Lão nông chơi đồ cổ

Ông Lập giới thiệu kho đồ cổ mà ông sưu tập từ đáy sông Thương
Ông Lập giới thiệu kho đồ cổ mà ông sưu tập từ đáy sông Thương
TP - Hơn mười lăm năm nay, lão nông Vũ Lập cứ lang thang dọc bờ sông Thương tìm kiếm những viên đá, những đồ vật cũ... Để rồi bây giờ ông đang sở hữu bộ sưu tập hàng nghìn cổ vật quý giá, có những cổ vật niên đại hàng vạn năm...
Ông Lập giới thiệu kho đồ cổ mà ông sưu tập từ đáy sông Thương
Ông Lập giới thiệu kho đồ cổ mà ông sưu tập từ đáy sông Thương.

Bán lúa non, mua cổ ngọan

Đường vào nhà lão nông Vũ Lập hun hút sâu trong thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn, Yên Thế, Bắc Giang. Mới nửa chiều nhưng ông đã rối rít giục vợ đi bắt gà, nấu cơm đãi khách.

Ông cười khà khà : "Đến đây phải uống với tớ chén rượu. Chả mấy khi có khách ở xa đến thăm, lại cùng là phường đam mê đồ cổ, khoái lắm". Trong lúc đợi vợ làm cơm, ông kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đưa ông đến với thú chơi đồ cổ - thú chơi đã khiến ông mê mẩn đến tận bây giờ.

Sinh năm 1957, đi bộ đội rồi trở về làng, với tính tình sôi nổi, nhiệt huyết, ông Lập được bầu làm chủ nhiệm HTX Liên Sơn, Chủ tịch rồi Bí thư Đảng uỷ xã Đông Sơn. Khi vợ ông mang thai đứa thứ ba, ông đã xin thôi các chức danh lãnh đạo xã về nhà làm ăn, vui thú điền viên.

Ban đầu, ông chơi và mua, bán cây cảnh, gỗ lũa. Rồi để ý thấy những viên đá mang hình thù ngộ nghĩnh, nhẵn thín như đồ vật của người xưa, ông nhặt và mang về. Năm 1995, người trong thôn đào được chiếc mác và chiếc đĩa bằng đồng đã gỉ sét bên bờ sông Thương, ông liền mua. Cũng từ đó ông nghĩ rằng dưới lòng sông Thương kia hẳn còn rất nhiều đồ vật xưa cũ.

Ông lân la các tàu hút cát hỏi mua lại những thứ mà họ vớt được dưới đáy sông. Khi thì chiếc bát, lúc là bình vôi, hôm thì con dao, ngày lại chiếc rìu đá… Cứ thế bộ sưu tập của ông ngày một nhiều thêm, ông được mọi người gần xa biết đến với cái tên Lập đồ cổ. Cứ có người a lô đến báo có hàng là ông lập tức lên đường, dù đang ăn cơm hay đêm hôm khuya khoắt.

Lúc đầu, nhiều người bảo ông gàn dở, thậm chí vợ ông cũng chả mấy vui vẻ. Nhưng khi hiểu được niềm đam mê của ông, bà lại ủng hộ chồng nhiệt tình. "Đã nhiều lần không có tiền chơi cổ vật, tôi phải bán cả lúa non, lợn, gà… đang nuôi để có tiền mua cho bằng được. Ruộng của nhà trước đây có hơn 9 sào cũng bán mất 2 để mua cổ vật đấy chứ" - Ông Lập tâm sự.

Một số đồ đá ông Lập sưu tầm được
Một số đồ đá ông Lập sưu tầm được.

Kho báu đất Yên Thế

Theo tính toán của ông Lập, hiện trong nhà ông đang có hàng nghìn cổ vật với nhiều chủng loại: nồi, niêu, bát đĩa, ấm, chén, bình vôi, giáo, mác, cung tên…, cuốc, thuổng, đinh ba…, tiền cổ của các thời đại. Khắp nhà đều thấy cổ vật, ông làm tủ, treo trên tường, cất trong bao, để dưới gầm giường hay ngoài cửa, lâu lâu ngắm chúng ông cảm thấy tự hào như thể đang lưu giữ hồn cốt của cả thời xa xưa.

Tầng hai nhà ông dù chưa vôi ve gì nhưng cổ vật vẫn được bày trang trọng. Có lẽ đặc biệt quý là những cổ vật thuộc thời kỳ đồ đá. Ông cho biết, hiện nay ông đang có khoảng hơn 100 cổ vật bằng đá ở cả hai giai đoạn đá cũ và đá mới.

Đó là những mảnh tước, rìu đá, dao đá, cuốc đá, bàn mài… mà theo các nhà nghiên cứu, chúng có niên đại đến hàng chục nghìn năm. Bảo tàng tỉnh Bắc Giang ghi nhận, nhiều cổ vật của ông thể hiện rõ nét những đặc trưng của nền văn hoá Bắc Sơn và hậu Bắc Sơn.

Ông tự hào khoe, mấy hôm trước mua được hàng chục chiếc bát thời Trần do người dân trong xã đào được. Tôi hỏi, làm sao để biết đó là bát thời Trần, ông bảo : Đó là loại bát xương trắng, men ngọc, hở lòng, kiến thức ấy cũng là do ông giao lưu nhiều với giới chơi đồ cổ mà biết được.

Ông Vũ Lập sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua đồ cổ, không hề có ý định kinh doanh. Ông sẵn sàng tặng bạn ngay những món đồ ấy nếu bạn là người tâm giao. Ông bảo, nhà nghèo, không có tiền bạc, tặng nhau cổ vật để nhớ nhau.

Ông đã hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng Quân đoàn 2 và nhiều đơn vị khác hàng chục cổ vật quý giá. Hiện nay, ông là Hội viên Hội di sản văn hoá Việt Nam. Trong cuốn sách Di sản văn hoá Bắc Giang - Khảo cổ học, nhiều hiện vật của ông được góp mặt và được đánh giá cao về giá trị lịch sử.

Ước mơ của ông là xây dựng một bảo tàng tư nhân nho nhỏ tại nhà để những người quan tâm cùng chiêm ngưỡng và cũng là điểm giao lưu, học hỏi của những người có cùng niềm đam mê cổ vật. Ông đang nhờ người em lập trang web có tên lapdoco.com: "lên mạng mình có thêm hiểu biết về cổ vật, thêm yêu công việc và có thêm những người bạn cùng sở thích, vui lắm!".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".