Cận cảnh cái đói xứ Thanh

Cận cảnh cái đói xứ Thanh
TP - Nhiều năm liên tiếp được mùa vượt mức kế hoạch với sản lượng trên 1,6 triệu tấn quy thóc, tỉnh Thanh Hóa có sản lượng lương thực lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 6 cả nước. Mỗi năm có hơn 30 vạn tấn lương thực dư thừa… Thế mà, kỳ giáp hạt này Thanh Hóa lại rộ lên chuyện 'đói gay gắt, đói trên diện rộng' với 93.810 hộ quy ra nhân khẩu đói là 243.000 người.
 Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh (thứ hai từ phải sang) thăm một gia đình nghèo ở bản Ngàm, huyện vùng cao Quan Sơn, Thanh Hóa Ảnh: Hữu Ngôn
Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh (thứ hai từ phải sang) thăm một gia đình nghèo ở bản Ngàm, huyện vùng cao Quan Sơn, Thanh Hóa Ảnh: Hữu Ngôn.
 

Đói thì có đói...

Lúa chắc xanh, hạt rưng rưng mẩy. Phập phồng phấp phỏng qua mấy đợt rét, đợt hạn tưởng hạt thóc vụ chiêm xuân vuột khỏi tay người nông dân xứ Thanh nhưng may mắn, lại chắc ăn một vụ lúa nữa dẫu bây giờ chưa thể xanh nhà hơn già đồng. Chính vì những đỏng đảnh của thời tiết như thế mà vụ chiêm xuân dôi dư ra gần một tháng đã khiến cho xứ Thanh mang tiếng! Tiếng là đói gay gắt, đói trên diện rộng. Thực trạng là thế nào?

Ban ngày lang thang ngó lúa má của mấy vùng trọng điểm lúa Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Quảng Xương…; đêm ngồi với ông Nguyễn Đình Xứng, Giám đốc Sở NN& PTNT Thanh Hóa giật mình khi biên lại những con số sản lượng lương thực vượt mức của xứ Thanh 5 năm qua.

Nội cái năm 2010, bình quân lương thực có hạt là 475 kg/người trong đó thóc là 400kg/đầu người. Miền núi là 393 kg/người trong đó lúa là 284 kg/người. Ven biển là 406 kg/người, lúa là 366 kg/người. Nghe đâu vượt cả tiêu chuẩn của FAO? Con số nối con số nhưng câu hỏi tại sao đói vẫn chưa được kiến giải rốt ráo?

Qua ông Xứng, được biết đại loại, về tổng thể Thanh Hóa thừa lương thực. Từng vùng, từng miền, từng nhóm hộ... có cung cách sử dụng, tiêu thụ lương thực khác nhau. Tập quán tích cốc phòng cơ dự trữ lương thực hầu như không còn trong mỗi gia đình xứ Thanh. Vụ chiêm xuân do thời tiết hết hạn lại rét nên đã chững muộn trên nửa tháng. Nên đã xảy ra cái đói cục bộ!

Tôi đến cái nơi phát ra thông tin 93.810 hộ đói quy ra nhân khẩu là 243.000 người. Đó là Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa. Chưa kịp hỏi chuyện bà Giám đốc Sở Nguyễn Thị Thanh Xuân thì đã bị... phỏng vấn ngược: Nhà báo tính xem với số dân Thanh Hóa là 3.461.000 người. Cứ cho con số 93.810 hộ với 243 ngàn người bị đói là chính xác, thì tỷ lệ đói chỉ là 7 % so với dân số toàn tỉnh. Vậy đã chuẩn và thỏa đáng chưa khi nói Thanh Hóa đói trên diện rộng?

Với lại, không thể cộng cả con số nhiều xã vùng cao của mấy huyện miền núi Thanh Hóa được hưởng tiêu chuẩn 135 (giai đoạn 2) nhiều năm nay Nhà nước cấp 15 kg gạo/ nhân khẩu (những xã này nằm trong diện trên 60 xã đặc biệt khó khăn của cả nước được trợ cấp thường xuyên nhiều năm). Còn nói đói gay gắt là thế nào? Qua thống kê điều tra, chưa thấy có hộ nào đứt bữa?

Hỏi kỹ thì lại thêm một cái giật mình! Hóa ra con số 93.810 hộ đói không phải cái anh làm truyền thông nào đó tùy tiện sáng tác ra mà là con số qua thống kê vội vã của các địa phương gửi về Sở! Vội vã là bởi chưa tìm hiểu, điều tra chính xác cụ thể những hộ đói của từng thôn, bản, làng, xã theo tiêu chí của đợt cứu đói này nên đã xảy ra tình trạng khai vênh khai khống? Khuôn khổ bài báo hạn chế nên không thể biên ra đây những chuyện cười ra nước mắt của việc bình xét tiêu chuẩn nghèo mới.

Được vào diện nghèo là một... đặc ân bởi hộ nghèo được hưởng nhiều tiêu chuẩn ưu tiên. Khi bình bầu không hiếm chuyện lệch lạc thiếu khách quan từ cấp cơ sở. Với chuẩn nghèo khắt khe như vậy còn lệch lạc, còn lọt lưới nữa là việc cứu đói diễn ra một cách chốc lát, thời vụ như thế này? Đơn cử một chuyện nhỏ: Đợt cứu trợ gạo dịp Tết Tân Mão, Sở LĐ-TB&XH đã thu hồi 870 kg gạo ở thôn Đào, xã Điền Quang, huyện Bá Thước giao cho 18 hộ thực sự khó khăn. Thu hồi bởi thay vì chia cho 18 hộ, địa phương lại chia đều cho 500 khẩu trong thôn.

Theo như tường trình của bà Xuân, đúng là có xảy ra đói cục bộ tại một số xã nhưng có lẽ không đến con số 93.810 hộ đói? Nói có lẽ bởi chưa điều tra. Sở LĐ-TB&XH đang khẩn trương tiến hành. Nhưng những người có trách nhiệm dường như đã giật mình khi một số huyện trình lên con số dân đói lẫn mức phân bổ gạo cứu đói. Chẳng hạn như huyện Thọ Xuân xin 217 tấn ( tính con số tròn), Nga Sơn xin 244 tấn, Yên Định 40 tấn, Tĩnh Gia 238 tấn...

Giật mình bởi những huyện này, ít nhiều vốn là vựa lúa của tỉnh, tỷ lệ hộ đói nghèo không phải là cao nhưng bỗng dưng sao lại đói thế này? Thế là kiểm tra thực tế và có sự điều chỉnh. Chắc những người can dự vào việc điều chỉnh này phải lo ngay ngáy nhỡ ra có hộ nào đứt bữa đói lả thì khốn! Nhưng may thay chưa có điều tiếng kêu ca nào lẫn không có chuyện ai lử lả vì đói.

Cận ngày bầu cử, một số địa phương (huyện) báo cáo xin chưa nhận số gạo cứu trợ đã được phân bổ với lý do bận cho việc bầu cử QH và HĐND và còn phải đợi việc điều tra chính xác số hộ số nhân khẩu thực sự đói... Thế mới hay cán bộ cơ sở xa cơ sở thế nào?

Lại nữa, xử lý lẫn công bố con số thống kê vội vã những hộ và nhân khẩu bị đói trong đợt giáp hạt này mà chưa qua thẩm định điều tra, có lẽ là sự vội vã tùy tiện lẫn quan liêu và để lại nhiều hệ lụy không hay cho cả xứ Thanh?

Sắp chín rộ lúa chiêm xuân ở Thanh Hóa
Sắp chín rộ lúa chiêm xuân ở Thanh Hóa.
 

100 hộ bị biến thành... 1.708 hộ đói!

Gặp ông Lò Đình Múi, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn qua điện thoại, giọng ông bất ngờ gay gắt: “Quan Sơn cũng có thiếu đói nhưng không nhiều, kiểm tra lại thì không đến mức độ như nhân viên ở xã báo cáo. Có khoảng trên dưới 100 hộ bị thiếu đói ở Quan Sơn thôi”. (Tôi giật mình ngó vào bản thống kê Phân bổ gạo cứu đói thời kỳ giáp hạt năm 2011 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh lập qua báo cáo của các địa phương. Tổng số hộ dân của Quan Sơn là 7.800 hộ. Số hộ bị đói là 1.708 hộ).

Theo ông Mùi, các huyện miền núi nói chung và Quan Sơn nói riêng, diện tích canh tác lúa rất ít, gặp kỳ giáp hạt cũng có túng đói. Bà con khắc phục bằng cách khai thác luồng, nứa để bán mua gạo. Cũng có những hộ neo người không đi khai thác nứa, luồng được nên rơi vào cảnh túng đói.

Chúng tôi nối máy với ông Cầm Bá Quân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân. Ông Quân cho rằng thông tin về chuyện đói gay gắt là không đúng!

Lại cũng có ý kiến phản ánh rằng, Thanh Hóa để xảy ra đói trên diện rộng, đói gay gắt là do người dân phải gồng mình nạp đủ mọi loại phí? Những là thủy lợi phí, dịch vụ thủy nông, bảo vệ thực vật, quỹ VHXH, quỹ y tế dân nuôi, quỹ tình nghĩa, quỹ quốc phòng, quỹ bảo hiểm chăn nuôi. Đó là cấp xã, còn cấp thôn thì bà con cũng bị thu thủy lợi phí, bảo vệ nội đồng, công cán bộ, quỹ văn hóa xã hội, quỹ hành chính đoàn thể, quỹ phục vụ hội nghị thôn, quỹ môi trường, quỹ thắp sáng công cộng...

Cụ thể là phản ánh của mấy hộ xã viên ở xã Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa. Chúng tôi đã làm việc với ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Xứng, Giám đốc Sở NN& PTNN Thanh Hóa. Ông Xứng cho biết, đã kiểm tra xem xét nhưng không đến mức và không đúng hiện trạng chính quyền ép dân đóng thuế sai quy định và có nhiều những khoản đóng góp vô lý.

Ông Việt thẳng thắn, nếu chính quyền xã thôn làm sai chúng tôi sẽ phải nghiêm trị. Nhưng dù cho một Quảng Châu sai, và nhiều xã của huyện này huyện khác làm sai cũng không góp nên làm nên một thứ đói gay đói gắt trên diện rộng ở Thanh Hóa! Bà con nông dân mình bây giờ không như trước cộng với quy chế dân chủ nông thôn lâu nay họ không bao giờ nhắm mắt và cam chịu đóng góp nhiều khoản vô lý như thế?

Về Thanh, nghe có những chuyện đói đến lạ lùng vô lý. Công trình thủy điện Cửa Đạt có dung lượng chứa nước 1.45 tỷ m3 đang được xây dựng khẩn trương. Khi xây dựng đập Cửa Đạt, một số hộ phải di dời. Số tiền đền bù đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của họ lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.

Nhiều hộ vừa nhận được tiền đền bù đất thì không biết ở đâu xuất hiện đám đầu nậu số đề! Mà nghe đâu từ Hà Nội về! Chúng len lỏi trong thôn, ngồi lê la ở hàng quán rồi tung người ra rủ bà con chơi đánh đề. Chỉ trong vòng mấy tháng, những người từng cầm trong tay cả trăm triệu đồng tiền đền bù đất đã phải đi mua gạo nợ, rồi đi đào củ mài, đi bốc đá thuê cho công trình thủy điện Cửa Đạt!?

Bữa tiện đường ghé qua quê, may mắn cái làng Lon heo hút của tôi đa phần là hộ nghèo nhưng không có ai đói, chưa có hộ đứt bữa. Ông chú tôi loạt xoạt giở một tờ báo đã nhàu nát: Này anh, Thủ tướng hỗ trợ đợt I cho 5 tỉnh là 4.995 tấn gạo. Đợt II là 11.657 tấn gạo cho ngần ấy tỉnh. Thôi thì những địa phương như Gia Lai chỉ được cấp có 400 tấn, dân chắc không đến mức đói gay gắtđói trên diện rộng như Thanh Hóa.

Nhưng Quảng Bình (được cấp xấp xỉ với Thanh Hóa) và Nghệ An gần như gấp đôi liệu có đói gay gắtđói trên diện rộng như xứ Thanh không? Ở những địa phương ấy, thực trạng lẫn bài học kinh nghiệm khắc phục để giảm bớt khó khăn cho Nhà nước ra sao không thấy báo nào nói đến mà chỉ thấy chú mục vào Thanh Hóa? Tôi thấy khi đưa thông tin có lẽ chưa hẳn cần một tấm lòng mà trước tiên cần sự bình tĩnh và công tâm cái đã...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG