Sóng biển Đông lan đến Quốc hội!

Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chúc mừng các đại biểu Quốc hội khóa XIII tại phiên khai mạc - Ảnh: Hồng Vĩnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chúc mừng các đại biểu Quốc hội khóa XIII tại phiên khai mạc - Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Quỹ thời gian kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII chỉ có 14 ngày rưỡi mà đã chi dùng 11 ngày để làm công tác nhân sự cấp cao, nhưng vấn đề bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo - nhất là những vấn đề liên quan biển Đông vẫn được dành thời lượng.

> ASEAN-TQ thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC

Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chúc mừng các đại biểu Quốc hội khóa XIII tại phiên khai mạc - Ảnh: Hồng Vĩnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chúc mừng các đại biểu Quốc hội khóa XIII tại phiên khai mạc. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Ông Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn cho biết, ngoài việc gửi báo cáo riêng để đại biểu tự nghiên cứu, có thể đại biểu QH sẽ được nghe một cách cụ thể hơn về nội dung này tại phiên họp toàn thể.

Ngay phiên khai mạc, sau phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, diễn đàn QH kỳ họp đầu tiên khóa XIII, Hội trường đã vang lên tiếng nói của Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm: Cử tri và nhân dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Sóng lan nhưng có dậy?

Dậy là cách nói của việc cần thiết phải có một Nghị quyết về biển Đông như nguyện vọng đông đảo con dân nước Việt! Cũng theo ông Trần Đình Đàn “Vì nhân dân cả nước đều hết sức quan tâm nên UB thường vụ QH đã thống nhất yêu cầu ngay từ trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ sẽ báo cáo toàn bộ tình hình đất nước để ĐB tiếp cận”.

Dư luận hoan nghênh phát biểu của ông Chủ nhiệm VPQH trong buổi họp báo về kỳ họp đầu tiên của QH khóa XIII. Phát biểu ấy không những đã nói trúng, khơi đúng sự quan tâm của công luận về chủ quyền biển đảo mà còn thể hiện thái độ trân trọng cũng như đánh giá cao năng lực vai trò trách nhiệm của mỗi ĐBQH.

Đó là khi ông trả lời nhiều ký giả trong buổi họp báo liệu có một Nghị quyết về biển Đông trong kỳ họp, rằng: Tùy thuộc sự tham gia phát biểu của đại biểu, lúc đó Đoàn Chủ tịch mới xin ý kiến Quốc hội việc ra nghị quyết về biển Đông. Điều này phụ thuộc vào ý chí và đề nghị của các ĐBQH. Chắc chắn ĐBQH sẽ tham gia.

Ý chí và đề nghị tức là nhấn mạnh đến một tiềm năng, năng lực tầm nhìn của các ĐBQH về vấn đề biển Đông đang được đông đảo cử tri quan tâm!

Sảnh lớn Hội trường Bộ Quốc phòng, dường như sinh sắc hơn bởi tấp nập những gương mặt mới. Chia sẻ cảm nghĩ rằng, Quốc hội khóa XIII có tới 333/500 đại biểu là người mới, chưa có nhiều kinh nghiệm... Liệu có đủ tâm và tầm khi quyết định những chuyện quốc gia đại sự, những vấn đề nhân sự bộ máy của QH, của Chính phủ hoặc như vấn đề biển Đông chẳng hạn?

Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch QH cười, các ký giả cứ yên tâm đi. Hầu hết các ĐBQH tham gia khóa này đã trải nghiệm công tác trên nhiều vị trí khác nhau nên đã có kinh nghiệm để xứ lý vấn đề. Tất nhiên một số ĐBQH mới trúng cử lần đầu không khỏi cảm thấy mới lạ trong môi trường hoạt động đặc thù như Quốc hội.

Chính vì thế nên mặc dầu thời gian eo hẹp, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử của QH đã tổ chức các lớp tập huấn ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam cho gần 300 ĐBQH mới trúng cử, mỗi lớp tập huấn là 3 ngày. Họ được cung cấp những kiến thức cơ bản, tổng quan về QH, Luật tổ chức QH, Luật tổ chức của HĐND và UBND, giúp các đại biểu kỹ năng xây dựng luật để tham gia vào vai trò quyết định của QH.

Chợt nhớ, gần đây tôi có dịp ngồi với GS.TS, cựu nghị sĩ Nguyễn Minh Thuyết. Có cảm giác lúc đương là nghị sĩ hay nguyên nghị sĩ, vị GS này lúc nào cũng tất tả bấn bíu. Ông vừa hoàn thành chuyến công tác quan trọng là được Quốc hội mời đi giảng cho các lớp tập huấn những ĐBQH mới trúng cử do Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử của QH tổ chức. Nội dung lên lớp là hai bài giảng, Kỹ năng thu thập thông tin và xử lý thông tin và Kỹ năng thuyết trình tại Quốc hội.

Ông rất phấn khởi dường như vừa được chia sẻ vừa được đồng cảm với những đồng nghiệp hơn là việc trực tiếp truyền thụ những kinh nghiệm của bản thân qua hai khóa ĐBQH. Không biết quá trình lên lớp, ông có làm cái việc truyền lửa trong việc xử lý thuyết trình cho họ không nhưng có cảm giác như ông hài lòng vì thấy các tân nghị sĩ trình độ cũng như phẩm chất và cả dũng khí nữa qua gặp gỡ tiếp xúc nhất định sẽ có những đóng góp và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri giao phó.

Đề cập những vấn đề cấp bách về kinh tế xã hội mà kỳ họp đầu tiên QH khóa XIII sắp khai mạc, ông toàn nói chữ nếu! (Nếu bởi ông không tham gia khóa này). Nếu vấn đề Biển Đông và chủ quyền quốc gia biển đảo được đưa ra thảo luận và QH có hẳn một Nghị quyết về biển Đông thì quá hợp lòng dân!

Nhà báo Xuân Ba và nhà Sử học Dương Trung Quốc trao đổi với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
Nhà báo Xuân Ba (bên trái) và nhà Sử học Dương Trung Quốc (giữa) trao đổi với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
 

Cái cười của ông Quốc, chữ “nhưng” của ông Lộc

Nhớ câu văn vần, gần như dân gian về ĐBQH gây nhiều ấn tượng được cử tri mến mộ trong các khóa gần đây nhất Ngoạn (ĐB Đỗ Trọng Ngoạn, đoàn Bắc Giang) nhì Trân (ĐB Nguyễn Ngọc Trân, đoàn An Giang) tam Lân (ĐB Nguyễn Lân Dũng, đoàn Đăk Nông) tứ Quốc (ĐB Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai) vv...

Liên tưởng đến nhận xét trên đây của một lãnh đạo QH và ông cựu nghị sĩ Nguyễn Minh Thuyết, chắc chắn hoạt động của các ĐBQH trong khóa mới này chất lượng sẽ khá sẽ có sự đột biến nào đó? Ấn tượng cũng như sự cảm mến ấy như một sự kế thừa, tiếp nối?

Với cảm giác ấy, tôi đã gặp 3 ĐBQH trẻ mới trúng cử. Một phía Bắc, một phía Nam và miền Trung - Tây Nguyên. Khi được hỏi về vấn đề biển Đông, họ bộc bạch khá lưu loát về quan điểm cũng như tình cảm về chủ quyền biển đảo quốc gia... Nhưng khi được hỏi rằng anh (chị) có truyền quan điểm tình cảm ấy của mình trên diễn đàn QH không thì họ cười cho biết, trong chương trình không quy định!

Lại nhớ ngay đến phát biểu của ông Chủ nhiệm VPQH tại cuộc họp báo "Tùy thuộc sự tham gia phát biểu, phụ thuộc vào ý chí và đề nghị của đại biểu...". Nhưng ĐBQH thảo luận về vấn đề này ở đâu? Trên Hội trường hay ở đoàn ở tổ? Coi kỹ Chương trình kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII không thấy vấn đề biển Đông được ấn định được ghi vào một buổi nào trong chương trình nghị sự của QH?

Một giờ hoặc một giờ rưỡi như ông Chủ nhiệm VPQH nói trong cuộc họp báo là thời lượng để cho Chính phủ trình bày vấn đề này trước QH hay gồm cả thời gian thảo luận? Mà thảo luận riêng một chuyên đề về vấn đề bảo vệ chủ quyền an ninh trật tự vùng biển đảo hay kết hợp với việc các ĐBQH thảo luận về tình hình kinh tế xã hội nói chung? Tiếc rằng giờ giải lao gấp gáp những băn khoăn ấy vẫn chưa được giải đáp!

May quá có ĐB Dương Trung Quốc đây rồi. Ban nãy trước giờ giải lao, ngó suốt lượt hội trường, các ký giả được phân công theo dõi QH cười vui rỉ tai nhau, chắc chắn mai kia sẽ xuất hiện nhiều ĐBQH nổi trội hăng hái trong giám sát trong chất vấn nhưng hiện giờ về mặt hình thức chỉ nhận ra được ngay mái tóc bạc của nghị sĩ Dương Trung Quốc!

Ông Quốc thẳng thắn, theo tôi, chủ quyền về quốc gia là vấn đề quan trọng của đất nước mà QH có quyền trước tiên xem xét bàn bạc và quyết định. Có một nghị quyết của QH về biển Đông chỉ là tăng thêm sự đồng thuận gắn bó của cử tri của nhân dân với nhà nước. Để không tạo ra những kẽ hở cho những thế lực xấu lợi dụng xuyên tạc.

Một nhà báo mau mắn: nếu được phép phát biểu trên hội trường về vấn đề này ông có ý kiến chứ ạ? ĐB Dương Trung Quốc cười gật đầu... Ông sẽ nói những gì? ĐB Dương Trung Quốc đáp ngay: Đến lúc ấy hẵng hay... Ông nói thêm, nếu chưa có điều kiện và thời gian ra một nghị quyết về biển Đông thì chí ít trong Nghị quyết của kỳ họp đầu tiên nên có ít dòng thể hiện quan điểm của QH về vấn đề quan trọng này!

Trên lối đi gặp lại nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão là khách mời của QH. Mừng thấy ông cựu Chủ nhiệm về hưu lâu rồi vẫn khỏe mạnh sung sức. Vị Chủ nhiệm này từng kinh qua những vị trí quan trọng như Chủ nhiệm UB đối ngoại của QH, tôi tranh thủ trao đổi lại với ông mong muốn cùng là đề nghị nguyện vọng của một số ĐBQH vừa gặp...

Ông Mão thẳng thắn rằng, đưa vấn đề biển Đông ra trước Quốc hội là cần thiết, đúng đắn. Đây là thời điểm và là cơ hội để thể hiện quan điểm trước quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế, nhân dân ta có được những thông tin khách quan, toàn diện về chủ quyền biển Đông và điều quan trọng là tạo nên sự đồng tâm nhất trí trong toàn xã hội, từ lãnh đạo cho đến người dân. Đã đưa ra Quốc hội thì cần phải có sản phẩm, đó là một nghị quyết!

Ban nãy đứng với ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Tư pháp. Ông cũng nói QH kỳ này cần thiết phải có một nghị quyết về biển Đông. Lại nghĩ thêm chữ nhưng của ông mà tôi tạm hiểu thế này: Việc có nghị quyết của QH về bất kỳ vấn đề nào đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.