Những bữa tiệc 'vàng'

Muốn ngồi phòng vàng ở nhà hàng Long Đình phải thanh toán hoá đơn ít nhất 1.000 USD
Muốn ngồi phòng vàng ở nhà hàng Long Đình phải thanh toán hoá đơn ít nhất 1.000 USD
TP - Trong mùa 'bão giá', 'mức độ' ăn chơi của người giàu không hề giảm. Cận cảnh những bữa tiệc 'vàng' giá hàng nghìn USD, tôi đã sốc vì độ xa hoa vượt xa trí tưởng tượng.

> Sinh viên làm thơ về 'bão giá'
> Hy sinh tăng trưởng để chống lạm phát
> Nửa đêm đi chợ chống 'bão giá'

Muốn ngồi phòng vàng ở nhà hàng Long Đình phải thanh toán hoá đơn ít nhất 1.000 USD
Muốn ngồi phòng vàng ở nhà hàng Long Đình phải thanh toán
hoá đơn ít nhất 1.000 USD .

Bữa ăn nghìn đô dát vàng 24k

Lối đi lên phòng vàng nổi tiếng sang trọng, huyền bí của nhà hàng Long Đình (Hà Nội) được trải thảm. Bước vào phòng, tôi choáng ngợp bởi màu vàng đầy vẻ vua chúa ánh lên từ bức rèm pha lê lộng lẫy, tranh thủy mặc tô điểm thêm không khí hoàng cung, ánh sáng từ bộ đèn chùm giữa phòng tỏa ra dịu nhẹ.

Màu trắng sang trọng của chiếc bàn ăn càng làm nổi bật những cốc chén, thìa dĩa mạ vàng 24K tinh xảo. Muốn được ngồi ăn với cảm giác đế vương ở phòng vàng thì hóa đơn thanh toán phải trên 1.000 USD (chưa bao gồm thuế VAT). Hóa đơn thanh toán 50 - 100 triệu đồng cho một bàn dăm thực khách VIP với “một bữa no” ở Long Đình trở thành chuyện thường ngày.

Bảng giá trên thực đơn ghi, một bát súp khai vị tổ yến gạch cua có giá 46 USD, súp tổ yến thịt gà 65 USD, súp Bào ngư Nam Phi sốt dầu hào 96 USD. Bát súp bào ngư Nam Phi sốt dầu hào ấy nếu quy ra tiền Việt thì khoảng 2,1 triệu đồng...

Cô nhân viên phục vụ đưa cho tôi cái thực đơn, nói: “Nhà hàng chúng em có khoảng 300 món, món nào quy ra thóc thì cũng phải cỡ tạ thóc. Một gói hạt điều nho nhỏ cũng 800 nghìn rồi”.

Bất chấp giá cao ngất, Long Đình vẫn đông khách. Muốn có chỗ ở phòng vàng thường phải đặt trước. Nhà hàng này của ông chủ người Hồng Kông, giá niêm yết bằng đôla Mỹ, nhưng thực khách đa số là dân ta. Những đại gia, ông chủ, sếp lớn xem ra không bị “xiêu vẹo” gì trong cơn bão giá, khi vẫn thường xuyên có những bữa ăn với giá hàng nghìn đô.

Trong phòng bếp của Long Đình, bếp trưởng Chang Kam Lun cần mẫn nhặt từng sợi lông tơ ra khỏi tổ chim yến trắng quý giá và đắt đỏ. Các món cao lương mỹ vị như bào ngư vi cá đều qua bàn tay chế bến của Chang.

Một ngày ở nhà hàng S.H tiêu thụ khoảng nửa tạ tôm hùm như thế này
Một ngày ở nhà hàng S.H tiêu thụ khoảng nửa tạ tôm hùm như thế này.

Bát soup bằng hai tấn thóc và bát phở bạc triệu

Những con tôm hùm to cỡ bắp chân, càng dài, lưng ánh màu xanh biếc đang chen chúc trong bể kính của nhà hàng S.H trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) sẽ sớm bị đưa vào nhà bếp để chế biến thành nhiều món ăn được giới thiệu trong thực đơn.

Mỗi ngày, nhà hàng tiêu thụ khoảng nửa tạ tôm hùm nên loại hải sản từ Nha Trang đưa về chưa kịp “ấm chỗ” đã bị giết thịt. Ở nhà hàng S.H, mỗi cân tôm hùm giá 3,2 triệu đồng, nhưng khách đã đến đây thường gọi món này. Có nhiều thực khách thanh toán khoảng vài chục triệu riêng tiền tôm hùm.

Cô T. nhân viên của nhà hàng cười bảo: “Như thế cũng chẳng nhằm nhò gì, bởi nhà hàng em có những món soup khai vị như soup vi cá hồng xíu cua gạch đã 1,5 triệu đồng, soup yến vi cá 1 triệu đồng, soup cá bào ngư Úc 1 triệu đồng”.

Chưa hết choáng vì giá bát soup nhỏ xíu, tôi đã lại giật mình vì số tiền phải trả cho một bữa tiệc gồm nhiều món hảo hạng cho 6 người ăn mà cô nhân viên “tư vấn” giúp lên tới 30 triệu đồng không bao gồm đồ uống và thuế VAT. Đồ uống ở đây, chai rượu vang hảo hạng để đưa mồi cũng trên 20 triệu. Có thể mang rượu từ nhà đi, nhưng vui lòng trả 15 USD/chai gọi là phí mở rượu cho rượu nhẹ và 20 USD cho rượu mạnh.

Bảng giá trên thực đơn ghi, một bát soup khai vị tổ yến gạch cua có giá 46 USD, soup tổ yến thịt gà 65 USD, soup bào ngư Nam Phi sốt dầu hào 96 USD. Bát soup bào ngư Nam Phi sốt dầu hào ấy nếu quy ra tiền Việt thì khoảng 2,1 triệu đồng... 

T, cô nhân viên mặc áo dài màu vàng, bảo: “Mỗi ngày, nhà hàng đón khoảng trên trăm thực khách, họ thường đến đây vào ngày thường, thứ bảy và chủ nhật ít hơn. Họ chủ yếu đến đây bàn công việc, thanh toán mỗi bữa ăn vài ba chục triệu đồng mà mặt không biến sắc, em đoán phần lớn là từ tiền chùa mới vung như thế, chứ các gia đình ít đến đây lắm”.

Bão giá có khiến lượng khách đến nhà hàng giảm đi không?”, T. lắc đầu: “Không hề giảm. Bão giá đâu không biết chứ ở đây chỉ có “bão ăn”, nhà hàng em mỗi ngày thực khách vẫn xơi nửa tạ tôm hùm đều như vắt chanh”.

Khách sạn Vườn Thủ Đô vào những buổi sáng cuối tuần thường khó tìm chỗ đậu xe ôtô vì nhiều người đánh xế hộp tới ăn phở bò. Món phở bò Kobe 850 nghìn đồng/bát rất đắt khách, bất chấp nỗi lo phóng xạ ở Nhật Bản. Cách đây chưa lâu, bát phở bò Kobe loại Gyu này chỉ 750 nghìn đồng, dường như để “hưởng ứng” cơn bão giá, người ta tăng thêm 100 nghìn đồng mỗi bát nhưng không vì thế mà số người ăn giảm xuống.

Phở bò Kobe có gì đặc biệt mà giá khủng như vậy? Anh Phạm Văn Sơn, bếp trưởng khách sạn Vườn Thủ Đô, cho hay: “Bò Kobe được nuôi ở thành phố Kobe, tỉnh Hyogo, Nhật Bản với quy trình hết sức đặc biệt. Bò được xài toàn những thứ hảo hạng như ngô non, lúa mạch, uống bia thay nước, được xoa bóp bằng rượu Sake hằng ngày và nghe nhạc Mozart, Chopin. Phở bò Kobe được chế biến theo công thức riêng, đặc biệt là món nước dùng không thể bắt chước”.

Tôi cũng liều gọi một bát phở bò Kobe. Đĩa thịt đỏ tươi được máy cắt ra mỏng dính, phải tự tay nhúng vào bát phở. Miếng thịt giòn tan trong miệng. Có thể ăn sống vẫn ngon. Nhưng chớ có kiểu suy nghĩ “quy ra thóc” sẽ đắng miệng.

Dĩ nhiên thịt con bò Kobe nuôi theo kiểu cung đình như vậy phải khác với thịt con bò nuôi bằng rác ở tỉnh Thái Nguyên, nhưng theo GS-TS Hoàng Văn Tiệu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi, thành phần dinh dưỡng của bò nội hay bò ngoại cũng không cách xa nhau là mấy, chỉ hơn kém nhau về độ khoái khẩu.

Nhiều người Hà Nội cứ đều đặn tuần 3,4 lần đến đây ăn sáng bát phở bò Kobe gần triệu bạc. Riêng tiền ăn sáng mỗi tháng đã trên 10 triệu đồng mà không hề phải bận tâm đến bão giá hay nhập siêu. Dường như thắt lưng buộc bụng là chuyện của người khác.

Cô nhân viên nhà hàng bấm máy tính: bữa ăn cho 6 người là 30 triệu đồng
Cô nhân viên nhà hàng bấm máy tính: bữa ăn cho 6 người là 30 triệu đồng.

50 triệu đồng ăn một con rùa

Nhưng những bữa ăn xa hoa ấy của dân Hà thành nếu so với bữa tiệc rùa vàng của những đại gia ở vùng biên Móng Cái (Quảng Ninh) thì còn “giản dị”. Bạn tôi, người vừa được dự bữa tiệc rùa vàng, bây giờ kể lại giọng vẫn hơi run: “Một đại gia chuyên đánh hàng qua cửa khẩu Móng Cái mời tôi và một chiến hữu nữa vào nhà hàng vùng biên. Nhìn vẻ bề ngoài không có gì sang trọng nhưng ở đây có những món cực độc mà ngay ở Hà Nội cũng khó tìm.

Đại gia quát gọi ba con rùa vàng nhỏ bằng cái bát ăn cơm, bảo tôi: “Rùa vàng cực quý hiếm, nó sống trên đại ngàn, hấp thụ linh khí của trời đất nên máu thịt tinh khiết, đại bổ, ăn vào tăng cường sinh lực, đặc biệt ai có bệnh tim nếu uống rượu pha mật rùa, huyết rùa sẽ hết ngay. Chú có biết một con rùa nhỏ thế này bao nhiêu tiền không?”. “Chắc vài triệu”, đại gia cười ha hả, vỗ vai tôi: “50 triệu một con đấy. Thiên hạ gọi rùa vàng là “vàng sống”, không có mà bán cho các đại gia Trung Quốc, Hồng Kông” .

Choáng váng. Bữa tiệc vùng biên chỉ riêng tiền rùa đã lên tới 150 triệu đồng, chưa kể mấy chai Chivas 25 năm ngự trên bàn. Đại gia lại “bồi” thêm: “Thường thôi, mỗi tháng có khi anh chén vài ba con rùa vàng”.

Trong cơn bão giá, nhiều người giàu “bật mí” rằng, có thể duy trì lịch sinh hoạt đế vương như thế này: sáng ăn phở bò Kobe, trưa xơi tôm hùm, tu hài Mexico, ốc vòi Canada, chiều chén rùa vàng và khuya điểm tâm bát bào ngư Nam Phi sốt xì dầu hay soup yến cua gạch...

Còn nữa

Phùng Nguyên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.