Long Sơn có đạo Ông Trần

Long Sơn có đạo Ông Trần
TP - Có một vùng đất ở Nam bộ mà cho đến nay, người dân vẫn giữ tục xưa: mặc áo bà ba đen, tóc búi tó củ hành, đầu trần, chân không mang giày dép với ý “đầu đội trời, chân đạp đất”. Nơi đó, người ta truyền miệng lời dạy của tiền nhân về tu thân, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu… đời này qua đời khác.

Vùng ấy là xã đảo Long Sơn, thuộc thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Xã vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn cụm di tích Nhà Lớn cùng truyền thuyết hào hùng về người khai mở ấp Bà Trao (nay là Long Sơn) hơn một thế kỷ trước, đồng thời là người sáng lập một tôn giáo được coi là độc đáo của Việt Nam: đạo Ông Trần.

Tu nhân - nền tảng hành đạo

Ngày 16-5 âm lịch, từng đoàn người nam, phụ, lão, ấu với áo bà ba, tóc búi tó, chân đất đổ về Nhà Lớn. Các đạo hữu đạo Ông Trần tổ chức kỉnh (cúng) ông. Không chuông mõ, kinh kệ, người ta chỉ lặng lẽ dâng cơm chay với sự tự giác của các thành viên, lặng lẽ, thành kính. Dì Tư, người phụ trách đón tiếp của khu vực Nhà Lớn, bảo: “Ở Long Sơn, hầu như ai cũng theo đạo Ông Trần”.

Đạo Ông Trần đặc biệt ở chỗ không có gì đặc biệt: tín đồ không hề “ly gia cắt ái”, vẫn lấy vợ lấy chồng, sinh con bình thường, tu tại gia. Cũng chẳng có một bộ sách kinh nào. Mọi người chú tâm nhiều đến việc thờ cúng ông bà tổ tiên, bố thí và lấy việc tu nhân tích đức làm nền tảng cho sự hành đạo.

Và mặc dù chịu ảnh hưởng sâu đậm đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại) và một số tôn giáo, chủ thuyết như Phật giáo, Nho giáo, đạo Ông Trần có điểm khác là không lập chùa miếu, không kinh kệ chuông mõ, không ép buộc ăn chay và cũng không dung túng mê tín dị đoan.

“Nói cho đúng, đạo Ông Trần thực ra là đạo làm người, như ông Trần ngày xưa vẫn dạy với nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu, nhân luân, ái quốc”, dì Tư nói. Sinh thời, ông Trần thường răn dạy con cháu, đệ tử: “Tu không thành tiên, mà để thành Phật, thành người”.

Ở Long Sơn, người dân theo đạo Ông Trần vẫn lưu giữ những nét sinh hoạt đậm chất Nam Bộ và cả những tập tục riêng do ông Trần chỉ dạy: viết liễn đón xuân, đám tang chôn cất trong vòng 24 giờ (không coi ngày giờ, xả tang ngay tại mộ), đám cưới không coi ngày mà chỉ chọn hai ngày trong tháng là mồng một và 16 âm lịch... Nhưng đặc biệt nhất là tục “chết đồng quách”.

Bà Ba, cháu gái ông Trần, bảo theo triết lý của ông, “khi chết mọi người đều bình đẳng như nhau” nên áo quan được dùng chung cho mọi người. Gia đình có tang chỉ việc đến thỉnh áo quan về khâm liệm. Khi đi đến mộ phần thì người chết được quấn vào vải , bên ngoài bọc chiếu cói chôn xuống đất, còn áo quan thì đưa về lại Nhà Lớn.

Theo tư liệu của Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành (nay là xã Tân Khánh Hòa, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang).

Năm 1885, chàng trai Lê Văn Mưu khi ấy chừng 30 tuổi, đến An Giang xin làm đệ tử Ngô Lợi (1831-1890, giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa), và tham gia phong trào kháng Pháp cũng do ông Lợi lãnh đạo. Năm 1890, Ngô Lợi mất, cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo dần tàn lụi, Lê Văn Mưu phải về ẩn ở quê.

Để trốn tránh giặc Pháp, năm 1891, ông Mưu cùng gia đình và khoảng 20 đồng đạo xuống 5 chiếc ghe lớn, từ Hà Tiên vượt biển đến định cư tại Vũng Vằng (vũng biển phía đông bắc thị xã Bà Rịa ngày nay). Ở đây, ông hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, làm muối. Số người theo ngày càng nhiều, sợ nhà cầm quyền Pháp để ý, nên ông phải đưa cả gia đình lánh sang ấp Rạch Dừa (nay thuộc phường 10, thành phố Vũng Tàu) tiếp tục làm nghề.

Lúc bấy giờ, khu vực đông nam đảo Long Sơn hãy còn hoang vu, nhiều rừng rậm và thú dữ, thiếu nguồn nước ngọt, đất bằng thì sình lầy nhiễm mặn, đất núi thì sỏi đá khô cằn... Dù vậy, sau khi bàn bạc, khoảng năm 1900, ông Mưu cùng với số người đi theo dùng ghe đến nơi đó để khai phá đất đai làm ruộng muối, ruộng lúa và đánh bắt hải sản.

Ghe Sấm - phương tiện ông Trần dùng năm xưa
Ghe Sấm - phương tiện ông Trần dùng năm xưa.

Thấy công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, ai nấy đều khấm khá, để tính chuyện an cư lâu dài, ông Mưu xin phép được qui dân lập ấp. Được nhà cầm quyền chấp thuận, ông đứng ra qui tập dân ở các nơi, nhất là miền Tây Nam Bộ đến khai phá đất đai... Ấp Bà Trao cứ thế mà hình thành.

Năm 1904, một trận bão lụt lớn gây thiệt hại nặng miền Tây Nam Bộ. Nghe tin dân đói khổ, ông Trần mở kho gạo cứu dân. Sau sự kiện này, phần thì cảm mến ông, phần thì thấy đảo Long Sơn là nơi yên ổn, dễ làm ăn, nên rất nhiều người rủ nhau đến lập nghiệp, khiến nơi này thêm đông đúc. Vừa cảm phục, vừa thấy ông Mưu thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất, lao động cả ngày nên dân trong vùng không gọi ông bằng tên thật mà gọi luôn là ông Trần.

Đạo-đời pha trộn

Những di sản của ông Trần, ngoài những lời răn dạy làm người là những công trình kiến trúc độc đáo mà tiêu biểu là Nhà Lớn. Khu Nhà Lớn Long Sơn, hay Đền ông Trần, là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ tương tự đình làng phía Bắc, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quí, tọa lạc trên diện tích khoảng 2 ha bên chân núi Nứa.

Ngay từ nhỏ, em đã được dạy về nhân nghĩa, đạo làm người
Ngay từ nhỏ, em đã được dạy về nhân nghĩa, đạo làm người.

Khu nhà được ông Trần cho khởi công năm 1910, đến 1929 thì hoàn thành, nhờ vào tiền của và công sức đóng góp của ông và tín đồ. Nhà Lớn là một quần thể bao gồm nhiều nhà với các chức năng khác nhau: nơi thờ cúng, trường học, nhà chợ, nhà mát (dành cho ngư dân tránh mưa nắng), các dãy phố (dành cho lưu dân mới đến chưa có nhà ở), kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, nhà bảo tồn ghe Sấm (một trong năm chiếc ghe đầu tiên đưa đoàn ông Trần đến đảo Long Sơn)...

Do Nhà Lớn là một quần thể kiến trúc cổ đồ sộ, bề thế nhất khu vực, nên người dân còn gọi ông Trần là ông Nhà Lớn. Nhà Lớn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Ông Trần mất ngày 20-2 âm lịch năm Ất Hợi (24 - 3 -1935) và được an táng tại phía nam kế khu nhà thờ. Hằng năm, vào ngày này và ngày Tết Trùng cửu (9 - 9 âm lịch), tại Nhà Lớn đều có lễ hội, thu hút hàng chục ngàn người gần xa (chủ yếu từ các tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ) về tham dự. Chuyện ăn nghỉ của khách thập phương đều do các đạo hữu Long Sơn lo chu tất.

Chuẩn bị cơm chay kỉnh ông Trần
Chuẩn bị cơm chay kỉnh ông Trần.

Thạc sỹ Hoàng Văn Chung, nghiên cứu sinh của Đại học La Trobe (Úc) nhận xét: Với đạo Ông Trần, đạo và đời pha trộn với nhau, dung dị, hồn nhiên, mang đậm tính nhập thế. Giương cao ngọn cờ Tứ Ân (bốn ơn), mà ân hàng đầu là ân đất nước, các phong trào này được coi là có tính cách dân tộc, yêu nước, tạo nên một sự phấn khích, một tiêu điểm để hội tụ người dân đến từ nhiều gốc gác và văn hóa khác nhau.

Thừa hưởng đức tính yêu lao động, cần cù, thấm nhuần lời dạy của ông Trần, người dân Long Sơn ngày nay thực sự có một cuộc sống thanh bình, êm ấm. Dân trong xã hầu như đều no đủ với nghề biển, có nhiều người giàu có.

Xã Long Sơn còn nổi tiếng với nghề nuôi hàu xuất khẩu. Hàu ở đây dày và ngọt thịt, ngon có tiếng. Phố xá của Long Sơn sạch sẽ, phong quang. Trong mấy ngày ở đây, không thấy người ta to tiếng với nhau, không nghe bất cứ câu nói tục tĩu nào. Cuộc sống diễn ra bình lặng, vô tư lự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG