'Bắt vợ ngọn'

A Lăng Thức và vợ ngọn mới bắt về. Ảnh: Nguyễn Huy
A Lăng Thức và vợ ngọn mới bắt về. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Không giấy đăng ký kết hôn, không cưới hỏi và nhiều hệ lụy bi hài... đang là thực trạng của nhiều sơn nữ Cơ Tu theo kiếp 'bắt vợ ngọn' (làm vợ lẽ) tại bản Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam).
A Lăng Thức và vợ ngọn mới bắt về. Ảnh: Nguyễn Huy
A Lăng Thức và vợ ngọn mới bắt về. Ảnh: Nguyễn Huy.


Trưởng thôn cũng bắt vợ

Cơn mưa chiều bất chợt khiến miền sơn cước thêm mờ sương, hiu hắt. Nhà A Lăng Thức - Trưởng thôn Bút Tưa nằm đầu bản. Hơn 30 tuổi, trưởng thôn có hai con, gương mẫu trong các phong trào sản xuất, xây dựng bản làng. Đùng một cái, tháng bảy vừa rồi, A Lăng Thức lại quyết định bắt vợ ngọn.

“Nó (tục bắt vợ ngọn) truyền đến tôi, chứ tôi sao biết được. Số phận mình nó thế. Trong họ tộc mình, nó truyền đến ai thì người đó phải bắt vợ ngọn về. Đời ông nội tôi cũng có vợ ngọn. Bố tôi thì không nhưng đến tôi lại tiếp tục. Nhà có 5 anh em trai nhưng chỉ có tôi lấy vợ ngọn” - Trưởng thôn Thức giải thích “Vợ ngọn“ (vợ lẽ) - A Lăng Hương kém tôi cả chục tuổi, người cùng thôn. Trong một lần lên nương làm rẫy, hai người phải lòng. Chỉ sau một tuần quen biết, tôi quyết định bắt vợ.

Vợ cũ cũng đồng ý à? - tôi hỏi. “Ban đầu cũng ngần ngừ chứ. Nhưng thuyết phục hai ba lần vợ cũ cũng ưng. Cả hai vợ chồng tôi cùng sang nhà vợ ngọn đặt vấn đề. Sau đó thì cưới, đơn giản thôi, giết con heo, mời bà con trên bản xuống để ăn mừng, thông báo thế là xong. Cũng chẳng cần phải đăng ký kết hôn. Tục lệ nó vậy, mình muốn khác cũng không được” - A Lăng Thức nói. Ngoài hiên, chị A Lăng Hương vẫn còn bẽn lẽn, ngồi xa nhìn chồng và khách lạ.

Đám cưới vợ ngọn của trưởng thôn khiến cả bản bất ngờ. Không riêng A Lăng Thức, ngay trong tháng bảy, anh A Lăng Leo (thôn Bút Tưa) cùng bắt thêm vợ ngọn. Hơn 20 tuổi, Leo lập gia đình riêng được 4 năm. Đang sống yên ổn với vợ đầu - chị A Lăng Thị Mơrát (người cùng thôn), Leo bất ngờ đòi lấy thêm vợ ngọn. Leo chẳng tổ chức rình rang, chỉ làm vài mâm cơm mời hàng xóm, láng giềng rồi “bắt” chị A Lăng Thị Liên (20 tuổi) về làm vợ lẽ. Gia tộc nhà Leo có 3 - 4 đời liên tiếp lấy vợ ngọn.

Chúng tôi tìm đến nhà cụ A Lăng Teng - ông nội của Leo, một trong những gia đình vợ ngọn. Già Teng bảo: “Bản này họ hay gọi là bản hai vợ vì nhiều người lấy thêm vợ lẽ. Đời trước, có thêm 3 - 4 vợ ngọn là chuyện thường. Ngay như đời ông nội tôi, nhiều tiền lắm của nên bắt đến 4 - 5 vợ lẽ. Tôi rồi đến các con, cháu chỉ bắt được 2 vợ thôi. Vì điều kiện khó khăn, không có tiền bắt nhiều vợ”.

Hiện gia đình truyền thống vợ ngọn của A Lăng Teng vẫn sống quây quần giữa bản Bút Tưa. Cách đây gần chục năm, ông A Lăng Đhơi - bố A Lăng Leo cũng lấy vợ ngọn khi con cái đã trưởng thành, lập gia đình.

Sơn nữ Cơ Tu chịu nhiều vất vả với hủ tục vợ ngọn. Ảnh: Nguyễn Huy
Sơn nữ Cơ Tu chịu nhiều vất vả với hủ tục vợ ngọn.
Ảnh: Nguyễn Huy.


Nỗi niềm vợ ngọn

Gần hai tháng có chồng nhưng A Lăng Thị Hương - vợ ngọn của trưởng thôn Thức dường như chưa bắt nhịp được với cuộc sống mới. “Thỉnh thoảng em lại xin về nhà bố mẹ ruột ở vài ba ngày. Anh Thức đến đón thì lại lên. Nhiều lúc vợ cả cũng gọi điện về, kêu em sao có chồng rồi mà không ở nhà chồng. Về nhà thì em cứ thấy dị dị (ngại) với vợ cả” - Hương bộc bạch. Căn phòng của Hương nằm phía mép trái nhà, đối diện là phòng của vợ cả A Lăng Thị Rung (29 tuổi). Anh Thức cười trừ: “Mình thích ngủ đâu cũng được, nhưng cũng phải tế nhị để không làm mất hòa khí gia đình”.

Khi chúng tôi đến, cũng là lúc chị Rung vừa về nhà ngoại để phụ giúp bố mẹ thu hoạch keo. Một mình Hương hết giặt giũ quần áo, tắm giặt cho hai con của anh Thức lại tất bật cơm nước, ăn vội bữa cơm trưa để lên nương rẫy. Hương có vẻ đẹp mặn mà của sơn nữ, và cô tự hào khoe: “Nhiều con trai trong bản theo đuổi em lắm. Vậy mà em chẳng ưa ai, tự nhiên lại quyết lấy ông già hơn mình, có vợ có con”.

Cuộc sống giữa những người vợ cả - vợ ngọn thường vẫn bình yên dưới một mái nhà. Tuy nhiên không ít nét đượm buồn vẫn vương trên khuôn mặt của sơn nữ Bút Tưa. Bởi lẽ, tất cả vợ ngọn đều không được đăng ký kết hôn, không được thừa nhận, coi trọng... “Có chồng mà không được thừa nhận, cứ nghĩ con cái mình sau này sẽ đăng ký khai sinh như thế nào là em lại thấy mình dại dột quá. Có ân hận cũng muộn rồi, đành phải chấp nhận thôi, phận gái mà” - Hương thở dài.

Càng sống lâu đời vợ ngọn, chị A Lăng Thị Dâu - vợ A Lăng Đhơi càng thấu hiểu nỗi cơ cực, vất vả. “Phụ nữ ai chẳng mong một đám cưới trong đời, vậy mà chỉ được làm vợ nhưng chẳng có quyền lợi gì. Họ chỉ đến đưa ché, rượu rồi “bắt về” không tổ chức gì rình rang cả. Ở đây, đất cằn cỗi, thêm người thì thêm khổ chứ chẳng sung sướng gì” - chị Dâu nói. Không ít người chua chát thừa nhận họ được lấy về chỉ để thêm sức lao động trong gia đình. “Các ông chồng lấy cớ mất nhiều tiền của hồi môn nên bắt chúng tôi làm trả nợ. Giờ cứ thấy ai làm vợ ngọn là chúng tôi lại xót lòng nhưng nó vẫn cứ diễn ra” - bà A Lăng Thị P ái ngại.

Dai dẳng hủ tục

Dưới tán rừng xanh thăm thẳm, chạy dọc Bút Tưa bây giờ là con đường bê tông khang trang, kiên cố nhờ chương trình 135. Ít ai ngờ nhiều hủ tục vẫn tồn tại dai dẳng. Già làng A Lăng Văng ái ngại: Ngày trước họ bắt vợ ngọn vì lắm tiền nhiều của. Trước khi bắt vợ, phải thông báo cho cả bản để mọi người cùng biết. Vợ ngọn tượng trưng cho sự giàu sang, khá giả của gia đình... Chứ bây giờ biến tướng hết. Dân bản đua đòi bắt vợ ngọn. Nghèo cũng bắt vợ ngọn.

"Xã sẽ đi kiểm tra, xử lý các trường hợp lấy vợ ngọn tại thôn Bút Tưa. Có thể kiểm điểm trước dân, phạt hành chính và đề nghị cách chức trưởng thôn vi phạm Luật Hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, việc tách hộ các gia đình có vợ ngọn sẽ gặp nhiều khó khăn. Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục này" - Ông Bríu Sơn - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn

Theo già làng Văng, bắt vợ ngọn thực ra chẳng phải là phong tục của người Cơ Tu, mà là hủ tục xuất hiện từ thời phong kiến, Pháp thuộc. Gần đây, người nghèo không có tiền đóng tô thuế nên làm vợ ngọn để lấy của hồi môn cho gia đình. Dù đã tuyên truyền vận động nhưng nạn bắt vợ ngọn vẫn xảy ra. Hầu hết các trường hợp đều lén lút, đến khi chuyện đã rồi cả bản mới biết. Cũng không cần sính lễ gồm vàng bạc, đồ cổ, trâu hoặc lợn.

Anh A Lăng Thứ - anh trai của A Lăng Thức kể: “Ngày nó tổ chức giết lợn, cả nhà mới biết nó lấy vợ ngọn. Ngăn cản cũng muộn rồi. Nhiều trường hợp còn lấy lý do chúng ăn nằm với nhau nên không được ngăn cản lấy vợ ngọn.

Chủ tịch UBND xã Sông Kôn Bríu Sơn, thừa nhận: Chuyện bắt vợ ngọn vẫn còn tồn tại ở một số địa bàn, đặc biệt tại bản Bút Tưa. Tập tục đòi của hồi môn tuy giảm nhưng chưa đáng kể. Nhiều khi họ lén lút bắt vợ nên chính quyền không kịp can thiệp.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.