Từ xóm liều đến Thảo nguyên xanh tươi

Từ xóm liều đến Thảo nguyên xanh tươi
TP - Tâm, “nhà làm phim” kiêm diễn viên phim Thảo nguyên xanh tươi, từng mù chữ, đi ăn mày và hiện vẫn ở xóm liều dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội). Tâm đang tích cóp để đưa cả nhà lên bờ.

“Nhà làm phim” mù chữ:

Từ xóm liều đến Thảo nguyên xanh tươi

Phan Ý Ly, sau sinh con dưới nước là ...
> Sinh viên Sài thành và thú làm phim từ... ảnh chụp

Bám hè, bám sông mà sống

Tôi chờ Tâm ở nhà chờ xe buýt gần cầu Long Biên. 5 phút sau, một cô gái phanh kít xe máy trước mặt; tóc nhuộm vàng hoe, áo phông vàng, quần bò bạc bụi bặm, trên gương mặt ngăm đen còn băng một miếng cao dán. Tâm bảo: “Mặt em bị xước vì ngã thôi. Hồi còn nhỏ, em đánh nhau với bọn trẻ ở dưới cầu Long Biên ngày 4 trận, bây giờ vẫn còn đầy sẹo. Chuyện nhỏ ấy mà”.

Nữ diễn viên của bộ phim có cái tên dịu dàng Thảo nguyên xanh tươi mở đầu cuộc trò chuyện với tôi như thế. Tâm chỉ tay về sông Hồng: “Nhà em gần đây thôi”. Nhà của Tâm thực ra là một con thuyền cũ nằm ở lạch nước sát bãi giữa sông Hồng. “Mẹ em đi nhặt rác, anh trai làm xe ôm, chị gái bán hoa quả, hai đứa cháu con của anh chị, cộng cả em là 6 người ở trên thuyền. Như thế cũng còn hơn trước đây phải ngủ đầu đường xó chợ, không có chỗ che mưa che nắng”, Tâm bảo.

Tâm được học văn hóa ở các trường tình thương, nhưng cứ nhìn thấy chữ là giãy lên như đỉa phải vôi, chỉ thích nói những câu tiếng Anh. Vì thế mà 16 tuổi vẫn chưa thể viết được tên của chính mình.

Tâm sinh ra đã không biết mặt cha. Hỏi ngày sinh tháng đẻ, mẹ và anh Tâm cũng chỉ biết cười cười rồi lắc đầu. Mẹ Tâm có 4 người con. Một bị tai nạn chết; một mới 8 tháng tuổi, đang lê la bò chơi trên vỉa hè thì bị ai đó bế đi mất, giờ không biết ở đâu. Hôm ấy, người mẹ mất con gào thét, nhưng chỉ có tiếng huyên náo phố phường đáp lại. Nếu có một túp lều, không phải sống vạ vật trên vỉa hè thì mẹ chẳng bao giờ mất con, mình chẳng bao giờ mất em - ý nghĩ ấy cứ như mũi dùi nung đỏ xoắn vào lòng Tâm.

Ba mẹ con Tâm bấu víu lấy nhau, bám vỉa hè mà sống. Chẳng phút nào được yên, lúc bị công an đuổi, khi bị đầu gấu đánh, rồi xe đâm gãy xương sườn... 3 tuổi, Tâm phải theo anh trai đi ăn xin. Tâm mặt mũi đen nhẻm, cầm cái nón rách, bước chập chững theo anh, lạy ông lạy bà cho con xin chút cơm hẩm đỡ đói lòng...”.

Mẹ đi nhặt giấy rạc người, cuối cùng cũng mua được một con thuyền, cắm sào ở dưới cầu Long Biên, làm cư dân xóm liều.

Tâm được học văn hóa ở các trường tình thương, nhưng cứ nhìn thấy chữ là giãy lên như đỉa phải vôi, chỉ thích nói những câu tiếng Anh. Vì thế mà 16 tuổi vẫn chưa thể viết được tên của chính mình.

Tâm trong ngày đầu làm phim
Tâm trong ngày đầu làm phim.

Nhưng rồi chính Tâm đã viết kịch bản, đọc lời bình, quay phim và làm diễn viên chính của bộ phim Thảo nguyên xanh tươi của Phan Ý Ly - cô gái sinh năm 1981, Thạc sỹ nghệ thuật truyền thông trong công tác phát triển cộng đồng. Ý Ly tâm sự về nguyên cớ khiến cô muốn làm phim Thảo nguyên xanh tươi: “Khi nhắc đến bãi giữa sông Hồng, những người trên phố chỉ nghĩ đến kim tiêm, rác rưởi, và cho rằng dân ở đây toàn trộm cắp. Nhưng không phải vậy. Với các em nhỏ sống ở làng nổi gồm 20 hộ dân, không chỉ có sự nghèo khổ, vất vả mà còn thấm đẫm tình người. Nơi ai ai cũng cho là tạm bợ thì các em lại coi là chốn thiên đường. Tôi muốn các em cùng nhau thực hiện cảnh quay của mình và 20 hộ dân”.

Được dự án Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi tài trợ, Tâm cùng 6 bạn khác được chọn để làm phim. Một chiếc máy quay hiện đại cùng với băng và sạc pin để Tâm và các bạn ngày cũng như đêm cùng nhau ghi lại cuộc sống của mình và những cư dân làng nổi. Phải tự viết kịch bản, viết lời bình, đọc lời bình. Nhưng Tâm lại không biết chữ.

Bài tập đầu tiên mà Phan Ý Ly giao cho 7 nhà làm phim là viết một bức thư cho chiếc máy quay để khoe bản thân mình.

Phan Ý Ly kể chuyện Tâm làm bài tập: “Em nằng nặc xin có người chép ra theo lời em đọc, vì em không biết viết… Rồi mắt em long lanh nhìn xa xăm, kể lể với chiếc máy quay rằng, em kiếm được nhiều tiền như thế nào, rằng hôm qua em mơ thấy có chiếc đùi gà rơi từ trên trời xuống như thế nào... Em đi học mấy năm rồi, năm nào cũng học lớp một, nhưng không viết được”. Bài tập thứ 2, Ý Ly ra đề cả lớp viết thư cho một người mình yêu quý. Lá thư này tự viết, tự cho vào phong bì và tự giữ. Không ai đọc, trừ chính người viết thư. Tâm giãy nảy lên, rồi la hét: “Em không viết được, chị phải cho một chị viết cho em”. Ý Ly bảo: “Chị không tin là em không viết được, em biết chữ a,b,c…, em đi học mấy năm rồi, chắc chắn em phải viết được”.

Thế rồi, sau những ngúng nguẩy, giận dỗi, Tâm nghe lời chị Ly, vẽ lại từng nét chữ của bạn. Lớp học hôm đó có chuyện động trời: Tâm viết được.

Tôi nhìn những chữ tròn, chữ méo, sai chính tả của cô bé viết trên trang giấy học trò: “Nhà tôi ở bãi giữa sông Hồng, xung quanh là bãi ngô. Nhà tôi ở chên sông. Nhà tôi to lắm, chứa được 6 người...Vì nghèo nên tôi phải đi làm. Những người chên phố có người tốt và người xấu. Tôi đi nhặc rác. Tôi nhặc cái bao ni lông rồi có một chú ra khám túi tôi, tôi cảm thấy rất tức vì mình không lấy rì cả. tại vì mình con nhà nghèo, sau này tôi xẽ làm một việc gì đó cho người ta khỏi kinh thường. Hy vọng xau khi mình làm thành bố phim mình dất mong mọi người cậu vũ cho mình”.

Bằng những nét chữ khờ dại ấy, Tâm cùng 6 bạn viết kịch bản phim Thảo nguyên xanh tươi. Đúng hơn là kể về cuộc sống như nó vốn có. Quay xong 30 giờ phim, Tâm và các bạn đọc lời bình, biên tập...

Tâm đã tốt nghiệp Koto
Tâm đã tốt nghiệp Koto.

Bỏ thuyền bỏ lái...

Gương mặt ngăm đen của Tâm trở nên rạng rỡ khi kể về sự kiện lịch sử của xóm liều trên sông Hồng - ngày bộ phim chiếu ra mắt.

“Em được phát vé để tự quyết định mời ai được “hân hạnh” đến dự buổi chiếu ra mắt. Em mời các cô bác bán ngô, bán hoa quả ở chợ Long Biên, chú xe ôm. Em mang vé đến hỏi các anh chị tình nguyện: “Bộ phim mà bọn em khoe với anh chị làm xong rồi đấy! Anh chị có muốn đến xem bọn em giỏi thế nào không?” và nhận được câu đáp cụt lủn “Không!”. Em buồn, chị Ý Ly động viên: “Em ạ, các anh chị ấy rồi cũng sẽ lớn”. Hôm chiếu ra mắt, bác bán hoa quả gọi điện cho em giọng vừa thương cảm vừa tự hào, bác xin lỗi không đến được, nhưng hai người con bác sẽ đi thay”, Tâm kể.

“Thảo nguyên xanh tươi” của Tâm và 6 bạn nhỏ
“Thảo nguyên xanh tươi” của Tâm và 6 bạn nhỏ.

Buổi chiếu thành công. Nhiều người dân ở cầu Long Biên nhận ra: “Những đứa trẻ làm phim ở bãi giữa sông Hồng đấy”. Họ không nhìn Tâm bằng ánh mắt miệt thị nữa. Đứa trẻ cứng cỏi, ngang ngược từng đánh nhau ngày 4 trận đã khóc.

Bộ phim khiến nhiều người quan tâm bãi Giữa. Nhiều tổ chức từ thiện, nhóm tình nguyện, cá nhân muốn đóng góp công sức cho cái eo đất ngay giữa lòng Hà Nội mà bấy lâu bị lãng quên. Các em nhỏ ở xóm liều không phải là người vô hình nữa.

Koto, một tổ chức phi chính phủ của Úc, biết đến các em nhỏ xóm liều qua bộ phim. Koto tổ chức gặp mặt Tâm và các bạn, cùng với những phụ huynh ở bãi Giữa. Dù Tâm không có giấy khai sinh, chứng minh thư, hộ khẩu… nhưng em cuối cùng cũng được Koto dạy văn hóa, dạy nghề, chu cấp tiền ăn ở, đi lại…

Tôi ngồi cùng Tâm ở nhà hàng của Koto trên phố Văn Miếu. Cuộc đời cô bé xóm liều sông Hồng đã sang một trang mới. Tâm tốt nghiệp Koto với chuyên ngành phục vụ bar, nói tiếng Anh như gió, ngày nào cũng trò chuyện với khách Tây. Tâm đứng ở quầy bar, đọc vanh vách cho tôi đủ tên các nhãn rượu, bảo: “Sau này, em muốn mở một quán đủ các loại rượu trên thế giới ở bãi Giữa sông Hồng”. Nhưng điều Tâm khắc khoải nhất là làm sao tích cóp được tiền mua cho mẹ một miếng đất ở quê để không phải sống chui rúc trên thuyền. Con thuyền ấy đã nhiều lần trôi theo dòng nước lũ, toan cuốn đi cả cuộc đời Tâm. Tháng sau, Tâm sẽ vào TPHCM làm cho một khách sạn 5 sao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG