Sau cánh cổng bệnh viện tâm thần

Sau cánh cổng bệnh viện tâm thần
TP - Phải nịnh nọt, dỗ dành, răn bảo nhưng vẫn thường xuyên bị hành hung, chửi bới, hất cơm cháo, nước phóng uế vào người... Đó là chuyện thường ngày của các y bác sỹ trong bệnh viện tâm thần.

Vào thế giới hoang tưởng

Trời chưa hửng sáng, bỗng nghe tiếng vỗ đùi phành phạnh, tiếng người gáy Ò...ó...o... Giật mình có bệnh nhân nhảy tưng tưng, kêu reng... reng... reng... như đồng hồ báo thức. Người thì lục tục dậy, hát hò lảm nhảm. Ngày mới trong bệnh viện tâm thần Đăk Lăk thường bắt đầu như thế.

Bệnh nhân Nguyễn Văn H. nghiêm mặt cho hay: “Em là con gà tu mấy kiếp mới làm người. Còn thằng này (chỉ qua người bên cạnh) nhìn thế chứ nó không phải là người anh ạ, nó là đồng hồ đấy. Không có em với nó thì cả thế giới tối tăm, mặt trời không lên, mọi người ngủ chả ai thức dậy cả”. “Đồng hồ” ngồi lắc lư như chiếc kim giây không nói không rằng, nhưng miệng mỉm cười khoái chí vì tầm quan trọng của mình...

Trong góc phòng, Trần Thái B. dúi đầu bắt một bệnh nhân có gương mặt ngô nghê dãi nhớt lòng thòng phải quỳ lạy mình vì: “Em là Phật tổ tái sinh để cứu nhân độ thế. Công việc vất vả lắm anh ạ, vì chúng sinh quá ư ngu muội có chịu nghe em khuyên bảo để tu hành đâu. Giờ em phải thuyết pháp giảng đạo đây”. Nhưng việc “hoằng pháp độ sanh” của B. không đơn giản vì liên tục bị cắt ngang bởi những giọng ca mở hết công suất và tiếng nức nở nỉ non...

Bác sỹ Trần Văn Thành - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đăk Lăk cho biết: Ai vào đây cũng có tính cách thất thường như hoang tưởng về bản thân, sợ hãi, lo âu... Có bệnh nhân luôn cho mình là nhân vật siêu phàm, xuất chúng. Có bệnh nhân cứ nghĩ mình hèn kém, hoặc luôn bị ai đó rình mò theo dõi để hãm hại... Bình thường họ lành như đất hoặc ngô nghê rất đáng yêu, thế nhưng khi bị kích động lên cơn lập tức trở thành mối nguy hại cho những người xung quanh, kể cả y bác sỹ đang trực tiếp phục vụ chăm sóc.

Bác sĩ chịu nhiều cơ cực khi chăm sóc bệnh nhân
Không một phút bình yên trong bệnh viện tâm thần

Cơ cực bác sỹ tâm thần

Các y bác sĩ phải làm việc trong hoàn cảnh luôn bị đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác điều trị. Bệnh nhân tâm thần giống như người say, chẳng ai chịu nhận mình bị bệnh nên luôn chống đối, phản ứng gây hậu quả khó lường. Bác sỹ bị chửi mắng, rượt đuổi, bị hành hung là chuyện thường ngày ở đây. Trước Tết Nguyên đán, có bệnh nhân tưới xăng ướt đẫm toàn thân, tay cầm quẹt, có ý định biến mình thành ngọn đuốc sống. Hốt hoảng chạy đến, bác sỹ Nguyễn Thanh Tịnh - Phó giám đốc Bệnh viện bị bệnh nhân cầm gậy sắt vụt liên tiếp vào người. Khi bảo vệ chạy đến tiếp ứng thì tay bác sỹ Tịnh đã bị gãy, thương tích đầy mình, phải đi cấp cứu.

Đó là một trong muôn vàn trường hợp xảy ra ở đây, có bác sĩ phải mang thương tật cả đời nhưng chỉ được coi là tai nạn lao động. Thủ phạm là người mất trí, tâm thần nên bác sỹ chẳng biết kiện ai.

Bị “quấy rối”

Bác sỹ H’Briu Niê, Trưởng khoa nữ vào nghề từ năm 2004, cho biết không biết bao nhiêu lần bị bệnh nhân hắt cơm cháo vào mặt, thậm chí cả đồ phóng uế. Đang thay đồ cho bệnh nhân, bất ngờ bệnh nhân trở chứng, đạp chị té ngửa với lý do “ứ bận đồ đâu”. Bệnh nhân tâm thần rất lười tắm rửa, nhất là vào mùa lạnh, nên việc nhắc nhở họ đi tắm là cả một vấn đề nan giải. Thuyết phục được rồi, họ đi vào nhà tắm đứng lỳ một góc, chả chịu tắm cũng chả chịu ra. Thế là bác sĩ phải tắm cho bệnh nhân. Bệnh nhân tâm thần đụng đâu lăn kềnh ra đó nên rất bẩn thành ra phải kì cọ kỹ kẻo không họ bị bệnh ngoài da. Với y bác sĩ mới vào nghề thì đây là sự ngại ngùng rất khó vượt qua, nhất là với bệnh nhân trẻ khác giới.

Đang được tắm rửa hay đang khám bệnh, có bệnh nhân thở hổn hển “đòi yêu”, rượt đuổi bác sỹ chạy vòng vòng. Bệnh nhân nữ khi lên cơn xung động giới tính thì kêu réo ầm ĩ tên nhân viên nam mà mình thích “Anh... ơi, vào đây ngủ với em”. Vì thế, bệnh viện quy định nhân viên không được vào khu vực bệnh nhân một mình, và nếu là nhân viên nữ thì phải có nhân viên nam đi kèm để bảo vệ. Với bệnh nhân tâm thần, sự ngọt ngào dỗ dành để bệnh nhân đỡ căng thẳng thần kinh là điều cần thiết, nhưng đôi khi kéo theo bao hiểu lầm hệ luỵ. Bệnh nhân Vương Thái H. không cho hộ lý Y. chăm sóc cho bệnh nhân khác vì như thế là… phụ tình, không chung thuỷ với H. Một bác sỹ cho biết: “Khi bệnh nhân bày tỏ tình cảm, cần dùng lời lẽ ngon ngọt để tháo gỡ. Nếu phản ứng không khéo, không những bác sỹ rơi vào tình thế nguy hiểm khôn lường mà bệnh tình bệnh nhân càng trở nên phức tạp”.

Y bác sĩ bệnh viện tâm thần còn phải đối đầu với áp lực từ người thân và định kiến xã hội. Bản thân họ khi quyết định nhận việc cũng luôn bị gia đình, bạn bè can ngăn vì sợ khổ, sợ bị hành hung, sợ bị tâm thần ảnh hưởng. Một bác sĩ kể: Bệnh viện Tâm thần Hà Nội từng có điều dưỡng, hộ lý loạn thần do công việc quá căng thẳng, nên khiến nhiều người nhầm tưởng rằng bệnh tâm thần cũng có thể “lây”. Một bác sỹ khoa nội sau khi chuyển công tác sang bệnh viện tâm thần đã phải đóng cửa phòng mạch tư vì khi biết công việc mới của ông, chả mấy ai đến khám... Chính vì thế, các bệnh viện tâm thần năm nào cũng tuyển cán bộ nhân viên nhưng chả mấy khi nhận được hồ sơ đăng ký.

Không một phút bình yên trong bệnh viện tâm thần
Bác sĩ chịu nhiều cơ cực khi chăm sóc bệnh nhân

Cao quý đức hy sinh

Hơn 30 năm trong nghề, bác sỹ Nguyễn Thanh Tịnh vẫn nhớ như in chuyện một cô giáo ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh bị tâm thần sau khi chứng kiến cảnh Khơ me đỏ xốc lưỡi lê vào bụng các cháu nhỏ mẫu giáo và hãm hiếp đồng nghiệp của mình. Nhờ được điều trị bằng phương pháp Đông miên nhân tạo, bệnh nhân đã được phục hồi và hàng năm luôn nhắn tin chúc mừng ông nhân ngày thầy thuốc Việt Nam. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi bởi chả mấy bệnh nhân tâm thần nhớ ngày này.

Phải thực sự chứng kiến, chung sống trong “thế giới điên loạn” mới thấy hết nỗi cơ cực của các bác sỹ vốn chưa bao giờ biết đến bình an quanh mình. Thế nhưng với tấm lòng nhân ái, bao nhiêu người vẫn gắn bó cả đời với nghề, người mới vào thì kiên nhẫn học hỏi trau dồi hết lòng phục vụ bệnh nhân, đóng đủ vai khi là thầy thuốc đa khoa, khi là chuyên gia tư vấn tâm lý, khi là nhạc sỹ, ca sỹ, thi sỹ hoặc là nhà phê bình văn học, hoặc là thợ hớt tóc, thợ cắt móng tay móng chân cho bệnh nhân…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG