Dò dẫm cứu 'cụ' Rùa

Dò dẫm cứu 'cụ' Rùa
TP - Các chuyên gia về rùa vừa có cuộc gặp khẩn cấp để thảo luận tình trạng bất thường của 'cụ' Rùa hồ Gươm và tìm cách bắt rùa tai đỏ, được xem là “nghi can chính” tấn công 'cụ' Rùa, trong bối cảnh người ta còn biết rất ít về chúng.

>>  Lập tổ công tác bắt rùa tai đỏ Hồ Gươm

 Dù tất cả chỉ là phỏng đoán, mọi ý kiến đều thống nhất phải xử lý rùa tai đỏ lập tức.
Dù tất cả chỉ là phỏng đoán, mọi ý kiến đều thống nhất phải xử lý rùa tai đỏ lập tức.

Cho đến khi xuất hiện vết thù mới trên lưng rùa hồ Gươm những ngày cuối cùng của năm 2010, tại hai cuộc gặp cuối tuần qua, các nhà khoa học đều thừa nhận hầu như chưa biết gì về tập tính của rùa tai đỏ.

Phỏng đoán là chính

Theo PGS.TS Hà Đình Đức, người nhiều năm nghiên cứu rùa hồ Gươm, rất khó xác định lượng rùa tai đỏ có ở hồ Gươm nhưng quần thể rùa này chắc chắn tăng đột biến mấy năm gần đây. Mặt khác, khả năng chúng có thể gây hại đến cụ rùa là “rất rõ ràng”.

“Chúng có thể tranh nguồn thức ăn của cụ Rùa và rất dễ xâm hại những loài nhỏ hơn sống trong hồ. Hình ảnh rùa tai đỏ trên lưng cụ Rùa cho thấy chúng có thể gặm mai cụ vì đấy là loại mai mềm. Vết thương mới không giống với những vết sẹo do lưỡi câu chùm móc trên lưng trước đó. Nếu không có biện pháp giải quyết ngay, chúng sẽ ăn hết tảo, ăn hết màu xanh đặc hữu của hồ Gươm”, ông Đức nói. PGS Đức còn cảnh báo, tất cả thủy vực của Việt Nam rất có thể đều đã có rùa tai đỏ.

Tại cuộc họp bất thường sáng 31-12-2010, do Sở Khoa học&Công nghệ Hà Nội tổ chức, các nhà khoa học trích dẫn thông tin của nước ngoài về mối nguy của rùa tai đỏ đối với hệ sinh thái nước ngọt nhưng chưa đưa ra được bằng chứng nào về tập tính và sự tàn phá của chúng ở Việt Nam.

“Không có bằng chứng tại chỗ về mối nguy thì khó có cơ sở để đưa ra biện pháp hữu hiệu để kiểm soát một loài nào đó”, TS Lê Thanh Lựu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, lưu ý. “Mức độ xâm hại của mỗi loài ở mỗi vùng sinh thái là khác nhau, thậm chí, nó có thể là loài xâm hại ở vùng này nhưng lại không xâm hại ở vùng khác”.

Các nhà khoa học cho rằng, đúng là nếu chỉ dựa vào vết thương trên mình cụ rùa hồ Gươm thì chưa thể xác định đó là do rùa tai đỏ cắn. “Quả tình đó chỉ là giả thiết”, PGS Đức thừa nhận.

Để chứng minh vết thương cụ rùa có phải rùa tai đỏ cắn hay không, theo GS Mai Đình Yên, phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, phải bắt rùa tai đỏ rồi xem răng của chúng có khả năng cắn gây thương tích cho cụ rùa hay không. Thậm chí, có ý kiến cho rằng cần huy động thợ lặn rà soát lại xung quanh Hồ Gươm xem có vật sắc nhọn nào có thể khiến cụ bị thương hay không.

Cho đến thời điểm này, ít nhất có hai người trực tiếp kiểm chứng tập tính của rùa tai đỏ. Đấy là PGS.TS Hà Đình Đức và ông Nguyễn Đình Khôi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thương mại Hà Nội Khanh Anh Trang. Với PGS Đức, sự quan tâm của ông mới dừng ở mức bắt đầu nuôi thử vài con tại nhà cách đây năm năm với ấn tượng “cho gì ăn nấy, từ bắp cải, rau muống, đồ ăn khô, đến lá cây dâm bụt cũng ăn rau ráu”.

Còn ông Khôi khẳng định nuôi rùa tai đỏ từ năm 1993, tức hơn 10 năm trước khi PGS Hà Đình Đức thấy chúng hiện hữu ở hồ Gươm. Ông cho rằng tập tính của rùa tai đỏ không mấy giống với cảnh báo từ tài liệu nước ngoài mà các nhà khoa học Việt Nam trích dẫn.

Chẳng hạn, tư liệu cho thấy rùa tai đỏ khi bé thường ăn thịt, lớn lên ăn cỏ; chúng có thể ăn côn trùng trên cạn, tôm, cua, kể cả động vật có xương sống nhỏ; có thể truyền vi khuẩn salmonella - gây bệnh thương hàn trên người. Tóm lại, chúng nguy hiểm hơn cả ốc bươu vàng hay chuột hải ly.

Trong khi đó, từ những gì tận thấy suốt 17 năm qua, ông Khôi chưa thấy bằng chứng nói rùa tai đỏ ăn các loài tảo đặc hữu ở hồ Gươm, có nguy cơ làm mất màu xanh lục ở hồ Gươm. Ông nuôi chúng ở một khu hồ rộng bốn hecta ở vùng trung tâm Hà Nội cho đến một ngày giữa tháng 8-2010, thời điểm ông đem thiêu hủy gần 1.000 con.

Đặc biệt, ông Khôi phát hiện, rùa tai đỏ trong môi trường ao hồ tự nhiên chỉ tìm ăn thịt thối rữa. Chúng ăn rau bèo và không ăn động vật sống đang bơi. Khi ở môi trường nuôi nhốt để bị đói, chúng có thể ăn thịt lẫn nhau.

Ông Khôi đề nghị, nếu rùa hồ Gươm được xác định bị rùa tai đỏ cắn, nên thả thức ăn khoái khẩu cho rùa tai đỏ ở vị trí phù hợp, để giảm nguy cơ chúng tấn công “cụ Rùa”. Nhưng thả thức ăn gì, bao giờ, ở đâu, những câu hỏi cụ thể ấy chưa nhận được sự trả lời cụ thể từ phía các nhà khoa học. Ngay cả câu hỏi, có thực rùa tai đỏ làm thịt mai cụ rùa hay không, cũng không ai trả lời được ngoài các phỏng đoán.

“Song song với việc đưa cụ rùa lên để điều trị vết thương khẩn cấp, chúng ta vẫn phải tiêu diệt ngay rùa tai đỏ”, PGS Hà Đình Đức đề nghị. (Nguồn: www.virginiaherpetologicalsociety.com )
“Song song với việc đưa cụ rùa lên để điều trị vết thương khẩn cấp,
chúng ta vẫn phải tiêu diệt ngay rùa tai đỏ”, PGS Hà Đình Đức đề nghị.
(Nguồn: www.virginiaherpetologicalsociety.com ).

Vẫn xử lý

Dù tất cả chỉ là phỏng đoán, mọi ý kiến đều thống nhất phải xử lý rùa tai đỏ lập tức trong khi không có bất cứ đề nghị nào về việc khẩn cấp tiến hành nghiên cứu khoa học để bảo tồn cụ rùa, một trong những sinh vật sống đương đại được cho là linh thiêng nhất ở Việt Nam.

Không biết có phải vì thành tích tiếp xúc với rùa tai đỏ lâu năm hay không mà phương án thu gom chúng của ông Khôi nhận được nhiều ủng hộ hơn cả tại cuộc họp lấy ý kiến cuối tuần qua tại Sở Khoa học& Công nghệ Hà Nội theo chỉ đạo ngày 28-12-2010 của UBND TP Hà Nội.

TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học& Công nghệ Hà Nội nói đã gửi báo cáo tới lãnh đạo TP về một số giải pháp loại bỏ rùa tai đỏ tại hồ Gươm, trong đó có giải pháp của ông Khôi, kèm theo dự định thành lập một tổ công tác chuyên lo việc vớt rùa tai đỏ.

Phương án của ông Khôi vượt qua phương án của tất cả các nhà khoa học khác như dùng thuyền thúng bơi ra vớt con nào trót dại nổi lên mặt nước; dùng bẫy nhỏ bắt từng con theo cách người Nhật và Trung Quốc từng làm; thưởng cho bất cứ ai bắt được rùa tai đỏ lên bờ đi kèm xử phạt những hành vi phóng sinh rùa tai đỏ xuống hồ; đặt bẫy câu gần bờ; cho lưới rung, đặt lưới dưới đáy; cấm tiệt nhập rùa tai đỏ vào Việt Nam, bằng cả đường du lịch...

Theo yêu cầu, phương án của ông phải được kiểm chứng trước khi áp dụng chính thức tại hồ Gươm. Chiều 2-1-2011, ông Khôi cùng hai doanh nghiệp nuôi rùa tai đỏ và hai nhà khoa học, PGS.TS Hà Đình Đức và GS.TS Mai Đình Yên, cùng nhau bàn cách thử nghiệm phương pháp của ông trong điều kiện không còn rùa tai đỏ ở đầm Bông để kiểm chứng.

ĐỀ XUẤT CHỮA TRỊ CHO CỤ RÙA

PGS.TS Hà Đình Đức, còn là Thành viên Quốc tế Bảo vệ Động-Thực vật Quý hiếm, lần đầu tiên đề xuất việc khẩn trương đưa rùa hồ Gươm lên để chữa trị.

Theo PGS Đức, có dấu hiệu cho thấy sức khỏe cụ rùa có thể đã suy giảm. Thống kê của ông cho thấy, từ năm 2006 đến nay, số lần cụ rùa nổi năm sau nhiều hơn năm trước. Chẳng hạn, năm 2007 cụ rùa nổi 72 lần, đến năm 2010 cụ nổi 104 lần. Chỉ riêng tháng 12-2010, cụ nổi 23 lần. “Từ năm 1991 đến nay (2010) theo thống kê của tôi, cụ rùa nổi 558 lần”, PGS Hà Đình Đức nói.

Trước việc cụ rùa nổi ngày 31-12-2010 với vết thương trên cổ và lưng, lần đầu tiên PGS Đức đề xuất nên đưa cụ lên để điều trị vết thương, “chứ cứ để tình trạng như thế này thì rất nguy hiểm. Trong 20 năm theo dõi cụ rùa, chưa bao giờ tôi thấy sốc như khi nhìn thấy những hình ảnh cụ bị thương trong mấy ngày qua”, PGS Hà Đình Đức nói. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.