Thuyền trưởng tàu không số ẩn danh

Thuyền trưởng tàu không số ẩn danh

TP - Trung tá Hoàng Hữu (ngõ 69, Chợ Con, Hải Phòng) đã về hưu được 30 năm. Cả phố không ai biết trong ngõ nhỏ này có một thuyền trưởng tàu không số từng 6 lần cùng đồng đội đưa những con tàu chở khí tài, vượt hàng ngàn hải lý giữa sóng gió trùng khơi, trước sự canh phòng, săn lùng, truy đuổi ráo riết của kẻ thù để vào Nam an toàn góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tàu không số - Ảnh tư liệu
Tàu không số - Ảnh tư liệu.

Những chuyến đi để đời

Năm 1953, Hoàng Hữu là lính của Sư đoàn 304 tham gia chiến dịch Thượng Lào, Hạ Lào. Năm 1955, ông trong đoàn 100 học viên sang học Hải quân ở Trung Quốc, môn pháo bờ biển. Năm 1964, Hoàng Hữu chuyển về Đồ Sơn, tập huấn chính trị, nghiệp vụ và là thuyền phó tàu 154 - một loại tàu 100 tấn vỏ sắt hai đáy do xưởng 3 Hải quân đóng để thực hiện nhiệm vụ vận tải hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Ông là một trong hàng ngàn cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vận tải tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển những ngày đánh Mỹ.

Ông Hoàng Hữu kể: “Nói là tàu không số nhưng thực ra lắm khi lại có nhiều số, đoạn này không số, đoạn sau có số, bên trái một số, bên phải một số... Để đảm bảo bí mật, tàu cũng mang bí danh và tất cả cán bộ, chiến sỹ trên tàu cũng đều mang bí danh. Tàu có cấu tạo hai đáy, ra tới hải phận quốc tế, tàu trở thành tàu ngư dân đánh cá.

Trên tàu gài hết kíp nổ với 4 hệ thống phá nổ tàu tùy tình hình cụ thể để bảo toàn tính mạng cán bộ chiến sỹ cũng như bí mật phương tiện vũ khí đạn dược. Về phía địch có các trạm ra đa quét Đà Nẵng, Năm Căn, Cà Mau, Côn Đảo. Máy bay, tàu chiến các loại đêm ngày tuần tiễu, máy bay trực thăng có lúc bay thấp chỉ cách tàu 2 chục mét, khiêu khích dọa dẫm...”.

Ông Hoàng Hữu kể chuyến vượt biển đầu tiên khởi hành đầu đông năm 1964, chuyến tàu mang tên “Nguyễn Văn Trỗi”. Chuyến này gồm 2 tàu 154 và 167 của Đoàn vận tải B. Tàu khởi hành lúc 1 giờ đêm, lấy “hàng” ở bến Bính Đồng, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Sau đó tàu ra Bãi Cháy, hiệu chỉnh thành “tàu không số”. Thời điểm đó chưa có tên gọi đường Hồ Chí Minh trên biển. Trên tàu có 42 cán bộ chiến sỹ, anh Đinh Đạt là thuyền trưởng người Quảng Ngãi (đã hy sinh), điện tín viên Nguyễn Văn Đức người Bến Tre và thuyền phó số 2 là Đỗ Bé người miền Nam sau là Cảng trưởng cảng Ba Son.

Chuyến đó chở các loại vũ khí như tiểu liên, súng trường và tên lửa bộ binh… tất cả được giấu dưới đáy tàu thứ nhất. Đáy tàu thứ hai dùng ngư lưới cụ ngụy trang súng 12,7, ĐKZ, bom chìm, khói mù để sẵn sàng chiến đấu. Tất cả cán bộ chiến sỹ đều bận bộ đồ bà ba. Tàu xóa hết dấu vết, giống hệt một tàu đánh cá. Tàu qua một cảng của Trung Quốc tiếp thêm dầu và lấy thêm lương thực. Sau đó đi ra hải phận quốc tế và lênh đênh 14 ngày trên biển. Gần như cả tàu say sóng. Riêng Hoàng Hữu không say.

Nhiều lần gặp tàu địch nhưng chúng đều bị “lừa” là tàu cá. Lần đó tàu cập vào bến giữa Trà Vinh và Bến Tre. Từ chỉ huy đến chiến sỹ đều mừng rơi nước mắt, không chỉ vì 100 tấn vũ khí đạn dược đã lên bờ trót lọt mà đã tìm ra lộ trình trên biển tiền đề cho những chuyến hàng sau. Khi trở về, để đủ tải, tàu chở dừa nước. Về đến Thủy Nguyên, không dám cho dân vì sợ lộ hành tung, nửa đêm đem dừa quả chôn xuống bãi sông. Bây giờ những nơi đó đã trở thành rừng dừa là thế!

Chuyến thứ hai khởi hành đầu năm 1965, vào Cà Mau. Nhiều lần tàu địch áp mạn soi mói, các “ngư dân” trên tàu cũng sẵn sàng quyết tử cùng với con tàu nhưng rất may địch không phát hiện được gì nên chuyến này cũng trót lọt 100 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường.

Chuyến thứ ba xuất phát 10-1965, vào Năm Căn. Có chở đặc công nước đi cùng. Điều đặc biệt của chuyến đi này là mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên giao của tàu không số được chia thành nhiều nấc, mỗi nấc là một phương án tác chiến. Đơn cử, giao hàng xong, về an toàn là hoàn thành 100%, giao hàng an toàn nhưng không ra được là hoàn thành 50%. Và còn một nấc nữa, vào nhưng không cập bến phải thả hàng ngoài bãi cũng là đạt yêu cầu.

Như lần thứ ba này, tàu của bác Hoàng Hữu cùng đồng đội khi cách bờ 20 hải lý, trên đầu máy bay địch quần đảo, trên biển thì tàu chiến địch vây ráp, tàu cố tránh để vào điểm giao hàng nhưng cuối cùng phải thực hiện phương án thả hàng khi cách bờ 7 hải lý. Chuyến ấy tàu thả gần hết 100 tấn vũ khí đạn dược. Ngay đêm đó tổ đặc công nước đi trên tàu đã ở lại cùng với lực lượng địa phương lặn xuống mò phao chuyển hàng lên thuyền đưa vũ khí đạn dược vào bờ.

Chuyến thứ tư khởi hành đầu năm 1966, bác Hữu đã là thuyền trưởng. Lần này, tàu chở hàng loại mới. Vẫn đi theo lộ trình cũ. Tình hình mỗi ngày mỗi khó khăn nguy hiểm hơn. Phía địch có 4 trạm ra đa quét gần như kín mặt biển. Chuyến này bên cạnh vũ khí, tàu còn chở các tướng lĩnh quân đội vào chiến trường. Tàu đóng cửa kéo bảy tám lớp vải che để chống cả tia la-de. Còn duy nhất một cửa tròn nhỏ để thuyền trưởng chỉ huy.

Có những lúc trên hải phận quốc tế, hai tàu địch ép hai mạn sườn, thậm chí gọi đúng tên người trên tàu, nhưng bên ta cứ phớt lờ. Trên tàu gài hết kíp nổ cùng với 4 hệ thống phá, sẵn sàng xóa mọi dấu vết khi tình hình xấu xảy ra. Khoảng nửa đêm tàu đã cập vào khu vực Bến Tre, đưa an toàn số cán bộ cao cấp và vũ khí đạn dược vào đúng nơi quy định. Theo trung tá cựu binh Hoàng Hữu thì chuyến đi này nhiệm vụ nặng nề nhất và cũng thành công nhất!

Cựu binh Hoàng Hữu. Ảnh: Q.H
Cựu binh Hoàng Hữu. Ảnh: Q.H.


Và những chuyến tàu cao tốc bất ngờ

Chuyến thứ 5 xuất phát vào tháng 4-1968, lần này đi bằng tàu nhỏ nhanh, lộ trình sát bờ, chở từ 7 tấn hàng do thuyền trưởng trực tiếp lái. Lần này, “hàng” chủ yếu là tên lửa bộ binh, thuốc nổ sức công phá rất lớn. Đội hình có 2 tàu do Hoàng Hữu làm phân đội trưởng kiêm thuyền trưởng, còn tàu số 2 do thuyền trưởng Võ Đán lái. Lái tàu này đòi hỏi có sức khỏe rất tốt. Tàu chạy với tốc độ trên 100 hải lý/giờ, cột nước cao tới 25 m, lân tinh trắng xóa. Nên chỉ một đêm, 15 giờ chiều ăn cơm, 18 giờ tàu ở Long Châu, 23 giờ tàu đã “bay” đến Đà Nẵng chỗ Cù lao Chàm vào, giao hàng xong ra ngay, sáng đã về tới căn cứ Đồ Sơn.

Sau một đêm bay trên biển, người khỏe như bác Hữu mà vẫn mệt rã rời, lên bờ tưởng như không bước đi được nữa. Những chuyến vận tải kiểu “đặc công” như thế, đã đáp ứng kịp thời vũ khí đặc biệt cho chiến trường góp phần tạo nên những cơn “bão lửa” dội xuống căn cứ Chu Lai, Đà Nẵng, sân bay Nước mặn khiến đối phương hoàn toàn bất ngờ.

Chuyến thứ 6 đi vào cuối năm 1968, vẫn bằng phương tiện tàu nhỏ nhanh, chuyến này vào Quy Nhơn, vẫn chở tên lửa bộ binh, chất nổ mạnh, tiểu liên, súng ngắn giảm thanh trang bị cho biệt động... Đây cũng là chuyến đi cuối cùng của thuyền trưởng Hoàng Hữu bởi sau đó tình hình thay đổi.

Cựu binh Hoàng Hữu cho biết, không thể kể hết được những nguy hiểm, khó khăn của những người chiến sỹ trên tàu không số. Chính họ đã tạo nên con đường huyền thoại trên biển bằng những sáng tạo, linh hoạt bất ngờ và đã làm nên chiến thắng.

Cựu binh Hoàng Hữu đã nghỉ hưu được hơn 30 năm. Cả phố suốt thời gian dài không ai biết trong ngõ nhỏ này có một thuyền trưởng tàu không số - một thuyền trưởng mưu trí, dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc. Đến thăm gia đình ông, tôi cứ bùi ngùi vì những mất mát của riêng gia đình ông.

Cựu binh Hoàng Hữu âm thầm, lặng lẽ với nỗi đau mà như ông tỏ bày, có thấu gì đâu với nỗi đau một thời của dân tộc. Người anh trai duy nhất của ông đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ và con trai của ông cũng đã hy sinh trên mặt trận K. Cả hai cuộc chiến tranh đã đi qua bao nhiêu năm rồi nhưng đến bây giờ, gia đình vẫn ông chưa tìm được phần mộ những người thân yêu của mình.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.