'Barie sống' giữa đường ngang

Kiểm tra lại nhật trình lúc tàu chưa về
Kiểm tra lại nhật trình lúc tàu chưa về
TP - Có một thời, hễ nhắc đến đường ngang xóm Gióng, thành phố Huế, nhiều người giật mình liên tưởng ngay một điểm đen chết chóc, vì không năm nào nơi đây không có người bị nạn hoặc chết thảm dưới những bánh sắt vô tình của tàu lửa.

Rồi từ lúc một người đàn ông trung niên quê xa nguyện đến làm 'barie sống' trên đường ngang, không còn nghe ai nhắc những chết chóc thương tâm nơi này.

Kiểm tra lại nhật trình lúc tàu chưa về
Kiểm tra lại nhật trình lúc tàu chưa về .


Lặng lẽ

12 giờ trưa, trong cái nóng hè như chảo rang miền Trung luôn chạm ngưỡng 39-40 độ C, duy chỉ có người đàn ông còm nhom mặc thường phục, da sạm, đầu sùm sụp mũ vải vẫn phơi mình giữa nắng gắt, mắt hướng về phía xa dọc theo đường sắt kiên nhẫn ngóng chờ. Có tiếng tu tu từ xa vọng lại. Người đàn ông bỗng tất tả miệng còi, tay cờ ngăn dòng người, xe đang cố băng qua đường sắt. Một vài người lạ vẫn lao xe sấn tới hùng hổ như chực gây sự.

Đoàn tàu vút đi trong chốc lát. Tôi lân la đến hỏi chuyện khi người gác đường chưa rời tay cờ. Ông ra hiệu tôi đến chỗ bóng râm chờ, vì còn bận giúp nốt một chị dân buôn đẩy chiếc xe máy chở hai bao tải đầy hàng khó nhọc băng ngang đường sắt.

“Chú tìm tui?”, người đàn ông hỏi gọn lỏn bằng giọng Nam. Nghe mục đích, ông xua tay sàn sạt: “Nhà báo hả, công việc bình thường thôi, có gì đâu mà lên đài lên báo?”. Nói xong, ông giở sổ cập nhật hành trình giờ tàu qua xóm Gióng, tập giấy ngả màu với chi chít số liệu ngày giờ, kèm số hiệu của các đoàn tàu, số điện thoại của nhà ga, gác chắn gần đó.

Tôi vẫn ngồi lì hồi lâu bên ông. “Thôi được, chú muốn hỏi gì tui nói. Lẹ lên, ba mươi phút nữa là có một chuyến tàu khác đến”, ông đổi ý. Tôi thấy ông ngồ ngộ, ngay cả cái tên cũng lạ, Bạch Như Hoa. Ông Hoa quê tận Nha Trang, 52 tuổi. Năm 2002, ông Hoa cùng vợ con ra Huế sống trọ tại xóm Gióng, thuộc phường An Tây. Vợ buôn thúng bán mẹt, còn ông làm đủ nghề kiếm sống từ xây dựng, bảo vệ quán ăn, sau đó là bơm lốp, vá xe dạo.

Về sống trọ xóm Gióng vài năm, ông Hoa không ít lần chứng kiến những cái chết thịt nát xương tan dưới những bánh sắt vô tình ở đoạn đường dân sinh vắt qua đường sắt. Ông trăn trở rồi quyết định thôi đi vá xe mà chuyển sang làm barie sống để mong đem lại bình yên cho những ai qua lại điểm đen chết chóc này.

Giữa năm 2008, Ban An toàn Giao thông tỉnh TT- Huế có một khoản chi phí hỗ trợ ông Hoa gác đường mỗi tháng 900.000 đồng. Trụ cột gia đình, ông miễn cưỡng nhận tiền vì còn lo trang trải thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền thuốc thang cho người vợ hay đau ốm. Đầu năm 2009, khoản hỗ trợ không còn, ông vẫn từ sớm đến khuya tay cờ, tay còi ra đứng đường canh tàu. Cảm thông phận khó, dân xóm Gióng phần đông là lao động nghèo đến tháng lại quyên tiền, mỗi hộ vài ba nghìn đồng giúp ông Hoa chút trà nước, thuốc lá, cơm bụi, đèn dầu lúc đêm hôm canh đường.

Vừa kể chuyện, mắt ông Hoa sập tối khi nhìn ra những bát nhang, khám thờ đặt nhan nhản ở gần điểm giao cắt đường sắt và đường ngang. “Dân ủng hộ công việc của mình là quý lắm rồi, chỉ mong ai qua lại đây đều được bình yên lành lặn, mong không có thêm những bát nhang hiu hắt nắng mưa như ngoài kia nữa”, ông Hoa trải lòng sau vài phút lặng im.

“Gác chắn sống” thầm lặng. Ảnh: Ngọc Văn
“Gác chắn sống” thầm lặng. Ảnh: Ngọc Văn.


Liều thân cứu người

Ông Hoa liếc nhìn đồng hồ, tay nắn lại chiếc cờ hiệu rồi kể tiếp chuyện suýt dính đòn người say cách đây chưa lâu. Hôm đó khoảng 20 giờ 30 tối, đang canh đoàn tàu S7, bỗng ba thanh niên đi trên một xe máy lảo đảo định băng ngang đường sắt bất chấp hiệu lệnh. Ông Hoa cố cản, ba thanh niên vẫn rồ ga, nẹt pô cho xe lao tới. Không còn cách nào khác, ông Hoa nhảy lên trước đầu xe, ráng hết sức chụp tay lái vặn ra phía sau. Bị mất thăng bằng, phần vì đã say xỉn, ba thanh niên đổ kềnh, chiếc xe tuột xuống chân kè đường sắt, vừa lúc đoàn tàu ào ào chạy qua.

“Cứu người là việc thường xuyên khi gác đường ở đây. Lắm người sơ ý băng qua, nhưng cũng có trường hợp ra đường sắt để tìm cái chết”, ông Hoa tâm sự.

Đó là hôm ông Hoa phát hiện một cô gái mới tầm mười tám đôi mươi mặt mày ủ rũ ra đường sắt ngồi một mình hồi lâu. Linh tính điều bất thường, ông luôn để mắt đến cô gái. Nhiều đoàn tàu đi qua. Thêm một đoàn tàu nữa, nhìn quanh không thấy ai, cô gái băng ra giữa đường sắt. Lúc này, ông Hoa kịp lao ra túm cô gái kéo khỏi lòng đường sắt…

Nỗi niềm

Đang nghe ông Hoa kể chuyện, chúng tôi gặp thêm các anh Lê Bá, Nguyễn Tấn Ánh - Tổ trưởng và bảo vệ dân phố xóm Gióng. “Nhờ có anh Hoa mà vùng này không còn thảm cảnh chết chóc, tai nạn. Tuy nhiên, nhìn anh gác đường trong điều kiện quá thiếu thốn, dân xóm tui cũng áy náy lắm”, anh Bá bộc bạch.

“Đường ngang có từ hơn nửa thế kỷ, là lối ra Quốc lộ 1A của gần 1.000 lượt người mỗi ngày, không riêng dân phường An Tây (Huế) mà cả phường Thủy Dương của thị xã Hương Thủy, rồi hơn 500 học sinh, sinh viên vào ra tá túc trong xóm Gióng từ khi Đại học Huế mở thêm cơ sở đào tạo mới tại đây. Tai nạn thường xuyên, nhưng ngành đường sắt lại quên làm gác chắn sắt hay lắp đèn tín hiệu, chuông cảnh báo. Ngay việc hỗ trợ một bục gác làm nơi trú tránh nắng mưa cho người dân ra canh tàu cũng không có”, anh Nguyễn Tấn Ánh cho biết.

Phía xa, còi tàu lửa lại dồn dập tu tu vọng về. Ông Hoa bật dậy, tiếng xíp lê lại tuýt lên tất bật. Một đoàn tàu nữa lao qua rồi xa dần. Bên đường hun hút, chỉ còn lại bóng người đàn ông bé nhỏ lặng lẽ làm barie sống vì mong ước bình yên rất đỗi dung dị.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.