Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên

Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam Ảnh: Tư liệu
TP - LTS: Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đồng chí Hồ Đức Việt, nguyên Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có bài viết về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thanh niên và công tác thanh niên. Báo Tiền Phong trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam. Ảnh: Tư liệu.

Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn của dân tộc và thời đại. Một trong những di sản tinh thần vô giá mà Người để lại cho chúng ta là những tư tưởng chiến lược về chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo, tổ chức, phát huy các tiềm năng to lớn của thanh niên vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Đại hội VII của Đảng đã khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 4 (khóa VII) chỉ rõ rằng phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của tuổi trẻ vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh:

“Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường XHCN hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên” (1).

Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh phải: “Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN” (2).

Từ cách đặt vấn đề như vậy của Đảng và thực tế cuộc sống cho thấy, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhằm bồi dưỡng và phát huy lực lượng thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN.

Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên nói riêng rất rộng lớn và sâu sắc. Trong khuôn khổ bài báo này chỉ xin đề cập một số vấn đề về thanh niên và công tác thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên

Hồ Chí Minh khẳng định vai trò, vị trí, khả năng cách mạng to lớn của thanh niên đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới

Có thể nêu tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí lịch sử của thanh niên như sau: Thanh niên là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước. “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”.

Các giai cấp, các chính đảng ở nhiều nước đều có sự nhìn nhận và đánh giá đối tượng thanh niên trên nhiều mặt. Sự thống nhất chung mà ai cũng dễ dàng nhận ra là quá trình chuyển giao thế hệ, nói nôm na là “tre già măng mọc”. Quy luật tự nhiên này không có sức mạnh ý chí và vật chất nào cưỡng lại được.

Tuy nhiên, không ít người chỉ nhìn thanh niên ở mặt tương lai, ở góc độ là người sẽ đảm nhiệm trọng trách mà lịch sử sẽ giao cho trong tương lai. Hồ Chí Minh có quan điểm nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, khoa học về cả hai mặt hiện tại và tương lai trong vai trò lịch sử của thanh niên.

Theo Hồ Chí Minh, thanh niên là một bộ phận quan trọng trong cộng đồng dân tộc. Họ là người chủ hiện tại của đất nước không chỉ vì họ chiếm khoảng một phần ba dân số, mà chủ yếu vì thanh niên là bộ phận trẻ, khỏe, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, giàu ý chí, nghị lực và ước mơ; vì “Thanh niên là những đội quân xung kích trên các mặt trận” (3).

Hồ Chí Minh coi “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”, “Thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa”, “Thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ”. Và trong mọi công việc, thanh niên là lực lượng có khả năng thực hiện khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm” (4).

Người tổng kết: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ: Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc” (5).

Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, Đảng ta càng nhìn nhận đúng đắn lớp trẻ bao nhiêu thì lớp trẻ càng gắn bó với Đảng bấy nhiêu. Chân lý ấy đã được Hồ Chí Minh thể hiện một cách nhất quán trong quá trình tổ chức, giáo dục và lãnh đạo thanh niên nước ta. 

Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh rằng thanh niên tiêu biểu cho sự phát triển tương lai của đất nước, “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết nguyên đán năm 1946, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (6).

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến lớp trẻ của dân tộc, thấy rõ vai trò to lớn, quyết định của thanh niên trong tiến trình lịch sử và có niềm tin sâu sắc và khả năng cách mạng của họ.

Vì vậy, Người đã dành nhiều thời gian, dồn tâm lực để gieo mầm cách mạng vào các thế hệ thanh niên Việt Nam. Ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ 20, tấm gương hoạt động cách mạng và những bài báo của Hồ Chí Minh đã có sức hấp dẫn rất lớn đối với thanh niên, cổ vũ thanh niên nước ta đứng lên làm cách mạng.

Việc thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” (với hạt nhân là cộng sản Đoàn) để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng cộng sản ở Việt Nam và sáng lập tờ báo cách mạng mang tên “Thanh niên” chứng tỏ Hồ Chí Minh có một tầm nhìn chiến lược, khi Người biết rằng chỉ có thanh niên mới có thể “nắm vai trò là những người châm ngòi lửa đầu tiên cho cách mạng nước ta”.

Hồ Chí Minh cho rằng sự thịnh suy, mạnh yếu của đất nước phần lớn tùy thuộc vào thanh niên, và muốn “hồi sinh” dân tộc, trước hết phải “hồi sinh” thanh niên.

Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, phần phụ lục “Gửi thanh niên Việt Nam”, Người đã tha thiết kêu gọi: “Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của Người không sớm hồi sinh”. Khi tổ quốc lâm nguy, Hồ Chí Minh tin rằng thanh niên sẵn sàng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, và “Trong công cuộc kiến thiết, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các cháu rất nhiều” (7).

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc nhìn nhận, đánh giá vai trò, vị trí và khả năng cách mạng to lớn của thanh niên vẫn là đòi hỏi cấp thiết trong sự nghiệp đổi mới đất nước ngày nay.

Một mặt, Hồ Chí Minh nhận rõ vai trò quyết định của thanh niên trong tiến trình lịch sử; nhận rõ khả năng cách mạng to lớn của thanh niên, hết lòng tin yêu thanh niên. Mặt khác, Người luôn đặt thanh niên trong tư cách là một chủ thể đang phát triển, đang được tiếp tục hoàn thiện.

Điều đó có nghĩa rằng thanh niên nói chung và trong mỗi cá thể nói riêng đều có cả mặt mạnh và mặt yếu, đều đang tiềm ẩn những khả năng to lớn cũng như những mặt hạn chế. Thí dụ, mặt mạnh của thanh niên là “Hăng hái, xung phong”, mặt yếu là “Hay chuộng hình thức, ít xem xét kết quả” hoặc “Đầu voi đuôi chuột” v.v... Hơn thế, Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “Chăm lo dìu dắt thanh niên vì thanh niên chưa từng trải và thiếu kinh nghiệm”.

Nhìn lại quá trình vận động thanh niên ở nước ta từ đầu thế kỷ thứ 20 đến nay, chúng ta có thể thấy nhiều nhà yêu nước có tâm huyết lớn với thanh niên (như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...) phần nào cũng thấy được vai trò quyết định của thanh niên trong tiến trình lịch sử.

Các cụ thường nhắc lại câu nói của người xưa: “Hậu sinh khả úy”. Song do những hạn chế về thế giới quan khoa học, sự nhìn nhận về thanh niên của các cụ dường như chỉ dừng lại ở khái niệm rất chung đó mà chưa đi tới được sự phân tích nào đặc biệt; các cụ mới gửi gắm tâm huyết của mình chứ chưa đi từ sự nhìn nhận vai trò của tuổi trẻ tới việc tổ chức, phát huy một cách có hiệu quả lực lượng thanh nhiên.

Đáng chú ý là cho đến nay cũng còn có người quá đề cao thanh niên theo cảm giác mà không thấy hết mặt yếu, mặt hạn chế của thanh niên. Vào những năm 20 của thế kỷ 20, ở nước ta xuất hiện cái gọi là “Chủ nghĩa thanh niên” trong một số nhà yêu nước. Các ông coi thanh niên như là chủ thể toàn bích, mặt nào trong thanh niên cũng tốt...

Lại cũng có hiện tượng coi thường lớp trẻ; coi thanh niên là “bản sao” của bố mẹ, ép buộc lớp trẻ vào trong khuôn mẫu của lớp cha anh... dẫn đến sự xa cách thanh niên, không hiểu tâm lý, nguyện vọng, khát khao của lớp trẻ... Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê phán những thái độ này, Người dạy: “Không được hẹp hòi, thành kiến với thanh niên, cho rằng trứng khôn hơn vịt”.

Thực tiễn cho thấy quan điểm biện chứng trong việc nhìn nhận, đánh giá thanh niên của Hồ Chí Minh làm cho thanh niên tự tin hơn, đồng thời cũng thấy rõ yêu cầu phải phấn đấu, rèn luyện.

(Còn nữa)

Hồ Đức Việt
Nguyên Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư Đảng, tháng 2-1993, tr82

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG Sự thật, Hà Nội - 2011, trang 243

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6 - NXB Sự thật, Hà Nội 1986, tr.62

(4) (5) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, NXB Hồ Chí Minh, Hà Nội 1980, tr.288, 129

(6) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Sđd., tr.69

(7) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Sđd., tr.61

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).