Chợ lao động của người H’rê

Chợ lao động của người H’rê
TP - Khác với những "chợ người" ồn ào ở thành phố lớn, chợ lao động của người H'rê nơi ngã ba Vạn Lý khá yên ắng, không tranh giành, không ngã giá...
Một góc chợ lao động H'rê
Một góc chợ lao động H'rê.

Bỏ rẫy làng làm thuê rẫy mía

Xã Phổ Phong (Đức Phổ, Quảng Ngãi) có hàng trăm ha mía, là một trong những vựa mía cung cấp nguyên liệu chính cho nhà máy đường Phổ Phong. Vào vụ mùa, xã cần một nguồn nhân công lớn để thu hoạch mía, khai hoang đất mới. Hàng trăm đồng bào H’rê từ huyện Ba Tơ đã đổ xô xuống làm lao công cho các chủ vựa. Phụ nữ, thanh niên, trẻ em đều có.

Từ sáng sớm, ngã ba Vạn Lý (Phổ Phong) nhộn nhịp người chờ được thuê. Ở đây, không tranh giành nhau, cũng không ngã giá. Từ mấy năm nay có một quy luật bất thành văn tại chợ: nam 80 ngàn, nữ 75 ngàn đồng cho một ngày công. Ngày làm 8 tiếng, không cò kè, thêm bớt. Ai ưng thuận thì làm ai không ưng thì thôi. Bởi thế, hễ có người tới gọi là tất cả chia nhau đi. Đi thành từng nhóm 5 – 10 người. Người đến trước đi trước, người tới sau ngồi chờ.

Hầu hết người lao động đến từ các xã Ba Tiêu, Ba Dinh, Ba Vì, Ba Tô… của huyện Ba Tơ, đều giống nhau ở sự khó nghèo. Phạm Văn Điểu, 20 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm 3 năm đứng chợ, cho biết: “Mỗi ngày công được 80 ngàn so với nghề phụ hồ là quá rẻ. Chúng em phải làm từ 8 đến 10 tiếng một ngày để nuôi thân và phụ giúp gia đình”.

Gia đình Điều ở thôn Trà Nô xã Ba Tô, có 6 nhân khẩu, mấy năm trước sống nhờ vào nương rẫy không đủ ăn. Hơn ba năm nay, 4 thành viên trong nhà cùng dân làng rủ nhau xuống Phổ Phong làm thuê chặt mía, dọn nương rẫy, nhổ mỳ. Cuộc sống nhờ đó khá hơn trước. Theo ông Phạm Văn Oai (60 tuổi) bố của Điều, xã Ba Tô có cả trăm người xuống Phổ Phong làm nhân công. Riêng thôn Trà Nô đã có hơn 30 người.

Phụ nữ lớn tuổi người H’rê cũng tham gia đội ngũ làm thuê
Phụ nữ lớn tuổi người H’rê cũng tham gia đội ngũ làm thuê.

Ăn rẫy, ngủ rừng, tắm suối

Công việc của những lao công như Điểu, ông Oai là chặt mía, bó mía rồi vận chuyển ra xe của công ty. Tính trung bình mỗi lọn mía (10kg), giá khoảng 800 đồng. Mỗi ngày để làm được 80 ngàn tiền công họ phải chặt, bó, vác hơn 100 lọn, bằng 1 tấn mía. Công việc nặng nhọc, vất vả. Chị em phụ nữ còn vất vả hơn nhiều. Chênh lệch đúng 5.000 đồng tiền công nhưng công việc của họ không thua kém đàn ông là mấy.

Phạm Thị Um (25 tuổi, xã Ba Vinh) xuống làm nhân công hơn 1 năm nay. Chồng chị phải đi làm thuê tận Khánh Hòa nhưng không đủ nuôi vợ con. Chị gửi con nhỏ hơn 1 tuổi cho ông bà nuôi, lặn lội hơn 50 cây số để xuống đây. “Không phải ngày nào cũng có người gọi đi. Thường các chủ mía ưng gọi đàn ông hơn vì họ làm nhanh và khỏe. Khi nào thiếu người mới gọi chị em”, chị Um cho biết.

Thường khi được thuê, các lao động ở chợ được ô tô tải chở lên các rẫy mía nằm sâu, sát sườn núi và làm việc cả tuần, có khi vài tuần. Khi nào xong xuôi mới được ra lại. Họ ăn ở tại nương rẫy. Gạo gùi từ quê xuống. Thịt cá, mắm muối mua ở chợ. Lên nương rẫy ăn ở tập thể tại các lán trại tạm bợ, thiếu thốn. Nơi ở chỉ là tấm bạt căng lên, không chăn mền. Nấu nướng, tắm rửa bằng nước suối. Bệnh tật ốm đau thường xuyên xảy ra, nhất là đối với chị em.

“Cứ mỗi lần ốm đau chỉ biết nằm dài chờ xe của công ty vào rồi chở ra trạm xá. Ra trạm xin thuốc uống xong rồi lại vào làm tiếp. Không làm thì không được chủ rẫy trả tiền công. Khó khăn lắm mới có người thuê mình”, chị Um tâm sự.

Ông Phạm Văn Huề (54 tuổi, xã Ba Vì), kể: “Người mới lần đầu làm đều không thể chịu nổi vì ngứa xót, lá mía cắt rát tay. Tội mấy đứa nhỏ, mới lần đầu vào nghề tắm nước suối xong, người cứ phù lên”. Đôi bàn tay, cánh tay của ông Huề đã chai sần và chi chít vết cắt của lá mía. Đến giờ, ông không còn biết cái cảm giác ngứa ngáy, đau rát do mía gây ra.

Theo những lao công này, chuyện bị quy.t tiền mới là đáng sợ nhất. Đa phần các chủ mía từ nơi khác đến, mướn đất làm một hai vụ thu hoạch xong rồi bỏ đi mất tích. Bà con người dân tộc ngơ ngác đi hỏi nhưng không biết hỏi ai, đành chịu.

“Bây giờ, hễ ai thuê chúng tôi thỏa thuận lấy tiền công theo ngày cho chắc”, ông Huề nói.

Lượng nhân công đổ xô về chợ ngày càng tăng, có những ngày lên tới cả trăm người. “Tôi từng chứng kiến nhiều cảnh, vợ đi làm, chồng ở nhà uống rượu. Không thấy vợ mang tiền về lại tìm đến tận nơi đập đánh vợ ngay tại chợ. Cảnh thanh niên xuống đây không có việc làm rủ nhau uống rượu gây gổ thỉnh thoảng lại xảy ra”, anh Lê Văn Hùng làm nghề chạy xe ôm ở chợ cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG