Di tích bị lãng quên: Ai giữ gìn, ai thương tiếc?

Cụ Nguyễn Nghĩa bên lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu
Cụ Nguyễn Nghĩa bên lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu
TP - Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Quảng Nam, tỉnh hiện có hơn 70 di tích đứng trước nguy cơ trở thành phế tích, 34 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Bao năm nay, trả lời cho câu hỏi: Ai giữ gìn, ai thương tiếc, di sản của tiền nhân cũng chỉ là những cố gắng trên văn bản giấy tờ.

 >> Kỳ 2: Ớn lạnh ở Phật viện Đồng Dương

Trưởng thôn Nguyễn Văn Thành với những viên gạch cổ sót lại ở chùa Vua
Trưởng thôn Nguyễn Văn Thành với những viên gạch cổ sót lại ở chùa Vua .

Nỗi niềm ông trưởng thôn

Anh Nguyễn Văn Thành - Trưởng thôn Chiêm Sơn (Duy Xuyên) nói với tôi rằng, đã viếng lăng mộ Đoàn Quý Phi mà không viếng lăng mộ mẹ chồng bà, tức lăng mộ mẫu hậu chúa Nguyễn Phúc Loan - bà Mạc Thị Giai, tức Hiếu Văn Hoàng hậu là một thiếu sót, mà viếng lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu không thể không đi qua chùa Vua hay lăng Bà - một trong 7 di tích ở Chiêm Sơn đã được công nhận và đưa vào diện bảo vệ.

Anh Thành cho hay, hiện có khoảng 15 hộ dân Chiêm Sơn đang sinh sống trên đất chùa Vua, hay còn gọi là vườn Vua. Giữa vùng trũng Chiêm Sơn, xung quanh là những cánh đồng ngập nước, một khu gò nổi cao, dựa lưng vào núi đá, nơi ấy là chùa Vua. Bước lên mấy chục bậc tam cấp, tôi như lạc hẳn vào những khu nhà được bao bọc bởi cây cối rậm rạp um tùm.

Anh Thành kể rằng, những hộ dân ở đây đã được cấp giấy sử dụng đất từ thời giải phóng. Nhưng đây là đất di tích, nên họ đang phấp phỏng chờ ngày được dời đi. Khi đào móng làm nhà trên đất chùa Vua, người dân phát hiện cơ man nào là đá, gạch cổ được cho là từ thời Chămpa.

“Sau này, chẳng ai biết dưới đất chùa Vua là cái gì. Gạch đào lên được, loại tốt nguyên viên dân bán cả. Kể cũng lạ, nhiều nhóm người ở đâu không biết, cứ nghe tin dân đào được gạch là đến mua, mỗi viên như thế bán được hơn trăm ngàn” - anh Thành nói.

Chị S. - một người dân đang sinh sống trên đất chùa Vua nói rằng chị cũng như nhiều người dân ở đây đều muốn được dời đi, nhưng ngặt nỗi không có đất tái định cư nên đành chịu.

Tôi đã tìm gặp cụ Nguyễn Nghĩa, người mấy chục năm nay bảo vệ, hương khói tại khu lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu. Cũng giống như lăng mộ con dâu bà là Đoàn Quý Phi, nếu không nhờ tấm bảng án ngữ trước hai trụ cổng đã rêu phong phủ dày, có lẽ ít ai ngờ rằng, đây lại là một di tích.

Tấm bia ghi: Lăng bà Mạc Thị Giai - Hiếu Văn Hoàng hậu (1578 - 1630), di tích lịch sử đã được đăng ký bảo vệ theo QĐ số 1549/QĐ - UB, ký ngày 15-8-1997 của UBND tỉnh Quảng Nam. Nghiêm cấm mọi hành vi phá hoại di tích. Phòng văn hóa thông tin huyện Duy Xuyên. Bia này được lập và gắn tháng 9-1998.

Tôi viếng lăng Hiếu Văn Hoàng hậu vào buổi trưa, khi cụ Nghĩa (77 tuổi) đang lúi húi dọn dẹp. Trước khi tới lăng, anh Thành trưởng thôn nói đi nói lại rằng, nếu không nhờ có cụ Nghĩa dọn dẹp và bảo vệ thì giờ đây, lăng Hiếu Văn Hoàng hậu đã thành phế tích từ lâu.

Cụ Nghĩa ngừng tay, thủng thẳng: Có chi nữa mà tham quan với cả du lịch. Lần nào lễ hội, người ta cũng ra rả rằng quần thể di tích ở Chiêm Sơn chính là điểm nhấn trong hành trình di sản lên Mỹ Sơn. Điểm nhấn như các ông ấy nói mà quan tâm kiểu này thì có ma nào ghé thăm. Du khách lên thánh địa Mỹ Sơn, ngồi xe phóng vèo từ Hội An, Đà Nẵng hoặc Tam Kỳ… lên ngó nghiêng đền tháp. Ít ai được kể cho nghe Chiêm Sơn phát tích ra làm sao, bao lăng tẩm hoàng hậu, công chúa, bao vương triều lừng lẫy rồi phôi phai thế nào.

Cụ Nguyễn Nghĩa bên lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu
Cụ Nguyễn Nghĩa bên lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu . Ảnh: Nam Cường

Anh Thành nói: Đầu tư được cho những di tích ở Chiêm Sơn, rồi kết nối với Mỹ Sơn, đó không phải là ý tưởng hay hay sao. Mà những di tích ở đây đều chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, những huyền thoại.

Cụ Nghĩa dẫn tôi đi khắp bốn phía lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu, tịnh không tham gia câu chuyện kinh phí trùng tu gì đó giữa tôi và anh Thành.

Cụ thong thả kể: Cách đây 8 năm, một sáng sớm thức dậy, cụ thấy trong người khang khác. Hoảng hốt chạy ra mộ bà, mới hay bọn đào mộ đã vào tận trong lăng. Chúng đào hầm xuyên đất, dẫn vào nơi chôn cất. Cụ hô gọi người nhà, chúng mới bỏ chạy. May mà chưa động đến nơi huyệt mộ.

“Lăng mộ bà giờ chỉ còn nhiêu đó, chiến tranh bom đạn đã cày xới hết. Nếu không nhanh chóng trùng tu, không sửa chữa thì e rằng mấy năm nữa thôi, nơi đây chẳng còn hình dạng. Mà chẳng riêng gì mộ bà Mạc Thị Giai, ở Chiêm Sơn này còn có mộ Đoàn Quý Phi, Gò Lồi, Gò Gạch, Triền Tranh, chùa Vua hay dinh bà Chiêm Sơn. Có lẽ sắp biến mất đến nơi rồi” - cụ Nghĩa nói.

12 năm và 12 triệu đồng

Cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam thống kê cho thấy có 74 di tích sắp trở thành phế tích và 34 di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong quãng thời gian 12 năm (1997 - 2009) tỉnh trích ngân sách... 12 triệu đồng gọi là trùng tu di tích, nhưng số tiền này chỉ đủ để chống mối mọt cho nhà cổ của ông Nguyễn Nho Phán ở Điện Bàn (cũng là một di tích). Câu trả lời cho việc này là: thiếu kinh phí.

Ông Lê Trung Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói, UBND huyện cũng nhiều lần đề nghị tỉnh cấp kinh phí để tu tạo sửa chữa. Mới đây nhất là công văn hồi tháng 4, nhưng bao năm rồi vẫn vậy.

Đề án tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh 2011 - 2020 hiện đã nằm trên bàn chủ tịch UBND tỉnh, nếu HĐND thông qua, sang năm mới chúng tôi sẽ có cơ chế tài chính cho việc trùng tu di tích. Riêng năm 2011 sẽ có 2 tỷ đồng. Hy vọng là được thông qua.

Ông Phan Văn Cẩm - GĐ Trung tâm Quản lý di tích - danh thắng tỉnh Quảng Nam 

Nghe tôi nói câu chuyện 12 triệu đồng trong vòng 12 năm để trùng tu di tích, ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích - danh thắng tỉnh Quảng Nam nói: Báo chí hiểu nhầm rồi. 12 triệu đồng đó là nguồn ngân sách của tỉnh, chứ tiền trùng tu di tích 12 năm qua là 87 triệu đồng, tất nhiên từ nhiều nguồn khác nhau.

Về số phận của Phật viện Đồng Dương, ông Cẩm cho rằng phục dựng là không thể. Giờ chỉ có để đó rồi làm dự án khai quật khảo cổ học.

“Mà nói thật, tầm chúng ta chưa làm nổi, không có tiền đã đành, nếu có đổ vào đó bao nhiêu triệu đô cũng chưa chắc làm được gì. Dưới chân tháp Đồng Dương là cả một phật viện vĩ đại, chứa bao nhiêu giá trị văn hóa mà chưa ai lường nổi. Di tích cấp quốc gia, tỉnh chịu trách nhiệm. Di tích cấp tỉnh thì huyện phải có trách nhiệm quản lý, tôn tạo. Ngặt một nỗi là chưa có cơ chế tài chính cho trùng tu di tích” - ông Cẩm nói.

Cơ chế không cho phép, thiếu kinh phí... và đâu đó nữa sự quên lãng của người đời đang khiến hàng chục di tích ở Quảng Nam biến thành phế tích.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 256 di tích cấp tỉnh và 49 di tích cấp quốc gia. Trong đó 4 di tích cấp quốc gia đang bị xâm hại; 121 di tích cấp tỉnh cần tu bổ cấp thiết, gồm 32 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 89 di tích hiện là phế tích hoặc không còn dấu vết. 
MỚI - NÓNG
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
TPO - Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng sau kỳ nghỉ lễ. Không còn kỳ vọng giao dịch bùng nổ từ việc vận hành hệ thống mới, thực tế KRX thêm lần lỡ hẹn gây thất vọng với thị trường. Trong khi đó, nhóm ngành điện, bất động sản khu công nghiệp bất ngờ giao dịch tích cực.
Bản tin Hình sự: Hai nữ nhân viên tham ô tiền tỷ của công ty để tiêu xài, trả nợ
Bản tin Hình sự: Hai nữ nhân viên tham ô tiền tỷ của công ty để tiêu xài, trả nợ
TPO - TIN NÓNG ngày 2/5: Kẻ cướp giật vé số bị người dân tóm gọn vì nhặt chiếc dép đánh rơi; Bộ Công an yêu cầu cung cấp thông tin tài sản của nhiều cựu quan chức tỉnh Bình Thuận; Thêm ba người tung tin giả 'Đà Lạt có biến' bị công an mời lên làm việc; Hai nữ nhân viên tham ô tiền tỷ của công ty để tiêu xài, trả nợ...