Những chuyện chưa kể về 'vua' lúa giống miền Tây

Ông Hai Chung và hai bà vợ
Ông Hai Chung và hai bà vợ
TP - Ông từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm nhà và ngủ lại trò chuyện thâu đêm về trồng lúa, chăn nuôi heo và còn được tặng cặp heo giống mà ngành nông nghiệp TPHCM vừa nhập từ nước ngoài về. Ông là Võ Văn Chung (Hai Chung), chủ trang trại nuôi heo lớn nhất tỉnh Tiền Giang ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo.
Ông Hai Chung và hai bà vợ
Ông Hai Chung và hai bà vợ.
 

7 hạt lúa giống thành 60 tấn

Không riêng nông dân Tiền Giang, mà nông dân cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều biết câu chuyện 7 hột lúa giống dưới bàn tay nông dân cần cù, sáng tạo của Hai Chung đã thành 60 tấn lúa giống cung cấp cho nông dân miền Tây như câu chuyện thần kỳ.

Gia đình ông Hai Chung nổi tiếng làm ruộng giỏi ở vùng Bến Tranh, Chợ Gạo. Nhưng người nông dân dù có giỏi đến mấy cũng không thể tránh được thiên tai, địch họa. Còn nhớ, vào những năm 1977-1978, dịch rầy nâu hoành hành khắp ruộng lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau vụ lúa thất bát, lúa giống để gieo sạ vụ sau rất khan hiếm. Trong lúc chới với lo tìm giống lúa mới có khả năng đề kháng và thích ứng với thời tiết, khí hậu và sâu rầy thì Hai Chung nghe tin: GS -TS Võ Tòng Xuân (Đại học Cần Thơ) mang từ Viện lúa IRI (Philippines) về một số lượng lúa IR36 để phân phát cho ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long trồng thử nghiệm.

Hai Chung lập tức sang Cần Thơ tìm giáo sư Ba Xuân xin lúa về nhân giống.

Do số lúa giống ít ỏi đã phân phát cho ngành nông nghiệp các tỉnh, nên ông Hai Chung chỉ xin được 7 hạt lúa IR36, gói cẩn thận như những hạt kim cương mang về gieo và hồi hộp chờ đợi nảy mầm.

Một hạt lúa lép không nảy mầm, chỉ còn 6 hạt lúa nảy mầm nhanh chóng phát triển thành 6 bụi lúa, ông tỉa mỗi bụi lúa và cấy nhân được 124 cây lúa khác. Các cây lúa này chín đến đâu ông dùng kéo cắt lấy hạt để nhân giống tiếp. Cứ thế…ngày một thêm nhiều, thêm diện tích lúa giống mở rộng.

Khoảng cuối năm 1977, Hai Chung có đủ số lượng lúa giống IR36 để gieo sạ hết diện tích ruộng 3,2 ha của gia đình. Lúa giống mới này có nhiều ưu điểm hơn các giống cũ của nông dân trong vùng như: kháng rầy, năng suất cao, đẻ nhánh nhiều, bông dài và hạt chắc, gạo dẻo và thơm ngon.

Lần đầu tiên, nông dân trong vùng “thấy bắt ham” với năng suất lúa IR 36 của Hai Chung, đạt kỷ lục 5 tấn /ha/vụ. Bà con trong vùng, các tỉnh lân cận tìm đến Hai Chung mua lúa giống và nhờ hướng dẫn cách chăm sóc. Chỉ trong vòng ba năm, từ 7 hạt giống đầu tiên, chính xác hơn là 6 hạt giống nảy mầm, ông sản xuất ra được hơn 60 tấn lúa giống.

Ai cũng biết, 60 tấn lúa IR36 của nông dân Hai Chung vào thời điểm này vô cùng quý giá nhưng ông không hề tính toán thu lợi, mà miễn phí hỗ trợ cho người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ vậy, giống lúa IR36 mới nhân rộng trong khu vực và góp phần cứu vãn được tình hình khó khăn do mất mùa những năm 1979 - 1980.

Làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Phú, xã Lương Hòa Lạc, ông cùng xã viên liên tục nhân ra hàng chục loại giống mới, có chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa của nông dân.

Hai Chung nhận thưởng từ tay Tổng thống Philippinnes Marcos
Hai Chung nhận thưởng từ tay Tổng thống Philippinnes Marcos.
 

Hai con heo giống của ông Võ Văn Kiệt

Giờ thì ông Hai Chung là chủ trang trại nuôi heo lớn nhất Tiền Giang, nhưng mỗi lần có khách đến thăm bao giờ ông cũng tự hào khoe nhờ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới có trang trại heo ngày nay.

Trên tường treo tấm hình chụp Hai Chung cùng ông Võ Văn Kiệt (lúc ấy là Bí thư Thành ủy TPHCM) lội ruộng coi cấy lúa ở xã Lương Hòa Lạc.

Từ cách làm hiệu quả của thanh niên xung phong TPHCM do Hai Chung hướng dẫn, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt tìm đến Chợ Gạo xem cách làm ruộng của Hai Chung và ngủ lại nhà ông. Ông Hai Chung không bao giờ quên một đêm hầu chuyện, trình bày với ông Võ Văn Kiệt những kinh nghiệm trồng lúa, cũng như hoài bão về một nền sản xuất hiện đại, an toàn…

Sau đó, Hai Chung được ông Võ Văn Kiệt mời về TPHCM hướng dẫn nông dân ngoại thành trồng giống lúa mới. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã tặng Hai Chung cặp heo giống mà ngành nông nghiệp TPHCM mới nhập từ nước Pháp, đích thân giám đốc Ty Nông nghiệp TPHCM lúc đó đem heo đến tận Chợ Gạo trao cho Hai Chung.

Đó là cơ duyên để “vua lúa giống” Hai Chung trở thành “vua nuôi heo” sau này. Khi đã ra nhận trọng trách ở Hà Nội, trong một lần đi công tác miền Tây về ngang Tiền Giang, ông Võ Văn Kiệt đã “bí mật” không cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang biết, ghé thăm và ngủ lại nhà Hai Chung. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang lúc đó đã một phen lo lắng vì không biết Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi đâu, ngủ đâu. Lần đó Hai Chung bị “rầy” vì tiếp khách VIP không đúng nguyên tắc.

Từ hai con heo giống quý hiếm, Hai Chung nhân ra thành đàn và lập trang trại nuôi heo đầu tiên ở Tiền Giang. Trang trại của ông rộng 1,6 ha, có gần 20 người làm công, nuôi 50 heo nọc, hơn 200 heo nái và hơn 1.000 con heo thịt.

Mặc cho dịch bệnh đang bùng phát xung quanh, tất cả heo trong trang trại của ông đều khỏe mạnh, ăn uống bình thường, sinh đẻ đúng “kế hoạch”. Ai hỏi, ông cười khà khà: “Đang có dịch heo trong vùng, tôi không cho anh em la cà nhậu nhẹt ở quán sợ lây mầm bệnh. Nhậu ở nhà, mồi nhậu là gà, cá nuôi trong trang trại, không có bất cứ thứ gì mang từ chợ về, đó là cách chống lây dịch bệnh heo”.

Kinh tế gia đình đã khá giả, ông sang nhượng thêm gần 3 ha đất gần nhà để trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản theo mô hình sản xuất VACR. Giờ đây, gia đình ông ngoài 1 ha lúa giống, 6 trại heo còn có 2 ha vườn trồng mận An Phước xen cam sành, bưởi da xanh. Dưới ao mương, ông thả các loại cá tra, cá tai tượng, cá trê…

Với những thành tích đặc biệt, Hai Chung đã được Nhà nước cử đi dự hội nghị những người trồng lúa tiêu biểu trên thế giới tổ chức ở Philippines năm 1985.

Đích thân Tổng thống Ferdinand Marcos đã nghe Hai Chung báo cáo thành tích trồng lúa và tặng thưởng bằng danh dự cho ông.

Bí kíp lập phòng nhì của “nông dân số 1 miền Tây”

Ở tuổi 83 nhưng sức khỏe của lão nông Hai Chung vẫn cường tráng. Tò mò hỏi ông về bí quyết sống hòa thuận với hai bà vợ. Ông bảo: “Làm trai hai vợ phải thương cho đồng”.

Khi vào nhà Hai Chung, khách nhìn thấy ngay tại cửa phòng khách tấm hình phóng to chụp ông ngồi giữa, hai bà vợ ngồi hai bên cười rạng rỡ.

Hai Chung sinh năm 1930, học hết lớp năm, ông nghỉ nửa chừng về nhà làm ruộng. Cũng vì sớm lăn lộn vào đời, ông lập gia đình khá sớm. Ông vừa giỏi làm ăn, làm giàu, mà cũng giỏi luôn chuyện chứng tỏ bản lĩnh đàn ông.

Không biết bằng cách nào ông đã thuyết phục được người vợ lớn đứng ra cưới cho ông cô vợ “nhỏ” Đoàn Thị Tư là con gái mới lớn (nhỏ hơn ông 7 tuổi) và cả gia đình cô đồng ý gả về làm “vợ nhỏ” Hai Chung.

Ngày rước vợ nhỏ về nhà, ông xếp cho hai bà vợ ở hai buồng chung một tấm vách gỗ. “Đêm tân hôn” Hai Chung vẫn ngủ với bà lớn, bỏ cô vợ nhỏ một mình “phòng không gối chiếc”. Rồi đêm thứ hai, đêm thứ ba vẫn vậy, ông Hai Chung vẫn ngủ bên người vợ lớn, nghe cô vợ nhỏ trăn trở, khóc thút thít vì buồn tủi.

Người vợ lớn thấy chạnh lòng nên khuyên chồng “qua với dì nó một đêm”. Ông Hai Chung nói: “Đó là má nó khuyên thì tui phải nghe, chứ kỳ thực tui đâu có muốn”. Đợi vợ lớn nài nỉ ông mới chịu qua động phòng với người vợ nhỏ sau ngày cưới cả tuần lễ. Giữ đúng lời hứa, hôm sau ông ngủ với vợ lớn, và chỉ hôm nào bà vợ lớn “biểu” ông mới “chịu” qua buồng vợ nhỏ.

Cuối cùng thì bà nhỏ cũng sinh 6 đứa con, không thua gì bà vợ lớn. Mỗi lần bà này sinh con, bà kia lo chăm sóc, nên ông Hai Chung rảnh rang lo chuyện làm ruộng, chăn nuôi.

“Cực mà vui” là cảm giác của ông Hai Chung trong những ngày tất tả lo cho hai người vợ để giữ được tiếng thơm “Trồng trầu thì phải khai mương - Làm trai hai vợ phải thương cho đồng”. Vì thế, hai người vợ đã “chung sống hòa bình” bên ông Hai Chung suốt hơn nửa thế kỷ qua cho đến tuổi “cổ lai hi”, vẫn ở cạnh phòng nhau và bên ông với đàn con, đàn cháu sống vui vầy, hạnh phúc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG