Hệ lụy đường ngang

Đường sắt sát tận hiên nhà Ảnh: Đ.T
Đường sắt sát tận hiên nhà Ảnh: Đ.T
TP - Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại giống như con rết với tua tủa chân là đường ngang. Trung bình cả nước cứ khoảng 500m đường sắt có 1 đường bộ cắt ngang, 90% tai nạn đường sắt liên quan đến đường ngang; có đoạn, đường sắt chạy lên cả vỉa hè...

>> Kỳ 3: Ám ảnh ánh mắt người sắp chết

Đường sắt sát tận hiên nhà Ảnh: Đ.T
Đường sắt sát tận hiên nhà. Ảnh: Đ.T.

Xây dựng trụ sở đòi mở đường ngang

Vụ tai nạn xe ô tô chở đám ăn hỏi xảy ra năm ngoái tại Thường Tín (Hà Nội) rơi đúng vào đoạn đường ngang tự động cảnh báo. Trước hôm xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, những thiết bị tự động cảnh báo đó đã bị một xe ô tô đâm hỏng.

“Tuy nhiên, dù có hỏng thiết bị cảnh báo, một khi điều khiển xe tới đoạn giao cắt với đường sắt, nếu không thấy người gác chắn, tài xế phải dừng xe để xuống quan sát. Thấy an toàn mới được điều khiển xe đi qua”, Trưởng ban An toàn Đường sắt (Tổng Cty Đường sắt Việt Nam) Phạm Văn Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết, cả nước vẫn còn 4.572 đường ngang mở bất hợp pháp (đường dân sinh do người dân hoặc địa phương tự mở...), 1.451 đường ngang hợp pháp (623 có gác chắn, 302 có thiết bị cảnh báo tự động, 526 có biển báo). Tuy có gần 1.500 đường ngang hợp pháp nhưng 92% trong số này vẫn chưa phù hợp về an toàn (như góc cắt giữa đường sắt-đường bộ lớn hơn 45 độ, độ dốc không quá 6%...). Như vậy, có thể thấy gần như toàn bộ (hơn 6.000) đường ngang đều tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.

Ông Bình ví von: “Có nhiều đoạn, đường sắt chạy lên vỉa hè, sân nhà. Bởi vì đường sắt chạy tới đâu, người dân xây nhà sát theo tới đó. Ngay như ở Hà Nội, đoạn đường sắt từ Ngọc Hồi, Thường Tín và Văn Điển, bình quân cứ 40m lại có 1 đường ngang. Chiều dài đường sắt cả nước khoảng 3.000 km nhưng trung bình 500m lại có 1 đường ngang”.

Lý giải về việc xuất hiện quá nhiều đường ngang, một quan chức Tổng Cty Đường sắt Việt Nam chia sẻ: “Do lịch sử để lại; đường sắt chịu sức ép của nhu cầu phát triển, nhất là những đoạn chạy qua khu dân cư; nhận thức của người dân...”.

Nhưng, có những đường ngang được mở rất kỳ cục như: Chính quyền xã xây dựng trụ sở hoặc nhà văn hóa cứ đòi mở ngay đường ngang để đi cho tiện. Do đó, việc một người dân được cấp đất làm nhà gần đường sắt tự mở đường ngang không mấy lạ lẫm. Một hình ảnh quen thuộc lâu nay ở Hà Nội (đoạn gần ga): Người dân vô tư sinh hoạt ngay trên đường sắt vì đường sắt chạy sát cửa nhà.

Người ta không khó để nhìn thấy tuyến đường sắt già nua mà còn thấy rõ nó lạc hậu và tiềm ẩn đầy sự nguy hiểm. Không thể phủ nhận Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc nâng cấp mạng lưới đường sắt nhưng đó chỉ như sự chắp vá. Những chuyến tàu đã nhanh hơn về tốc độ, sang hơn về nội thất nhưng các lái tàu vẫn thường trực nỗi lo thảm họa đường ngay trước mặt.

90% tai nạn đường sắt liên quan tới đường ngang

Trưởng ban An toàn Đường sắt Phạm Văn Bình nói: “Ở Hà Nội có tới 1.100 đường ngang. Tổng Cty được Nhà nước giao quản lý đường sắt nhưng lại không có chức năng xử phạt những trường hợp vi phạm. Việc này chỉ có cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mới giải quyết nổi. Tuy nhiên, có thời gian dài, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí không hiểu đường ngang có liên quan tới an toàn giao thông...”.

Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho biết, tai nạn giao thông liên quan tới đường ngang từ đầu năm tới ngày 10-6-2010 chiếm 214 vụ trong tổng số 238 vụ. Năm 2009, những tai nạn liên quan cũng chiếm 90% trong tổng số 594 vụ.

Có những vụ tai nạn xảy ra mà phóng viên Tiền Phong được chứng kiến khi nạn nhân được chuyển vào Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội): Cầm cành đào đứng quá gần đường sắt lúc tàu hỏa chạy qua, bị kéo lê bất tỉnh; những trường hợp xe ô tô quay đầu tại nơi giao cắt đường sắt-đường bộ hoặc bị chết máy giữa chừng...

Tất nhiên, người dân đều mong mỗi một đường ngang đều có người gác chắn. Xa hơn, đường sắt không còn giao cắt đồng mức (trên một mặt phẳng) với đường bộ. Nhưng, hiện tại kể cả Tổng Cty Đường sắt Việt Nam có nhiều tiền cũng khó có thể rải cán bộ trực hết các đoạn đường ngang. Bởi vì, hiện nay, mỗi một điểm gác chắn thông thường có đến 10 người, cá biệt có nơi như đoạn ngã tư Đại Cồ Việt (gần khách sạn Kim Liên-Hà Nội) phải cần tới 40 người để canh gác mỗi khi có tàu.

“Cả nước có 1.451 đoạn đường ngang hợp pháp, mỗi đoạn có 10 người thay nhau gác chắn, tổng số người làm công tác này đã là kỷ lục. So sánh với Trung Quốc, 90.000 km đường sắt nhưng năm 2008 chỉ có 13 vụ tai nạn, 2009 có 9 tháng an toàn tuyệt đối. Trong khi Việt Nam, 3.000 km đường sắt, 1 năm có khoảng 600 vụ tai nạn. Nếu tính theo kilômét, tai nạn đường sắt Việt Nam cao gấp 1.400 so với Trung Quốc. Điều khác biệt giữa đường sắt hai nước là Trung Quốc gần như không có đường ngang”, ông Bình thông tin.

Gần đây, một lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết sẽ có khoảng 4.000 tỷ đồng để đến năm 2020 xây 103 cầu vượt những đoạn đường sắt giao cắt đồng mức với đường bộ. Từ giờ đến khi đường sắt tươm hơn, các lái tàu xem ra còn phải tốn nhiều cốc chén ném cảnh báo, số lượng linh hồn phiêu dạt trên đường ray hằng đêm chắc sẽ tăng thêm.

MỚI - NÓNG