trên tường rào Hỏa Lò có một nữ tù nhân chính trị đang tìm cách nhảy xuống để thoát ra ngoài. Đó là Bùi Kim Nhạn - một cô gái hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ, bị Pháp bắt và kết án 20 năm tù.

Lính canh đã định dùng lưỡi lê đâm Nhạn nhưng không được vì cô vẫn đang ở trên tường. Đợi khi chúng  dừng tay, chị Hoàng Thị Ái đã nhỏ nhẹ xin tha cho bạn.

Chị Trương Thị Mỹ – một nữ tù chính trị khác – lúc bấy giờ đã nghĩ  ra một cách vượt ngục giống như “vuốt râu hùm”. Chị nhắn người nhà khi đưa đồ tiếp tế nhớ mang theo một bộ quần áo thường dân cho mình. Lúc người nhà đưa đồ vào, chị thay luôn quần áo phủ ra bên ngoài bộ đồ tù nhân rồi ngang nhiên đi ra mà lính canh không hề hay biết.

Những cuộc vượt ngục “vuốt râu hùm” ảnh 2

Lính Nhật không có kinh nghiệm quản lý trại tù nên ngay sau đó đã để xảy ra một cuộc vượt ngục lớn chưa từng có trong lịch sử Hỏa Lò với những tình tiết nghe như tiểu thuyết.   

Đã ngoài tuổi thất thập mà giọng nói của ông Tạ Quốc Bảo vẫn còn sang sảng và ký ức về cuộc vượt ngục Hỏa Lò cứ tươi rói như mới vừa diễn ra hôm qua: “Anh Vân, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, có đứa cháu bị giam tại trại di (trại giam trẻ con) ở Hỏa Lò.

Khi một số tù nhân vào đó thì phát hiện ra một miệng cống. Buổi tối, 4 người tù giữ bốn góc chăn chiên giả vờ bắt rận nhưng thực ra để che miệng cống để 2 người khác có thân hình bé nhỏ chui xuống thám thính.

2 người kia đi trong lòng cống một lúc đã nhìn thấy có tia sáng đèn điện và nghe tiếng động cơ ôtô trên đường. 7 giờ tối ngày 11 tháng 3 năm 1945 cuộc vượt ngục qua đường cống ngầm đã diễn ra”.

Các tù nhân chia làm nhiều tốp, chui xuống cống ngầm, cứ lần theo đó mà đi. Cống ngầm Hà Nội là một hệ thống chằng chịt như thiên la địa võng, mà thông thuộc nhất chắc chỉ có... loài chuột. Những người tù đi trong hệ thống cống ngầm tối đen như mực đó, chẳng biết đâu là điểm dừng, khi nhìn thấy chút ánh sáng le lói  trên đầu, mới đẩy nắp cống chui lên, ngỡ ngàng không biết mình đang ở tận đâu. Có người lại chui ngay lên đường Lý Thường Kiệt - cách  nơi mình vừa bị giam cầm có mấy bước chân.

Đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư sau này nhớ lại: “Phát hiện ra miệng cống, chúng tôi chui xuống, người nhỏ đi trước, người to đi sau. Tôi cứ theo đường cống mà đi, ra tận gần bờ sông Hồng nay là đường Trần Quang Khải”.

Hơn 100 chiến sỹ cộng sản đã vược ngục Hỏa Lò thành công bằng đường cống ngầm trở về với nhân dân và kịp thời móc nối liên lạc với Đảng. Họ trở thành những nhân tố quan trọng tham gia và lãnh đạo khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Gần như tất cả những nhà lãnh đạo của Đảng đều đã kinh qua, đã nếm trải sự hà khắc dã man của hệ thống nhà tù đế quốc, trong đó Hỏa Lò “địa ngục giữa đô thị” được xem như một cái lò  rèn luyện, thử thách khí tiết cách mạng...

Thoắt cái đã 60 năm kể từ mùa thu lịch sử ấy. Hôm nay đây, di tích lịch sử Hỏa Lò vốn trầm lắng bỗng trở nên rộn rã với cờ hoa và biểu ngữ. Tại cuộc “Gặp mặt giao lưu các nhân chứng lịch sử tiêu biểu của nhà lao Hỏa Lò và một số nhà tù khác trong cả nước”, diễn ra vào chiều 31/8/2005, người ta thấy những người đã từng bị giam cầm trong “địa ngục giữa đô thị”  đến đây từ rất sớm như đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Hoàng Tùng, đồng chí Nguyễn Văn Trân...

Từ Hỏa Lò nhìn lên bầu trời thu trong vắt không một gợn mây bỗng thấy vương vướng cái tòa cao ốc cao chót vót mang tên Hà Nội Tower. 

Hỏa Lò bây giờ vẫn còn lưu giữ được cái máy chém khủng khiếp đã từng hành quyết lãnh tụ Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học và nhà cách mạng kiên trung khác, vẫn còn đó những buồng giam, với gông cùm và dụng cụ tra tấn hết sức tàn bạo.

Nhưng đối với ông Tạ Quốc Bảo, nơi này đã thiếu đi một thứ cực kỳ thân thiết. Đó là một cây bàng. Cây bàng đó, đối với những người tù Hỏa Lò, còn hơn cả một người bạn thân, nó như ân nhân...

Tấm bảng của di tích lịch sử Hỏa Lò còn ghi: “Từ năm 1930 đến 1954, tù nhân khu vực giam tù chính trị dùng hạt bàng bồi bổ sức khỏe, dùng vỏ bàng lá bàng non chữa kiết lỵ, ỉa chảy, rửa vết thương, vết loét, dùng cành bàng, làm quản bút, cán tẩu thuốc...

Bên gốc bàng tù chính trị thường trao đổi biện pháp chống địch giam cầm khắc nghiệt, đàn áp dã man”. Đối với ông Tạ Quốc Bảo, kỷ niệm với cây bàng lịch sử ấy còn là một đêm giao thừa, anh em tù chặt cành bàng trang trí giả làm cành đào, khi chánh giám thị Hỏa Lò vào chúc tết cũng phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nó.

Rồi ngày giặc Pháp xử tử đồng chí Hoàng Văn Thụ ở pháp trường, các tù chính trị đã dứng dưới gốc bàng làm lễ truy điệu...”.

“Ân tình kể biết mấy mươi”, vậy nên khi nghe tin một trong hai cây bàng sẽ bị chặt để xây khách sạn, ông Bảo và nhiều cựu tù Hỏa Lò đã tìm cách cứu nhưng cuối cùng thì một cây đã phải hy sinh.

Ông già Tạ Quốc Bảo đã ôm lấy cây bàng và khóc. Có lẽ ai đã từng ở Hỏa Lò mới giải mã được những giọt nước mắt đó. Cụ bàng còn lại đã bớt lẻ loi hơn. Đồng chí Lê Khả Phiêu lúc ấy là Tổng Bí thư về thăm Hỏa Lò đã trồng một cây bàng non để bây giờ bóng đã rợp cả khoảng sân của khu di tích.

MỚI - NÓNG