Chuyện chàng 'ôm cần quên vợ'

Chuyện chàng 'ôm cần quên vợ'
TP - Tôi vốn là kẻ ham câu. Từ nhỏ đã đắm đuối mẩu phao lông gà nhấp nháy rồi nổi phềnh mặt nước, con diếc cày tăm, rô ron thun thút… Lớn lên tí chút đi câu cá chép, chạch chấu, cá chày. Và bây giờ, khi cùng anh bạn rong ruổi những ngày câu lưỡi lục, mới thấy chẳng phải ai cũng có thể buông cần mà có cá.
Ảnh: Xuân Phú
Ảnh: Xuân Phú.

Mùa câu, nhớ cá đồng…

Cụ Hoạch, hàng xóm của tôi đã dạy cách câu cá diếc rất tỉ mỉ. Cụ bảo: Câu cá thì phải hiểu cá hiểu nước thì mới thành công. Ngồi trên bờ cũng có thể hình dung cá ở dưới nước thế nào.

Cụ Hoạch cũng hướng dẫn tôi cách làm thính. Ngoài cám rang, nên có thêm mẻ trộn đều lên, vị chua chua của mẻ cá diếc thích lắm. Ở những chỗ có nước chảy, cụ bày cho tôi cách nung hòn gạch non trên bếp lò cho nóng đỏ, thính rang lọc lấy phần mịn nhất rồi hòa ra với nước sau đó đổ vào hòn gạch đang nóng rẫy. Thế là trở thành hòn gạch thơm phức, cứ câu quanh hòn gạch sẽ được nhiều cá…

Nghe lời cụ, bao giờ trước khi câu tôi cũng chuẩn bị rất kỹ. Cần câu cá diếc nhỏ, nhẹ và thường có vút thật dẻo. Lưỡi câu cũng nhỏ, sắc. Phao câu cũng vậy, thường làm bằng lông gà hoặc lông ngỗng. Việc dọn điểm câu và tìm mồi bằng giun đỏ bờ ruộng quả là kỳ công.

Tôi nén chặt thính đã trộn với bùn dẻo, dùng dây câu thòng xuống vị trí đã xác định. Một lúc đã thấy tăm lăn tăn. Tôi khấp khởi mừng. Phao của tôi nhấp nháy đều đều rồi nổi phềnh ngang. Đúng là cách ăn đặc trưng của diếc rồi. Tôi giật nhẹ, một chú diếc nho nhỏ, to hơn hai đầu ngón tay đã mắc câu.

Cá diếc hay ăn theo đàn nên đã có chú cắn thì thế nào cũng còn có nhiều chú khác. Mỗi khi phao nhấp nháy rồi nổi phềnh là trái tim tôi lại hồi hộp phập phồng theo. Khoảng thời gian cá nhùng nhằng dính câu cho đến khi cá diếc trắng lấp lóa dưới cần cũng là những cảm xúc đặc biệt…

Câu cá là một thú chơi mà không phải ai cũng chơi hay, chơi giỏi được. Người ta vẫn ví, cũng giống như đánh cờ tướng, chơi cầu lông, tennis, câu cá cũng phản ánh tính cách và giúp người ta rèn luyện sự kiên nhẫn, lòng dũng cảm cũng như khả năng chớp thời cơ hợp lý 

Tôi lại nhớ lời cụ Hoạch, cùng có cá cắn câu nhưng người biết cách sẽ giật được cá, ngược lại sẽ mất mồi oan. Cá diếc sau khi đã ăn mồi sẽ bơi lên phía trên làm cho phao nổi phềnh. Người câu sẽ kéo cần dứt khoát nhưng không mạnh, giật mà như nhấc cần. Do môi cá rất mảnh nên nếu người câu giật mạnh sẽ làm rách mép cá… Câu cá cũng như ngồi thiền, cần tĩnh tâm để có thể vừa tập trung vừa thư giãn. Tập trung mà không căng cứng, thư giãn mà chẳng lơ là…

Nói về cá rô, anh này phàm ăn lắm. Đã cắn là lôi phao chìm chứ không dấp dính, rỉa mồi như cá cờ, đòng đong. Cá rô có nhiều ở ngoài mương, rạch, cửa cống, trạm bơm. Mùa này tôi thường câu rô bên cửa cống thông ra đầm.

Không như cá diếc mong manh, miệng mấy anh rô rất cứng nên giật mạnh một chút cũng không dễ đứt mép. Kinh nghiệm cho thấy, rút phao thun thút là mấy anh rô ron. Rô già cũng kéo phao dứt khoát nhưng tốc độ không quá nhanh, nhiều khi cứ tưởng cá nhỏ nhưng giật lên mới thấy mở cờ trong bụng.

Nhớ những ngày chưa xa, tháng bảy âm lịch, khi những trận mưa rào đổ xuống, ruộng lúa đang hạn bỗng lại xâm xấp nước, tôi cùng các bạn đem cần ra ruộng câu. Câu rô ở ruộng lúa chỉ nhử như nhử nhái.

Nhiều khi thả được mồi vừa chạm mặt nước là chú rô (chắc tưởng châu chấu rơi xuống) đớp liền, kéo đi roành roạch. Cả một không gian xao động. Thổn thức hồi hộp. Tôi tưởng tượng, dưới mũi cần kia chú rô đang ngậm chặt mồi câu và bắt đầu nhấm nháp.

Tôi nắm chặt cán cần câu hất ngược lên trời. Từ thảm xanh của lúa, ánh mắt tôi theo chiều lưỡi câu hất ngược lên là trời thu xanh ngắt, dìu dịu. Giữa hai khoảng xanh ấy là chú rô vàng rộm, khỏe khoắn, cong mình trên không trung.

Ôm cần quên… vợ

Sau chuyến đi câu lưỡi một với diếc và rô đồng, tôi có dịp đi câu cùng anh Hiệp, một tay câu lưỡi lục ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Về đẳng cấp cần thủ, anh tự nhận ở mức “sạch nước cản”. Thế nhưng đến hồ, nhìn cách ném mồi cũng thấy hơi choáng: Cả ba lần ném đều trúng vào một điểm chỉ bằng lòng trong của cái mâm.

Bó gối, ôm cần
Bó gối, ôm cần . Ảnh: Xuân Phú

Tuy nhiên, với định kiến về lưỡi câu chùm nên tôi chọn điểm, buông cần cũng thờ ơ lắm. Thì cứ chọn đại một góc sâu sâu, ném mồi xuống đó và ngồi ôm cần. Khi nào có chú cá nào đi qua, chẳng may đụng vào dây cước làm cho phao thò thụt thì giật. Đó là suy nghĩ của tôi, kẻ câu lưỡi lục bất đắc dĩ.

Anh Hiệp không nghĩ vậy. Anh nói rằng, câu cá lưỡi lục cũng cần tinh tế, cần nghệ thuật. Cũng cần nghiên cứu khi làm mồi nhử. Cũng cầm kiên nhẫn và biết phán đoán của người buông câu. Cũng cần hiểu được tập tính của cá, đường đi nước bước của cá. Cũng cần trông trời trông đất trông mây…

Tôi không tin câu lưỡi lục lại phức tạp đến thế.

Cùng là câu lục nhưng cũng có nhiều cách câu khác nhau. Có người câu đầu cành, có người câu xa bờ vài ba chục mét, muốn đặt thính, đo nước phải bơi thuyền ra. Phao câu cách vài chục mét, sóng to gió lớn cứ phập phềnh nhưng người câu chuyên nghiệp vẫn phát hiện khi nào cá đè phao để giật. Giật theo hướng nào và dùng lực bao nhiêu cũng là một kỹ năng mà không phải ai cũng làm được.

Lại có những người câu cá theo tăm, nghĩa là không dùng thính để nhử cá vào điểm câu cố định mà di chuyển quanh bờ. Nhìn thấy tăm thì ước đoán đó là tăm cá gì, “hắn” đang di chuyển theo hướng nào để đặt câu chặn đầu. Trong câu lạc bộ của anh Hiệp cũng có những người chuyên câu cá chép, có người lại thích săn trắm đen.

Không giống như câu lưỡi một, câu lục đòi hỏi người câu tập trung cao độ, mắt không rời phao câu. Có những trường hợp chỉ cúi xuống châm thuốc thì phao đã thụt, thò tay xuống cần thì biết rằng cơ hội đã qua. Vì sợ bỏ qua cơ hội giật cá, nên có nhiều cần thủ ôm cần bó gối năm sáu tiếng đồng hồ mà vẫn không biết mệt mỏi.

Có những người ôm cần mấy chục phút không thấy động tĩnh gì là chạy lăng xăng tìm chỗ này, ngó chỗ khác rồi ra về. Nhưng có những người quanh năm chỉ câu một ổ. Cái ổ câu ấy nhiều người kỳ công còn lội xuống, khoét sâu dọn sạch ổ câu của mình. Những ngày mắc bận, không thể đi câu được thì cũng chạy đến giúi cho chủ hồ vài chục để giữ ổ, không cho ai câu vào đó.

Tôi ngồi bó gối mắt hướng về phao. Trời đã sầm sập tối lại lắc rắc mưa. Thời điểm này rất thích hợp để cá đi ăn. Anh Hiệp bảo, ở ao này có 3 con trắm đen, một con đã dính câu cách đây một tuần, nặng 9 kg. Mồi câu của tôi đã thả xuống hồ, dưới cái phao đỏ kia là món khoái khẩu của trắm đen, gồm: ốc đã để chết thối, trứng vịt lộn hỏng và ốc tươi đã được đập giập...

Hai chòi ở cạnh nhau, thấy anh Hiệp giật được cá chép hơn 2 kg, nhìn anh ròng con cá trông mà thích. Cả một góc hồ náo động. Cảnh tượng ấy làm tôi bỗng thấy sốt ruột, bụng dạ nóng ran. Nhớ lời cụ Hoạch, người hàng xóm của tôi thường nhắc nhở: Khi đã xác định điểm câu của mình là đẹp thì hãy kiên nhẫn và chăm chút nó.

Mỗi tháng, để được thỏa mãn thú buông câu anh Hiệp phải bỏ ra cả chục triệu đồng. Mỗi ngày đi câu mất mấy trăm tiền thuê hồ, tiền xăng xe, ăn uống... cộng lại cũng tới gần triệu bạc.

Cả khu phố, trong bán kính ba trăm mét đều là đối tượng chán cá vì... biếu nhiều quá! Có những hồ câu mới khai trương, mua vé 200 đến 300 nghìn đồng để câu một buổi chiều, anh mang về cả bao tải cá. Cá nhiều đến nỗi vợ con phát ngán vì không thể nuốt nổi.

Vợ anh bực mình lắm nhưng chẳng biết đối phó thế nào. Suốt ngày câu kéo chẳng dành thời gian cho vợ con. Làm ra bao nhiêu nướng vào cần câu bằng hết. Mê câu đến nỗi, đợt đi nước ngoài anh mua hàng ngàn mét cước, mấy hộp lưỡi câu, vợ hỏi thì bảo: Hàng khuyến mại giá rẻ nên mua một thể. Thực tình số tiền mua cước, lưỡi câu lên tới sáu trăm đô, nói với vợ quy ra tiền Việt chưa đến sáu trăm nghìn!

Vì giấu vợ nên trong câu lạc bộ, có nhiều người giống anh không dám đem cá về nhà. Cá cho hàng xóm, cho anh em bạn bè, cho người này người khác... vì khi vợ gọi điện, trót nói dối hôm nay làm việc với sếp, không về ăn trưa, ăn tối được.

Câu lạc bộ của anh còn có quy định, các thành viên câu được cá to thì không được đem về nhà. Nghĩa là, bất cứ ai lôi được một con chép năm sáu cân, một con trắm đen mười mấy cân là câu lạc bộ sinh hoạt. Lại bia rượu, lại về muộn, lại bị cằn nhằn và... lại phải nói dối.

Trung, một người bạn nổi tiếng hay trốn vợ đi câu nói rằng: “Sợ nhất là người ta không có đam mê gì cả. Khi anh đam mê, khi anh yêu một cô gái, anh sẽ biết cách sắp xếp thời gian để gặp gỡ cô ấy”. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG