Người đang bình minh

Người đang bình minh
TP - Ông Phạm Bình Minh – thứ nam của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch – đã tiếp nối nghề của cha. Liệu ông có bứt phá được khỏi cái bóng cớm rợp ấy không?

> Lợi ích dân tộc là trên hết

Ông Phạm Bình Minh trả lời báo chí bên lề Kỳ họp Quốc hội thứ nhất, khóa XIII Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Phạm Bình Minh trả lời báo chí bên lề Kỳ họp Quốc hội thứ nhất, khóa XIII Ảnh: Hồng Vĩnh.

Hồ Thiền Quang những năm xa ấy chưa cạp bê tông mà mềm mại bờ cỏ buông rủ. Cơ quan tòa báo gần sát hồ. Cứ chiều chiều tầm 6 giờ, đám phóng viên rỗi hơi lại lang thang. Việc tản bộ những năm đầu 90 ấy hình như hơi bị hiếm nên tôi ngạc nhiên cứ đều đặn có một cụ ông dáng phương phi khuôn mặt hồng hào tóc lốm đốm bạc thong thả sải bước, theo sau là một chàng thanh niên. Chúng tôi dễ dàng nhận ra cụ ông đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Trong một cuộc họp, giờ giải lao, đám ký giả may mắn được ông tiếp chuyện. Trong không khí thân mật, tôi nèo ông kể vài kỷ niệm về thời gian ông là Trợ lý cho cố vấn Lê Đức Thọ trong cuộc hòa đàm Paris và cả dấu ấn thời kỳ không dài ông làm thư ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Ông coi đồng hồ cười cởi mở nói lúc nào có điều kiện đến nhà riêng chẳng hạn...

Lần ấy mấy anh bạn bận, chỉ nhõn tôi đến. Nhà riêng của cựu Bộ trưởng Ngoại giao ngay phố Nguyễn Gia Thiều cũng dễ tìm. Hồi ấy điện thoại chưa thông dụng như bây giờ nên hai lần đến đều không gặp. Lần thứ ba, đang hào hứng hầu chuyện ông đến cái đoạn ông vui vẻ hé ra giai đoạn làm thư ký cho Đại tướng có thể sẽ có mặt trong cuốn hồi ký mà ông sắp khởi thảo thì nhà ông có khách trọng. Khách là người tôi chỉ biết mặt trên báo chí nên đành vội vã lui.

Những lần khác tìm đến nhưng ông đang mắc việc ở xa và đi chữa bệnh ở nước ngoài. Rồi đột ngột cái tin ông mất...

Cũng chả thể ngờ hơn 15 năm sau, mùa thu năm 2007 tôi may được nhập vào nhóm báo chí tháp tùng chuyến đi tham dự khóa họp lần thứ 62 Đại hội đồng LHQ mà thứ nam của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là thành viên chính thức với hàm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao!

Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của đất nước, là lợi ích của dân tộc, trách nhiệm của đối ngoại là làm sao có những biện pháp tốt nhất đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền đất nước, làm sao duy trì được hòa bình, duy trì được quan hệ tốt với các nước... - Ông Phạm Bình Minh

Những lần chuyên cơ xuyên đại dương trong nhiều tiếng đồng hồ, mệt nhưng may, vì có điều kiện để biết loáng thoáng thêm một số thành viên của chuyến đi.

Kể lại chuyện người bạn là đại biểu dự ĐH Đảng X không biết ứng viên duy nhất của ngành ngoại giao trúng cử dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư, cứ hỏi Phạm Bình Minh là ai vậy nhỉ? (Cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tên thật là Phạm Hồng Cương. Hồi hoạt động bí mật lấy tên là Nguyễn Cơ Thạch).

Người ngồi ghế bên nghe vậy cất tiếng cười chiết tự thêm thì cương cũng là rắn là kiên cường như thạch (đá) vậy! Phan Bội Châu từng có bài bái thạch vi huynh ( lạy đá làm anh) đó thôi!

Những là cương cùng thạch! Cái tên ấy tưởng như có hơi chuế với ngành ngoại giao, ấy thế mà với thời gian với sự kiện cùng là thời thế đã bầu nên một sứ thần nước Nam danh giá! Có lẽ phải có độ lùi và khoảng cách nào đó, và gì nữa, phải cả bầm giập, thất thố này khác thì người ta mới cảm mới nhận thấy hết những giá trị như một thứ căn bản mà nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã từng gieo, từng đặt móng xây nền?

Trở lại cái ngơ ngác của người bạn từng đi dự ĐH X. Anh đã có lý và vô lý như rất nhiều người khác là biết ông thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là nhất thiết phải biết đó là thứ nam của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch? Hình như tâm lý ấy cũng là một dạng một biến tướng của nỗi lo?

Dưới bóng đại thụ Nguyễn Cơ Thạch, khi nào là râm mát khi nào là cớm rợp để những cây con khó phát triển? Nhiều lắm những ông con suốt đời lụi hụi gắng gỏi mà chả thể vượt qua danh tiếng sự cớm rợp của những người cha? Liệu ông con có chìm lút đi so với danh tiếng của người cha - nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch? Dẫu chỉ là ý nghĩ nhưng vô tình hợp thành một thứ áp lực vô hình mà không phải ai cũng vượt
qua được.

Chợt nhớ có lần một người quen là cán bộ gộc ngành ngoại giao có nói ông Thạch ném con mình xuống nước hơi bị sớm nên mau trưởng thành! Con đây là thứ nam Phạm Bình Minh. Cái năm sơ kiến ấy tôi chỉ chăm chắm vào ông bố mà bẵng đi một ông con Phạm Bình Minh thời điểm ấy đã được ông đưa xuống nước - mảng ngoại giao đối ngoại đã nhiều năm!

Dường nhân loại chi công, kế tổ tông chi nghiệp. Tại sao không việc và chuyện con nối nghiệp nối nghề cha? Có lẽ từ ngày khuyên con thi vào ngoại giao ngừng bách khoa, nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã để tâm đến việc nối nghiệp ấy?

Ông không để Phạm Bình Minh chỉ bình bình và công chức mẫn cán ở một vài lĩnh vực khác của ngành ngoại giao mà ném xuống nước! Phạm Bình Minh được bập ngay vào những phần việc về các vấn đề của Liên Hợp quốc như an ninh, hòa bình toàn cầu, giải trừ quân bị và đặc biệt là về vấn đề Campuchia. Đó là những thứ phức tạp và nhạy cảm.

Đang bơi dở trong môi trường phức tạp và nhạy cảm ấy thì Phạm Bình Minh mất người cha vĩnh viễn! Anh phải sải phải bơi tiếp... Có lẽ không có sự hụt hẫng ở đây. Bằng cớ là lướt qua chương trình của chuyến thăm, thấy ông thứ trưởng trẻ này can dự khá nhiều việc.

Thực tế ông là người chủ chốt tham gia kiến tạo cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 10 nguyên thủ các nước có mặt ở NewYork. Có cảm giác vị thế vị thứ trưởng ấy như nổi thêm trong cuộc gặp của lãnh đạo Havard đến thăm Thủ tướng tại khách sạn và cuộc tiếp Cựu Tổng thống Bill Clinton.

Rồi trước thời điểm phát biểu của Thủ tướng Việt Nam tại LHQ, ông cũng có mặt trong cuộc hội kiến cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng Thư ký Liên Hợp quốc.

Năm giờ chiều ngày 27-9-2007 tại vị trí đoàn Việt Nam tại hội trường chính của LHQ, gương mặt Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh liền kề với Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Lương Minh và trên bục cao nhất kia là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang phát biểu.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ năm 2008, Thứ trưởng Phạm Bình Minh cũng là thành viên chính thức. Có một hoạt động thoáng qua ít người để ý là cùng với Thủ tướng tiếp một số lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ gồm một số mục sư Tin Lành và Cơ đốc giáo. Cũng là một phần việc khó khăn nhạy cảm.

Buổi chiều ngày 24-6-2008 thoáng trong Phòng Bầu dục Nhà Trắng, gương mặt Thứ trưởng Phạm Bình Minh đối diện ngoài Tổng thống G.Bush là những Phó Tổng thống Dick B. Cheney, Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Stephen Hadley.

Những cái ghế những vị trí mà chẳng dễ tìm người để đặt vào. Nghề chọn người chứ chẳng thể người tùy tiện chọn? Thời gian ấy ông Phạm Bình Minh lại đang giữ trọng trách Trưởng đoàn Việt Nam tại các cuộc đối thoại về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo với EU, Mỹ và Úc.

Trên chuyến bay xuyên đại dương lần ấy, bên ông thứ trưởng, chúng tôi lại được rành rẽ thêm những thông tin đại loại, chúng ta nói hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng bây giờ, không chỉ là hội nhập kinh tế nữa mà chuyển sang giai đoạn mới đó là hội nhập quốc tế một cách toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục mà cả lĩnh vực quân sự quốc phòng và các lĩnh vực khác. Ngành ngoại giao phải gánh những công việc không chỉ liên quan lợi ích quốc gia mà còn là các vấn đề liên quan đến thế giới để góp phần vào duy trì môi trường hòa bình, ổn định chung.

Thông tin ấy không chỉ từ cấp Thứ trưởng mà là tầm cấp quốc gia?

Nhiều lắm những con phố trên đại lộ New York ông Nguyễn Cơ Thạch đã bao lần qua, nay ông con Phạm Bình Minh lại bước tiếp nhưng có xe cảnh sát dẫn đường chứ không phải tất tả lẫn bất an như những năm 80 của thế kỷ trước! Chợt nhớ trong một tài liệu, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Sullivan viết thế này “tôi luôn nghĩ rằng kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Việt là tượng đài cho những cống hiến của ông Thạch”.

Còn bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt viết đơn giản hơn cho Phạm Bình Minh, con trai út của cố Bộ trưởng: “Tôi rất ngưỡng mộ bố anh. Hôm nay tôi giở lại những bức ảnh chụp với ông. Bill (Sullivan) còn có nhiều ảnh hơn. Tôi rất tự hào là tình bạn giữa họ bất chấp mọi bi kịch đã trở thành chiếc cầu đủ khỏe để trên đó có thể xây một chương mới cho quan hệ giữa hai nước”.

... Câu chuyện bên hành lang Hội trường Quốc hội bị ngắt quãng khi mái tóc bạc của nhà sử học Dương Trung Quốc thoáng bên cho tôi hỏi một câu... Một câu nhưng mất non chục phút! Thoáng nghe hai ông trao đổi say sưa về một tư liệu lịch sử nào đó về chủ quyền quốc gia biển đảo hình như ông Quốc trước đó có trao đổi với ông Minh? Chao ôi, những thứ trao đổi hành lang- lobby của những VIP...

Chợt nhớ giờ giải lao buổi khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đứng trao đổi riêng với ông chắc cũng là chuyện quốc gia đại sự như bữa mới đây, trước tua tủa những micro của nhà báo thu lấy chất giọng khẳng khái của tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của đất nước, là lợi ích của dân tộc, trách nhiệm của đối ngoại là làm sao có những biện pháp tốt nhất đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền đất nước, làm sao duy trì được hòa bình, duy trì được quan hệ tốt với các nước...

Tôi cũng may biết được có người lấy mấy câu của thi sĩ Chế Lan Viên tặng tân Bộ trưởng với hàm ý, hãy bớt khắt khe mà bao dung tin tưởng vào cái mới. Và người được tặng hãy vượt qua những áp lực này khác để tiếp tục đứng vững trên đôi chân
của mình.

Khi ta chạng vạng/ Thì có người đang bình minh/ Đừng lấy hoàng hôn anh ngăn cản/ Ban mai của họ sinh thành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Bữa cù kì với người nuôi biển

Bữa cù kì với người nuôi biển

TP - Có những bữa ăn không chỉ để no, mà để nhớ. Nhớ cái khoảnh khắc ngồi giữa mênh mông vịnh biển, gió mặn mòi phả vào mặt, mây thấp lững lờ trên đầu, và trước mặt là những món quà, những ngư dân mộc mạc của biển cả.
Buông câu bên mạn thuyền trên vịnh Ảnh: Nguyễn Tuấn

Câu đêm trên Bái Tử Long

TP - Hè về, gió Nam bắt đầu thổi rì rào qua mặt vịnh và trời chiều kéo dài thêm ánh sáng, người ta thường rủ nhau đi câu mực đêm. Tôi nghe lời rủ của một người bà con ở đảo Quan Lạn, lập tức gật đầu như thể chờ điều ấy từ lâu.
Tác giả trải nghiệm lái ca nô ở biển Vân Đồn

Một thoáng Vân Đồn

TP - Tôi đến Vân Đồn (Quảng Ninh) như một khách phương xa, nhưng lại mang tâm thế của kẻ đã thuộc về nơi ấy tự bao giờ. Câu thơ của cụ Nguyễn Trãi gần 600 năm trước khi qua vùng biên cương gấm vóc vang vọng đâu đây, như thúc giục: “Đường Vân Đồn núi rồi lại núi - Kỳ quan này đất nối trời xây”.
Tâm thế cán bộ, nhân dân Tây Nguyên sau sáp nhập

Tâm thế cán bộ, nhân dân Tây Nguyên sau sáp nhập

TPO - Sau nhiều ngày vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền cấp xã mới, không khí tại các địa phương ở Tây Nguyên trở nên sôi động, khẩn trương, đầy kỳ vọng. Sự thay đổi về bộ máy đang kéo theo chuyển động tích cực từ cơ sở, cán bộ gần dân hơn, lắng nghe nhiều hơn. 
Hòn Cấm vẫn uy nghiêm tồn tại hàng trăm năm nay theo kiểu làng trong rừng và rừng giữa làng. Ảnh: Trương Định

Hòn Cấm - báu vật của làng

TP - Từ bao đời nay, ở vùng thượng nguồn sông Kôn của tỉnh Bình Định, đoạn chảy qua thôn Tiên Hòa (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh) có một cánh rừng không cần rào chắn, không người canh giữ, nhưng vẫn nguyên vẹn.
Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

TP - Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) còn được biết đến với tên gọi thân thương: làng Gà. Thôn hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".
Nụ cười trẻ thơ ngày chiến thắng tại sân bay Mỹ Tho Ảnh: Trần Nhã

'Tao là nhà báo'!

TP - “Tao là Nhà báo!”. Câu nói đầy khí phách của phóng viên Nguyễn Thanh Long (Sóc Trăng) khi bị thương, sa vào tay địch trong đợt Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 tại Bạc Liêu khiến đối phương phải nể phục. Ông bị đày ra Côn Đảo, trao trả khi có Hiệp định Paris 1973, lại tiếp tục nghề báo đến ngày toàn thắng.
Là chuyên viên Ban Xây dựng Đoàn, chị Vũ Thị Ngân Hà luôn chủ động viết những tin, bài tuyên truyền về các hoạt động của Đoàn Thanh niên tỉnh Điện Biên

100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Những người viết báo tay ngang

TP - 100 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là sự nghiệp của những nhà báo chuyên nghiệp mà còn có sự đóng góp của những người viết không chuyên. Những bài báo của họ được viết ra từ thao trường, chốt gác hay những buổi sinh hoạt Đoàn nên chất liệu thực tế đậm đặc và thấm đẫm tinh thần báo chí chân chính: khách quan, nhân văn và vì lợi ích chung.
Bạn trẻ lựa mua vải đầu mùa

Mùa vải chín

TP - Vào một ngày đầu hạ, khi trời còn vương chút mát lành của những cơn mưa đêm, anh bất chợt thấy trên con phố Giải Phóng xuất hiện những chiếc xe ô tô con nhỏ, chở đầy vải từ quê lên.