192 giờ với Trường Sa

Đoàn cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân ra thăm và làm việc tại Trường Sa
Đoàn cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân ra thăm và làm việc tại Trường Sa
TP - Được sự giúp đỡ của Cục Cảnh sát biển và Quân chủng Hải quân, đoàn cán bộ, học viên Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã ra thăm và tặng quà cho quân dân đảo Trường Sa. Chuyến đi đã trở thành kỷ niệm đặc biệt theo suốt cuộc đời đối với mỗi thành viên trong đoàn.

> Mang tinh thần Trường Sa đến tuổi trẻ cả nước

Đoàn cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân ra thăm và làm việc tại Trường Sa
Đoàn cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân ra thăm và làm việc tại Trường Sa.

Một tháng Ba sóng cả

Sau khi bàn thống nhất lộ trình với Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, những ngày đầu tháng tư vừa qua, đoàn cán bộ Học viện CSND gồm 12 cán bộ, giảng viên và 8 sinh viên trong đó có 4 sinh viên nữ do Đại tá GS.TS Nguyễn Huy Thuật, Phó Giám đốc Học viện dẫn đầu đã ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Theo lịch trình Đoàn đã thăm các đảo Trường Sa lớn, Đá Tây, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Thuyền Chài, nhà giàn Phúc Tần DK1.

Khác với hầu hết các đoàn ra thăm Trường Sa được bố trí đi trên các tàu lớn của Quân chủng Hải quân có đầy đủ các điều kiện sinh hoạt và dĩ nhiên khả năng say sóng biển cũng ít hơn, đoàn của thầy và trò Học viện CSND ra Trường Sa lần này trên tàu tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam.

Giữa biển khơi sóng cao 5 - 6 mét con tàu chòng chành, chao đảo mạnh làm chúng tôi bị choáng váng, nôn nao. Đã áp dụng các biện pháp chống say, nhưng sau vài giờ, lần lượt các thành viên trong đoàn đều bị nôn thốc, nôn tháo, mệt mỏi, rã rời. Thế nhưng mọi người vẫn phải đi lại, ăn uống, vệ sinh... Vậy là cái điệp khúc đi-ngã-đi hoặc bò cứ lặp đi lặp lại trên tàu.

Phải sau hai ngày, chúng tôi mới dần quen. Đêm thứ ba, tàu neo đậu trên vùng hồ khu vực đảo Đá Tây là một vòng cung nhiều bãi đá ngầm, do vậy cấp độ sóng gió thấp. Chúng tôi đã tranh thủ câu được hàng chục chú cá nặng dăm ký mỗi chú, tươi rói, loáng bóng phục vụ cho bữa nhậu không quên trên biển đảo Trường Sa.

Không giống như dân gian thường nói, “tháng Ba bà già đi biển”, tháng Ba năm nay biển dở chứng sóng cả, gió to. Bình minh, hoàng hôn đều không thấy bóng mặt trời, mây đen vần vũ, sóng lớn điệp trùng, biển và trời nhiều khi nhập nhòa không ranh giới. Tàu và người gồng mình chống chọi với sóng to, gió lớn.

Khi tàu còn cách đảo Trường Sa khoảng 5 hải lý, chúng tôi được thông tin để chuẩn bị. Tất cả các thành viên trong đoàn lên khỏi hầm tàu, đứng trên boong chăm chú hướng về phía trước.

Trường Sa!

Đột nhiên một ai đó kêu to: Trường Sa! Trường Sa kìa! Trường Sa! Đầu tiên chỉ là một dải xanh mờ mờ nhấp nhô trên mặt sóng, nhưng chỉ dăm mười phút sau, Trường Sa đã hiển hiện trước mắt chúng tôi với những ngôi nhà gạch hồng, ngói đỏ nhấp nhô ẩn hiện sau những thảm cây xanh; những cột thu phát sóng thông tin truyền thông đứng hiên ngang trước gió; những vọng gác tiền tiêu với những người lính chắc súng trong tay; với lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay khẳng định chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.

Sóng to, gió lớn không thể cập bến, nên suốt cả chuyến đi dài hơn 1 tuần đến các đảo Trường Sa Đông, Phan Vinh, Thuyền Chài, Trường Sa lớn, tàu đều phải neo đậu cách đảo hàng cây số. Chúng tôi xuống xuồng máy lên bờ trong vòng tay tiếp đón yêu thương của các cán bộ, chiến sỹ hải quân.

Vừa mới đây, Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND đi thăm Trường Sa trong thành phần Đoàn đại biểu của Bộ Công an về kể lại rằng, hôm Đoàn của Bộ đến thăm đảo Trường Sa Đông, đại úy Đảo trưởng Đỗ Ngọc Dũng, trung tá Cấn Văn Hưng, Chính ủy Đảo vẫn nhắc nhiều đến chuyến thăm của Đoàn Học viện CSND tới đảo trong điều kiện trời mưa như xối nước vào mặt, biển động, sóng dâng cao... cực kỳ nguy hiểm.

Các chiến sĩ Trường Sa cho biết, hầu hết các đảo ở Trường Sa hình thành từ những dải san hô nên rất khô cằn, không có nước ngọt, cây xanh. Thế nhưng, do có sự đầu tư của nhà nước trong việc xây kè chắn gió, chắn sóng, trồng cây xanh để cải tạo thổ nhưỡng, đặc biệt nhờ công sức của cán bộ, chiến sỹ, các đảo đã từng bước được cải tạo, biến đổi như ngày nay.

Hôm nay, cả 9 đảo nổi Trường Sa, An Bang, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca đều xanh ngát những cây muối, phong ba, bàng vuông, hoa muống biển do chiến sỹ ta trồng và chăm sóc. Cây xanh dày đặc che gió, chắn sóng, giữ nước ngọt làm xanh ngát những luống rau muống, rau dền, cải xanh, bí đỏ.

Và lại một bất ngờ thú vị, khi tham quan một khu doanh trại, chúng tôi thấy các chiến sỹ đang thì thùng múc nước giếng tắm. Như cổ tích, mồ hôi của chiến sỹ ta đổ xuống, cây xanh mọc lên gọi nguồn nước ngọt lành. Nhiều đảo ở Trường Sa không còn là “vô thuỷ” (không nước) như tên gọi ngày xưa.

Trên các đảo, chiến sỹ ta còn rất tích cực, sáng tạo trong chăn nuôi gia cầm, gia súc. Những chú lợn béo tròn vểnh tai nghe chiến sỹ gõ chậu nhôm coong coong báo giờ ăn; đàn vịt hàng chục con đang sục sạo kiếm mồi ven các khe nước, quanh các mỏm đá nhấp nhô ven đảo. Rồi tiếng gà cục tác nhảy ổ, lích chích gọi con, tiếng chó sủa nhí nhẳng... tất cả là những âm thanh thân thuộc như ở những xóm làng trong đất liền.

Một Trường Sa dân sinh

Kề vai, sát cánh, đồng cam cộng khổ cùng với những người lính trên các đảo còn có không ít những cán bộ, nhân viên các ngành Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cán bộ ngành Văn hoá Du lịch cũng đang tích cực khảo sát, xây dựng đề án du lịch sinh thái biển Trường Sa...

Trên các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn còn có nhiều hộ dân sinh sống, nhiều cặp vợ chồng trẻ tình nguyện ra lập nghiệp trên đảo. Chính quyền giúp đỡ chia đất, cấp nguyên vật liệu cho họ làm nhà ở, mở trường học, nhà mẫu giáo cho trẻ em.

Đoàn chúng tôi đến thăm và tặng quà cho một số hộ dân trên đảo Trường Sa lớn, nhà nào cũng được xây dựng kiên cố, rộng rãi, có ti vi, radio, điện thắp sáng và nhiều tiện nghi hiện đại khác. Các cháu nhỏ đều rất khoẻ mạnh, hoạt bát và rất tự nhiên khi tiếp xúc, chụp hình lưu niệm với chúng tôi.

Hôm chúng tôi có mặt trên Trường Sa lớn cũng chính là ngày đứa trẻ đầu tiên chào đời trên đảo (các cháu khác theo bố mẹ từ đất liền ra). Ngày cháu ra đời có máy bay trực thăng chở bác sỹ quân y từ đất liền ra trợ giúp cho mẹ cháu vượt cạn an toàn…

Để đảm bảo đời sống tinh thần cho quân và dân trên đảo, Nhà nước ta đã cho xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài liệt sỹ Trường Sa, Nhà khách Thủ Đô... Cả một ngôi chùa khá đồ sộ, bốn mùa hương khói cũng uy nghi mọc lên.

Tại hội trường lớn tiện nghi hiện đại vừa để hội họp vừa để tổ chức các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, đoàn cán bộ Học viện CSND đã giao lưu văn nghệ cùng cán bộ và nhân dân trên đảo với sự có mặt của Thượng tá Nguyễn Văn Lục - Đảo trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa. Tiếng hát của cán bộ, học viên Học viện CSND hoà chung tiếng hát và tiếng vỗ tay tán thưởng của quân, dân.

Cũng trong buổi giao lưu thắm thiết nghĩa tình này, đoàn Học viện CSND đã tặng quà lưu niệm cho quân dân Trường Sa. Quà tặng đơn giản chỉ là những đồ dùng thiết yếu góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lính. Cán bộ, chiến sỹ trên đảo cũng gửi tặng Học viện CSND cây bàng vuông được chiết và ươm trồng trên đảo để mang về trồng tại Học viện CSND.

Nhiệm vụ đặc biệt

Khác với các đoàn khách khác ra thăm Trường Sa, đoàn Học viện CSND ra biển và Trường Sa lần này còn có một nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu các phương án tuần tra, hiệp đồng truy bắt tội phạm và tội phạm ma túy trên biển, khảo sát các tuyến, luồng vận chuyển ma túy trên biển của tội phạm ma túy trên vùng biển nước ta.

Đại tá PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Đại tá PGS.TS Vũ Văn Tý, Chủ nhiệm Khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy và các thầy cô giáo trong đoàn đã hướng dẫn các chiến sỹ Cảnh sát biển sử dụng một số máy móc chuyên dụng phát hiện nhanh chất ma túy trên các phương tiện trên biển, giới thiệu cho sinh viên Học viện cách thức tổ chức thực hành truy đuổi, tiếp cận, kiểm tra các tàu vi phạm trên biển.

Những thao tác thực hành trên biển Trường Sa này có lẽ cả cuộc đời dạy học các thầy chưa bao giờ có được và cũng sẽ rất khó lặp lại trong đời.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện CSND đánh giá chuyến đi đã giúp cán bộ, học viên hiểu biết hơn về chủ quyền biển đảo, những hy sinh to lớn của cán bộ chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam, từ đó nâng cao ý thức tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân cũng như vai trò của người chiến sỹ Công an trong công tác bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thông qua chuyến công tác, tình đoàn kết, mối quan hệ giữa lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân thêm gắn bó. Hoạt động này cũng còn có ý nghĩa thực tiễn lớn cho hoạt động nghiên cứu phương pháp, tổ chức hiệp đồng truy bắt tội phạm trên biển, là những trải nghiệm thực tế quý báu cho công tác nghiên cứu giảng dạy về đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển, đặc biệt là tội phạm ma tuý.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện CSND cho biết, chuẩn bị cho chuyến đi, Học viện đã phát động quyên góp tiền, quà để tặng cho quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Tổng số tiền quyên góp được 1,7 tỷ đồng, trong đó chuyển khoản 1 tỷ đồng vào tài khoản của Quân chủng Hải quân để tặng cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo, hơn 700 triệu đồng tặng trực tiếp cán bộ, chiến sỹ và nhân dân mà đoàn đến thăm.

 

Hôm nay (12/5), Học viện CSND tổ chức lễ tiếp nhận “Đá chủ quyền của quần đảo Trường Sa” do Bộ Tư lệnh Quân chủng (BTLQC) Hải quân trao tặng và giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, học viên Học viện CSND với cán bộ, bộ đội BTLQC Hải Quân.

Tại buổi lễ này, BTLQC Hải quân còn công bố Quyết định và trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” và Huy hiệu chiến sỹ Trường Sa cho cán bộ, chiến sĩ Học viện.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG